Tại một hội thảo về già hoá dân số được tổ chức mới đây, GS.TS Nguyễn Đình Cử - chuyên gia nghiên cứu các vấn đề về dân số đã kể một câu chuyện đáng suy ngẫm.
Ông nói: “Năm 2019, tôi nói chuyện với sinh viên 6 trường đại học ở TP.HCM. Sau buổi nói chuyện, ban tổ chức làm một cuộc khảo sát với các sinh viên bằng 1 câu hỏi: Anh chị dự định kết hôn vào năm nào? Rất đáng ngạc nhiên, có 22,5% sinh viên trả lời sẽ không bao giờ kết hôn. Một em trong số đó đứng lên nói rất dõng dạc: Kết hôn là phải sinh con. Sinh con là phải nuôi con khoẻ, dạy con ngoan. Đó là trách nhiệm rất lớn mà em không muốn mang vác”.
Không chỉ những người còn rất trẻ đã có quan niệm ấy. Thế hệ 8X, 9X hiện nay cũng nhiều cặp vợ chồng quan niệm đẻ ít để tập trung chăm sóc cho tốt một đứa trẻ, đặc biệt là tầng lớp trí thức trung lưu sinh sống và làm việc ở các thành phố lớn.
Chị Trần Thu Trang (35 tuổi, sống ở Hà Nội) cho biết, con trai chị năm nay đã 9 tuổi nhưng chị không có ý định sinh thêm. Chị hiện làm việc cho một công ty của nước ngoài, chồng chị làm kinh doanh tự do. Thu nhập 2 vợ chồng không dưới 40 triệu đồng/tháng. Nhưng chi phí để nuôi một đứa con cũng rất cao.
Chị cho con học trường tư với tổng chi phí 12 triệu đồng/tháng, chưa tính các môn năng khiếu ngoài trường hay các cuộc trải nghiệm, vui chơi cuối tuần. “Trung bình mỗi tháng, tôi mất đứt 15 triệu cho việc học hành, vui chơi của con. Tổng sinh hoạt phí, biếu ông bà 2 bên, hiếu hỉ nội ngoại, chi phí ốm đau… trung bình mỗi tháng gia đình tôi tiêu gần hết thu nhập kiếm được” - chị Trang cho biết.
Chị nhẩm tính, nếu bây giờ chị sinh thêm một đứa nữa thì cả 2 con sẽ buộc phải chuyển sang học trường công hoặc trường tư với chi phí thấp hơn. “Bố mẹ nào cũng muốn con cái được hưởng những dịch vụ tốt nhất. Hai vợ chồng tôi đều chung quan điểm như vậy, nên đã quyết định chỉ sinh 1 con để nuôi dạy con cho tốt. Về mặt tình cảm, chúng tôi cũng không thấy thiếu thốn, mất mát gì khi không sinh thêm”.
Mức sinh thấp phải 20 năm sau mới thấy hậu quả
Khảo sát nhanh về số con mong muốn của người dân Việt Nam được Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thực hiện tháng 10/2019 cho thấy, có 10% ý kiến rằng muốn sinh 1 con, trong khi những người không muốn sinh con chiếm 4%.
Theo thống kê của Cục Dân số (Bộ Y tế), ước tính tổng tỷ suất sinh năm nay của Việt Nam là 1,95 con/phụ nữ, tiếp tục giảm so với năm 2022 (2,01 con/phụ nữ), ngày càng bỏ xa mốc 2,09 con năm 2019 và lao dốc nếu so sánh với mức sinh 7 con/phụ nữ vào đầu những năm 1960. Kết quả này không đạt kế hoạch đề ra là 2,1 con/phụ nữ (tương đương mức sinh thay thế).
Tình trạng báo động nhất là vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Một số địa phương tại đây tiếp tục đà giảm sâu như Bạc Liêu, Hậu Giang, Bến Tre, Bình Dương, TP.HCM.
Ông Mai Trung Sơn, Cục Dân số, cho hay nếu mức sinh tiếp tục giảm, Liên Hợp Quốc dự báo năm 2500, dân số Việt Nam chỉ còn 3,6 triệu người, bằng tỉnh Nghệ An bây giờ. Đến năm 2700, Việt Nam chỉ còn vài chục nghìn người.
Dân số Việt Nam được dự báo đến năm 2036 sẽ chính thức bước vào giai đoạn già hoá. Nước ta cũng là một trong những quốc gia có tốc độ già hoà dân số nhanh nhất thế giới.
Trong một hội thảo về già hoá dân số mới đây do Viện Nghiên cứu con người tổ chức, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân - nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho rằng, số người già tăng và đạt tuổi thọ cao hơn là một điều tốt. Nhưng quan trọng hơn là phải có đủ người trẻ để phát triển xã hội.
Hậu quả của mức sinh thấp phải 20 năm sau mới có thể nhìn thấy, vì thế những người làm nghiên cứu cần phải cảnh báo xã hội từ sớm để các nhà hoạch định chính sách đưa ra các chính sách ứng phó kịp thời.
