Theo GS.TS. Furuta Motoo, Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật (Vietnam Japan University, VJU), nhiều trường đại học ở Việt Nam đang nghiêng về đào tạo chuyên ngành hẹp cho sinh viên mà không hướng tới trang bị cho sinh viên một tầm nhìn rộng để có thể thích ứng với thời đại "đi biển không có la bàn" hiện nay.

Ngày 9/9 tới, Trường ĐH Việt Nhật sẽ khai giảng các chương trình đào tạo thạc sĩ đầu tiên tại Việt Nam với triết lý giáo dục cũng như mô hình và chương trình đào tạo mới. VietNamNet có cuộc trao đổi với GS Furuta, Hiệu trưởng VJU về những vấn đề của giáo dục đại học Việt Nam cũng như cách để VJU có thể khắc phục được những điều này.

{keywords}
GS Furuta, Hiệu trưởng VJU.

- Phóng viên: Thưa GS. Furuta, VJU sắp triển khai hoạt động đào tạo đầu tiên với 6 chương trình thạc sĩ. Xin GS cho biết, vì sao VJU lại không bắt đầu đào tạo từ bậc đại học hay cao hơn là bậc tiến sĩ mà lại chọn bậc thạc sĩ và việc lựa chọn 6 chương trình đào tạo dựa trên cơ sở nào?

- GS. Furuta: Chúng tôi có ý tưởng trong tương lai không xa sẽ xây dựng 1 trường đại học tương đối quy mô, có cả bậc đại học và sau đại học. Tuy nhiên, đây là công việc cần có sự đầu tư của cả chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Trong thời gian ban đầu, nguồn lực mà chúng tôi huy động được có hạn nên Nhà trường lựa chọn đào tạo thạc sĩ.

Về các chuyên ngành đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội và các trường đại học đối tác của Nhật Bản đã thống nhất VJU sẽ bắt đầu đào tạo những chuyên ngành là thế mạnh của hợp tác Việt Nhật, lấy việc đào tạo khoa học liên ngành và công nghệ tiên tiến làm định hướng cơ bản.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã thực hiện một khảo sát cơ bản về nhu cầu học tập cũng như nhu cầu đào tạo các ngành nghề. Từ đó, chúng tôi đã thống nhất chọn ra 6 chương trình đào tạo thạc sĩ sẽ bắt đầu từ tháng 9 này.

Trước hết chúng tôi ưu tiên một số lĩnh vực mà ĐH Quốc gia Hà Nội và một số đại học đối tác Nhật Bản đã có quan hệ hợp tác lâu dài. Đó là các lĩnh vực Nghiên cứu Việt Nam (Việt Nam học) và nghiên cứu Nhật Bản (Nhật Bản học), Quản trị kinh doanh, Kỹ thuật môi trường, Công nghệ nano. Sau đó, chúng tôi chọn 2 lĩnh vực nữa mà phía Việt Nam có nhu cầu lớn và các đại học Nhật Bản có thế mạnh, đó là lĩnh vực Chính sách công và Kỹ thuật hạ tầng.

- Vậy kế hoạch phát triển VJU trong tương lai sẽ như thế nào, thưa GS?

- Trong khoảng 1-2 năm tới, Nhà trường có kế hoạch mở thêm chương trình thạc sĩ nữa. Đó là chương trình Biến đổi khí hậu, chương trình Khoa học Thủy sản, chương trình Chính trị và Lãnh đạo chiến lược.

Ngoài ra, hiện tại Nhà trường chưa có khoa nhưng dần dần chúng tôi sẽ hình thành 1 số Khoa như Khoa học và công nghệ tiên tiến, Khoa học bền vững, Khoa học quản trị và phát triển, Khoa học quốc tế,…

Đến năm 2020, chúng tôi hy vọng sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn đào tạo bậc đại học. Ở bậc đại học, chúng tôi coi trọng triết lý giáo dục khai phóng để đào tạo nhân lực có tầm nhìn rộng và khả năng thích ứng cao. Kế hoạch cụ thể như thế nào thì hiện tại 2 bên Việt Nam và Nhật Bản vẫn đang trao đổi và thảo luận.

- GS có nhắc tới triết lý giáo dục khai phóng mà VJU sẽ hướng tới. Xin GS có thể giải thích cụ thể hơn về triết lý giáo dục này của VJU hay không?

