Nói đến công nghệ 4.0 nhiều người nghĩ đến các quốc gia phát triển, các vùng đô thị. Nhưng ở những ngôi trường miền núi phía Bắc, sự thay đổi trong tư duy, cách thức dạy học ứng dụng theo công nghệ đã tạo nên sự đột phá không ngờ về chất lượng.

Giáo dục 4.0 ở huyện miền núi

Ít ai biết ngôi trường có trên 90% học sinh sử dụng smartphone, có sóng wifi miễn phí, học sinh học và thi trực tuyến lại đến từ miền núi Lào Cai: trường THPT số 2 Bảo Thắng. Thầy giáo Hoàng Văn Việt, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, sự phát triển vượt bậc trên có được là do nhà trường đã sử dụng mạng xã hội học tập trực tuyến Viettel Study với sự hỗ trợ của Tập đoàn Viettel.

{keywords}
Học sinh ôn luyện và trao đổi với nhau trên Viettelstudy.

Đã có nhiều trường học trên cả nước sử dụng Viettel Study nhưng trường THPT số 2 Bảo Thắng là nơi đầu tiên sử dụng phần mềm này ở Lào Cai. Mỗi học sinh của trường được cấp một tài khoản riêng để phục vụ ôn luyện, học tập ở mọi nơi. Hệ thống có chế độ tự động tạo nguyên tắc chấm điểm sau đó lưu trữ quản lý điểm số trực tuyến giúp giáo viên linh động, giảm bớt được công việc và tiết kiệm được thời gian.

Nhờ cách học mới này, việc học không đơn thuần là truyền thụ kiến thức một chiều giữa thầy đọc, trò chép, mà là quá trình trao đổi kiến thức, khám phá những điều mới mẻ. Khi học sinh hứng thú các em sẽ có thái độ học tập tích cực, giáo viên không cần ép buộc, răn đe. Thậm chí khi làm đến bài khó, học sinh có thể chat nhờ thầy cô hoặc các bạn cùng tìm ra hướng giải đáp.

Nếu kỳ thi lớn nhất toàn quốc là THPT quốc gia sử dụng các môn thi trắc nghiệm hoàn toàn (trừ ngữ văn) thì tại một trường cấp hai ở vùng cao đã áp dụng thành công hình thức đó. Điều này xóa nhòa khoảng cách giữa học và thi.

Thầy Trần Uy Đông – giáo viên dạy Toán của trường cho hay, phần mềm sẽ giúp trường học có một “phòng khảo thí” online. Giáo viên cần ra đề thi theo bốn mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Sau đó ngân hàng câu hỏi từ Viettel Study sẽ chuyển qua phần mềm Vitest, sử dụng ma trận để tạo ra nhiều đề thi khác nhau. Việc làm quen với cách thi này khiến học sinh không bỡ ngỡ trước các kỳ thi lớn.

Trước kia giáo viên phải đọc chấm hàng trăm bài thi thì nay chỉ cần quét máy để lấy ảnh cho máy chấm tự động.

{keywords}
Các bài học, thi kiểu 4.0 của Viettelstudy mang lại những kết quả bất ngờ cho trường Bảo Thắng.

Các năm học trước, tỷ lệ học sinh khá giỏi của trường chỉ là 25-30% thì năm học 2017-2018 lên tới 57%. Thầy hiệu trưởng Hoàng Văn Việt xúc động nói: “Ở những vùng khó khăn như huyện Bảo Thắng, nếu trước kia giáo viên chỉ dám nghĩ có học sinh thi học sinh giỏi Toán, Tiếng Anh, thì bây giờ các em đã đạt những giải cao. Đó thực sự là kỳ tích”.

Giáo viên vùng cao giảng bài cho học sinh thành phố

Ở một tỉnh khác còn nhiều khó khăn là Tuyên Quang, công nghệ 4.0 trong giáo dục cũng đã “cập bến”. Thầy Phạm Văn Đĩnh - giáo viên trường THPT Na Hang là người đầu tiên sử dụng phần mềm Viettel Study trong dạy học. Với phầm mềm này, thầy Đĩnh không chỉ dạy cho học sinh của trường mà học sinh từ các tỉnh khác đăng ký học.

Thậm chí, thầy còn có thêm thu nhập hàng triệu đồng từ việc thu phí bài test hay bài giảng trực tuyến. Nhiều học sinh ở các tỉnh, thành phố khác lên mạng xã hội học tập Viettelstudy thấy đề thi của thầy Đĩnh thú vị nên đăng ký…

Nếu trước kia chỉ đam mê với bảng đen, phấn trắng, nhiều đêm thức chấm bài thì bây giờ cuộc sống của thầy Đĩnh gắn liền với word, pdf, powerpoint, video, video 2 màn hình, mp3… Đó là các công cụ, tư liệu để thầy Đĩnh thiết kế bài giảng sao cho phong phú, hấp dẫn.

{keywords}
Đề thi của thầy giáo vùng cao trên Viettelstudy.

Thầy Đĩnh chia sẻ, phần mềm có các hình thức tạo cuộc thi trực tuyến trên ứng dụng. Giáo viên dùng các tính năng tạo đề thi, cuộc thi, sau đó hẹn giờ để học sinh làm quen dần như một kỳ thi thật. Giáo viên cũng chỉ phải chấm bài thi Ngữ văn (tự luận), phần trắc nghiệm được máy xử lý hoàn toàn.

Đặc biệt, khi sử dụng phần mềm để thiết kế bài giảng, trong 45 phút mỗi tiết, thầy Đĩnh vừa truyền đạt được kiến thức cho học sinh, vừa mở rộng giúp các em tự học sau khi về nhà. Áp lực học tập trên vai người thầy, học trò nhẹ bớt, mọi băn khoăn dạy sao cho đủ thời gian không còn là bài toán khó.

Người thầy đam mê công nghệ cho biết, kiến thức của anh lan truyền được với học sinh khắp cả nước nhưng đến được với các em dân tộc ở chính ngôi trường của mình lại không dễ dàng. Cũng vì thế, thầy Đĩnh tận dụng thời gian của mình dù không được phân công tiết học để hướng dẫn cho từng em chưa có máy tính học ở nhà để luyện tập ở trường.

Nhờ đó, những kiến thức và đề thi hay kiểu 4.0 mà thầy Đĩnh đã tổng kết được vẫn phổ cập đến các học sinh trường Na Hang. Và triết lý mà thầy Đĩnh theo đuổi “khi công nghệ tiến lên phía trước, không ai bị bỏ lại phía sau” vẫn được thực hiện.

Hương Nguyễn