“Trong nhiệm kỳ VI (2007-2012), Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có những thành
tựu nổi bật. Hơn 30 năm thành lập Giáo hội, gần như mọi hoạt động với quy mô
lớn, mang những nét đặc trưng nhất đều tập trung ở nhiệm kỳ này”, ông Bùi Hữu
Dược, Vụ trưởng vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ đánh giá.
Theo ông Bùi Hữu Dược, thời gian qua, đất nước ít nhiều bị tác động của khủng
hoảng kinh tế tài chính và biến đổi khí hậu toàn cầu, nhưng với sự nỗ lực và
quyết tâm chung của toàn hệ thống Giáo hội, nhiều Phật sự quan trọng đã được
triển khai như tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ hội văn hóa Phật giáo…cho đến các
hoạt động chuyên ngành như tăng sự, hoằng pháp, kinh tế tài chính, từ thiện xã
hội, nghiên cứu Phật học…
5 năm với những sự kiện lớn
Rất nhiều sự kiện lớn đã được tổ chức thành công, thu hút đông đảo các phái đoàn
tăng ni phật tử và quảng đại quần chúng tham dự.
Năm 2008, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPG) đã phối hợp với Nhà nước tổ chức
Đại lễ Phật Đản LHQ tại Hà Nội với gần 4.000 đại biểu quốc tế ở 74 quốc gia và
vùng lãnh thổ tham gia, tạo tiếng vang rất lớn khẳng định hoạt động của Phật
giáo Việt Nam cũng như chủ trương chính sách cởi mở của Đảng và Nhà nước với
hoạt động tôn giáo; Hội nghị Ni giới thế giới lần thứ 11 năm 2009 có 29 quốc gia
vùng lãnh thổ cử đại diện Phật giáo tới dự và trên 2.400 đại biểu quốc tế; năm
2010, GHPG kỷ niệm 1000 năm Phật giáo với Thăng Long; năm 2011 tổ chức kỷ niệm
30 năm thành lập GHPGVN cùng rất nhiều hoạt động khác…
Đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc 2008. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Về hoằng pháp, GHPG nhiệm kỳ VI đã tổ chức được nhiều hội thảo, diễn đàn, hoạt động hoằng pháp quy mô lớn như ở Đà nẵng, Kiên Giang, Bình Dương, Hải Phòng…có những nơi thu hút hàng chục ngàn người tham dự. Các hoạt động hoằng pháp diễn ra trên địa bàn cả nước, từ thành thị tới nông thôn, từ miền biển tới miền núi, không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài.
Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Thượng toạ Thích Thọ Lạc - Uỷ viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Bình cho rằng, trong những năm gần đây, công tác hoằng pháp của Giáo hội rất phát triển. “Nếu như trước đây, ở miền bắc có rất ít giảng đường nhưng hiện tại, hầu như mỗi tỉnh thành khắp trung, nam, bắc đều có rất nhiều giảng đường với các chương trình hoằng pháp, hướng dẫn phật tử nâng cao trình độ nhận thức về Phật giáo, hướng dẫn các phương pháp tu tập. Các đạo tràng hướng dẫn phật tử tu học ở khắp cả nước rất mở rộng. Nhiều phương pháp hoằng pháp mới được áp dụng hiệu quả”.
Công tác giáo dục tăng ni luôn đã luôn được Giáo hội coi trọng và đã có bước phát triển vượt bậc. Đến nay, 4 học viện Phật học đã và đang đào tạo gần 7.000 tăng ni sinh ở bậc cử nhân; 31 trường trung cấp Phật học đã và đang đào tạo gần 1 vạn tăng ni sinh ở bậc trung học. Ngoài ra, còn có nhiều lớp đào tạo ở bậc cao đẳng và sơ cấp khác. Với đội ngũ tăng, ni sinh được đào tạo bài bản như vậy, có thể khẳng định, trình độ chung của các nhà sư Việt Nam hiện nay đã được nâng cao đáng kể.
Ảnh: Lê Anh Dũng. |
“Nhập thế” hơn bao giờ hết
Hoạt động xây dựng, tu bổ chùa cảnh được quan tâm đặc biệt, được tập trung mạnh mẽ và đạt được những thành tựu to lớn. Hầu hết số chùa cũ còn lại đã được sửa chữa lớn, được tôn tạo, nâng cấp hoặc được xây dựng mới khang trang hơn. Nhiều ngôi chùa lớn mang tầm vóc quốc tế. Theo Thượng toạ Thích Thọ Lạc, ngoài số lượng rất phát triển, hiện nay, hoạt động xây dựng chùa chiền, tu bổ cơ sở thờ tự Phật giáo còn hướng tới việc ứng dụng thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho cả việc tu và học của tăng ni, phật tử.
Các tăng ni, phật tử đã ngày càng tham gia sâu rộng hơn trong các hoạt động xây dựng chính quyền và các hoạt động xã hội (nhất là hoạt động từ thiện, nhân đạo), xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Giáo hội tích cực tham gia các cuộc vận động lớn doTrung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, cống hiến cho xã hội hàng trăm nghìn tỷ đồng để chăm lo xây dựng đời sống cho những người có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà cho các chiến sĩ biên phòng, hải đảo, giúp đỡ gia đình có công với Cách mạng, gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, người nghèo khó, tàn tật, trại trẻ mồ côi, nhà dưỡng lão, trại tâm thần, trại phong…
GHPG đã xây dựng kế hoạch chiến lược về công tác từ thiện xã hội, thành lập Ban từ thiện Trung ương để phát huy sức mạnh tập thể trong hoạt động từ thiện xã hội và có những “chiến lược” về công tác từ thiện, vận động gây quỹ để làm những công trình dân sinh thiết thực phục vụ cho đời sống xã hội.
Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Theo đánh giá của Vụ trưởng vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ, Bùi Hữu Dược thì, chưa bao giờ Phật giáo Việt Nam “nhập thế” sâu rộng như hiện nay. Phật giáo không chỉ phát triển ở một lĩnh vực mà trong hầu hết mọi phương diện có liên quan. Ông Dược khẳng định: “Điều này vừa thể hiện nội lực của Phật giáo Việt Nam, vừa thể hiện chính sách chủ trương của Đảng và Nhà nước trong tự do tôn giáo nói chung và trong hoạt động Phật giáo nói riêng”.
GHPG hôm nay đang hoà mình cùng với sự thay đổi và phát triển chung của đất nước, nhiệm kỳ VI chuẩn bị khép lại nhưng đã để lại một dấu ấn đậm nét trong lòng Tăng, Ni, Phật tử cả nước về sự phát triển và những đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của đất nước, một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò của Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc.
- An Thư