- Tôi cho rằng, một đặc điểm của nền giáo dục Việt Nam hiện nay là coi trọng giáo dục chuyên sâu, tập trung đào tạo một số lĩnh vực hẹp. Tiêu biểu là các trường đại học đơn ngành tại Việt Nam. Mô hình đại học như vậy phù hợp trong xã hội tương đối ổn định. Ví dụ như ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, hiện tại xã hội đang thay đổi rất nhanh. Trong hoàn cảnh xã hội như vậy, con người nhiều khi phải "đi biển không có la bàn". Muốn vậy thì "tầm nhìn xa" của con người rất quan trọng. Vì vậy, việc xây dựng kiến thức cốt lõi vững chắc là một yêu cầu rất quan trọng trong việc đào tạo của các trường đại học.

Trường ĐH Việt Nhật sẽ hướng tới triết lý giáo dục khai phóng, giúp học viên trạng bị những kiến thức cơ bản vững chắc để có thể đối phó được với những vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay đặt ra.

Ngoài những kiến thức khoa học cốt lõi nhất, học viên tại VJU có thể tự chọn các môn học theo định hướng khác nhau để có thể tự trau dồi kiến thức theo định hướng mong muốn. Nói cách khác, sinh viên được đào tạo theo mô hình đại học khai phóng sẽ rèn luyện năng lực tự học ngay trong quá trình học và dần duy trì sự tự học đó suốt đời.

Các sinh viên đào tạo theo mô hình này khi ra trường có thể không làm tốt được ngay, phải mất thời gian làm quen với các công việc cụ thể nhưng các em sẽ thích nghi rất nhanh với các yêu cầu công việc hay sự thay đổi của thời đại. Những sinh viên như thế có thể thành công hơn trong sự nghiệp và cuộc sống.

Ba vấn đề của giáo dục đại học Việt Nam

- Mục tiêu của VJU là đào tạo nguồn nhân lực và sản phẩm nghiên cứu chất lượng cao. Vậy, chương trình đào tạo của VJU có gì đặc biệt so với chương trình đào tạo của các trường đại học Việt Nam?

- Chương trình đào tạo thạc sĩ của chúng tôi được xây dựng dựa trên chương trình của các đại học đối tác Nhật Bản. Tất nhiên có sự điều chỉnh phần nào cho phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Khoảng 50% giảng viên tại VJU do phía Đại học Nhật Bản phái cử. Ngôn ngữ đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh ngoại trừ một số ngành đặc thù Nhật Bản học, hay Việt Nam học. Các bạn học viên sẽ có cơ hội đi Nhật Bản trong 3 tháng để thực tập.

Bên cạnh kiến thức chuyên môn chương trình đào tạo của chúng tôi hướng đến trang bị tầm nhìn rộng của khoa học bền vững như tôi đã nói ở trên. Tôi hy vọng các học viên của VJU sẽ có hoài bão lớn, có năng lực lãnh đạo, có thể đưa ra những quyết sách có lợi, có tầm ảnh hưởng không chỉ Việt Nam, mà còn cả ở khu vực và trên thế giới.

- Sinh viên, thậm chí là thạc sĩ, tiến sĩ của Việt Nam thường không được đánh giá cao so với mặt bằng trình độ của các quốc gia khu vực. Liệu chương trình đào tạo của VJU có thể khắc phục điều này?

- Tất nhiên chất lượng học viên là một vấn đề lớn đối với trường chúng tôi. Chất lượng tuyển sinh khóa 1 của VJU tương đối cao. 95% học viên trúng tuyển đạt trình đột tốt nghiệp đại học loại khá giỏi trở lên. Trong đó loại tốt nghiệp giỏi và xuất sắc chiếm 50%.

Chương trình chất lượng thạc sĩ của trường có chất lượng tương đương với các trường hàng đầu của Nhật Bản. Nên nếu tốt nghiệp chương trình thạc sĩ của trường với thành tích loại giỏi thì nhất định đảm bảo thi vào được chương trình tiến sĩ của Nhật Bản hoặc các nước khác.

Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, chúng tôi đã tăng cường nhiều giải pháp đồng bộ như đào tạo tập trung trong môi trường học thuật chuẩn mực, đồng thời mỗi chương trình đào tạo được xây dựng theo định hướng chuẩn đầu ra và dựa trên chương trình đang được vận hành tại đại học đối tác Nhật Bản.