Khuyến sinh phải dựa trên thực tiễn
Không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia có mức sinh đáng báo động như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu đã sớm đưa ra những chính sách nhằm khuyến khích tăng tỷ lệ sinh con ở người trẻ.
Đan Mạch - quốc gia Bắc Âu có tỷ lệ sinh xấp xỉ 1,8 con/phụ nữ - từng đưa ra khẩu hiệu khẩn thiết: “Nếu bạn không định có con cho gia đình thì hãy làm thế vì đất nước".
Một công ty du lịch ở nước này còn đưa ra gói khuyến sinh vô cùng độc đáo. Cụ thể, gia đình nào chứng minh được đứa con của mình được thụ thai trong khoảng thời gian sử dụng gói du lịch của công ty này, thì em bé sẽ được trợ cấp hoàn toàn cho 3 năm đầu tiên.
Nga - quốc gia có tỷ lệ sinh trên dưới 1,5 con/phụ nữ - cũng đưa ra một sáng kiến độc đáo vào ngày Valentine, đó là mời ban nhạc đình đám Boyz II Men tới Moscow biểu diễn nhằm truyền cảm hứng để các cặp đôi sinh con. Nga cũng chọn ngày 12/9 hàng năm làm Ngày Nhận thức (hay còn gọi là Ngày Sinh sản), để tuyên truyền và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề sinh đẻ.
Chính phủ Nga hỗ trợ bằng tiền mặt, các khoản vay dài hạn đối với những gia đình nghèo. Mỗi gia đình nhận được khoảng 200 USD/tháng (4,6 triệu đồng) cho đến khi đứa con đầu tiên được 18 tháng tuổi. Khi sinh người con thứ hai, mỗi gia đình sẽ nhận được một khoản tiền khoảng 7.600 USD (175 triệu đồng), đồng thời được hỗ trợ gia hạn các khoản vay để mua nhà, xe hơi, miễn trừ nhiều loại thuế.
Đối với các gia đình ở Nga có con thứ 2, mức hỗ trợ này sẽ kéo dài 3 năm. Sinh con thứ 3, thời hạn hỗ trợ sẽ kéo dài 5 năm. Tỷ lệ lãi suất ngân hàng để vay mua nhà sẽ được giảm từ 10% xuống còn dưới 6%.
Trung Quốc và Hàn Quốc nằm trong nhóm có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Hai quốc gia châu Á này rất tích cực đưa ra các biện pháp khuyến sinh.
Một số tỉnh thành của Trung Quốc cho phép các bà mẹ nhận trợ cấp thai sản mà không cần nộp giấy chứng nhận kết hôn. Riêng thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang cam kết hỗ trợ 1 lần 20.000 tệ, tức 70 triệu đồng cho gia đình sinh 3 con. Sinh 2 con sẽ được nhận 17,5 triệu đồng. Thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông hỗ trợ từ 26 - 67 triệu đồng tùy theo sinh 1 hay 3 con. Các khoản hỗ trợ được cấp hàng năm cho đến khi trẻ đủ 5 tuổi. Thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông thì hỗ trợ 600 tệ (khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng) cho gia đình sinh 2 - 3 con cho đến khi trẻ đủ 3 tuổi.
Ở Hàn Quốc, chính quyền một số địa phương đã chi tiền tổ chức những buổi hẹn hò miễn phí, được chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho những người độc thân. Sự kiện này thu hút khá nhiều người đăng ký tham gia mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng vấn đề không phải là người ta không tìm được người phù hợp, mà do chi phí nuôi một đứa trẻ quá cao dẫn đến tình trạng ngại kết hôn và sinh đẻ.
Ở Việt Nam, GS.TS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội cho biết, Nhà nước đã đưa ra một số chính sách khuyến khích tăng sinh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, theo ông, các giải pháp hỗ trợ vật chất và tinh thần mới chỉ mang tính phụ trợ, không đáng kể so với chi phí nuôi dạy một đứa trẻ.
GS Cử đề xuất: “Nhà nước cũng cần chia sẻ ‘gánh nặng’ nuôi con với người dân bằng cách nâng cao chất lượng các hệ thống giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội… từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Chúng ta nên bắt đầu từ những việc cụ thể như phát triển hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo; linh hoạt chế độ làm việc của cha mẹ nuôi con nhỏ; phát triển hệ thống dịch vụ gia đình; dịch vụ chăm sóc người cao tuổi…
Đó là các biện pháp khuyến sinh hiệu quả nhất bên cạnh các giải pháp hỗ trợ về mặt vật chất và động viên về mặt tinh thần. Khi đời sống của người dân được nâng cao, các áp lực và lo lắng về việc chăm sóc, nuôi dạy một đứa trẻ cũng sẽ vơi bớt đi, tạo tâm lý nhẹ nhàng hơn cho các gia đình trong việc sinh thêm con”.