Thứ ba, chúng tôi cũng đảm bảo chất lượng giảng viên có trình độ quốc tế, với tối thiểu 50% học phần chuyên môn sẽ do giảng viên đến từ các đại học Nhật Bản đảm nhận.

Trường chúng tôi cũng chú trọng các kỹ năng thực hành thực tế với các học phần thực hành, thí nghiệm, thực địa trong các học phần chuyên môn. Đặc biệt mỗi chương trình có 6 tín chỉ thực tập tại các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu hoặc doanh nghiệp tại Nhật Bản hoặc Việt Nam, giúp học viên đáp ứng được nhu cầu công việc ngay sau khi tốt nghiệp.

- Là người sống và làm việc ở Việt Nam rất nhiều năm, ông đánh giá như thế nào về thực trạng của giáo dục đại học Việt Nam. Theo ông, mô hình đào tạo của VJU liệu có khắc phục được những vấn đề mà GD Việt Nam đang gặp phải hay không?

- Tôi nghĩ rằng, dân tộc Việt Nam là một dân tộc có truyền thống ham học. Đây là thế mạnh cơ bản nhất của nền giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục đại học Việt Nam nói riêng. Một số ngành nhất là các ngành khoa học cơ bản và khoa học nhân văn trình độ các học giả Việt Nam không kém gì với các học giải quốc tế.

Tuy nhiên, theo tôi nền giáo dục đại học Việt Nam hiện có 3 vấn đề:

Thứ nhất, nghiên cứu và đào tạo đôi khi tách biệt với nhau. Ở Việt Nam, nghiên cứu chủ yếu là công việc của các viện, đào tạo là của các trường đại học. Phân công như vậy trong tình hình hiện nay là không hợp lý. Nên kết hợp nghiên cứu và giáo dục - đào tạo nhất là khi chúng ta đang muốn xây dựng môi trường giáo dục mang tầm quốc tế.

Thứ 2, là vấn đề mà tôi đã nói ở trên. Nền giáo dục đại học tại Việt Nam mạnh về chuyên sâu, đào tạo đơn ngành, hơi coi nhẹ việc xây dựng nền tảng vững chắc và tầm nhìn rộng. Nói cách khác là thiếu triết lý giáo dục khai phóng.

Thứ 3, Chính sách của Chính phủ Việt Nam coi trọng tính tự chủ của các đại học nhưng khi người ta nói tính tự chủ vẫn nặng về tự chủ tài chính. Tôi cho rằng, tự chủ là đặc trưng không thể thiếu được của mỗi trường đại học. Phải tăng cường hơn nữa tính tự chủ của các trường đại học về đào tạo, nghiên cứu và cả nhân sự. Chẳng hạn như quyền phong giáo sư chẳng hạn.

Nền giáo dục đại học Việt Nam có thế mạnh riêng của mình, và VJU sẽ kết hợp được thế mạnh của các đại học hàng đầu Nhật Bản và Việt Nam để xây dựng thành công mô hình đào tạo mới. Do đó, tôi tin chắc rằng, chúng tôi có thể khắc phục được những vấn đề nêu trên.

Ngày 09/09/2016, Trường Đại học Việt Nhật – Đại học Quốc Gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ tổ chức lễ khai trường và khai giảng các chương trình đào tạo của Nhà trường. Buổi lễ được tổ chức tại hội trường Nguyễn Văn Đạo – ĐHQGHN. Buổi lễ là sự ra mắt chính thức của Trường Đại học Việt Nhật và đánh dấu việc triển khai các hoạt động đào tạo đầu tiên tại Trường.

Buổi lễ dự kiến sẽ có sự tham dự của hơn 400 khách mời bao gồm: đại diện chính phủ; Bộ, ban, ngành, địa phương của hai nước Việt Nam và Nhật Bản; Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; ĐHQGHN; đại học đối tác của Nhật Bản; Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA; Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản JETRO; các chuyên gia giáo dục; các doanh nghiệp; tổ chức báo chí, truyền thông của Việt Nam và Nhật Bản …và đặc biệt là sự tham gia của lãnh đạo, giảng viên và học viên của Trường Đại học Việt Nhật.

Lê Văn (thực hiện)