Là huyện ven biển, những năm gần đây, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định đã đẩy mạnh khai thác, chế biến những mặt hàng nông sản trở thành sản phẩm hàng hóa có tính cạnh tranh cao trên thị trường. 

Đặc biệt, từ năm 2020 khi tỉnh phát động Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, an toàn đã mang đến luồng gió mới, sự sáng tạo trong quá trình xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Đó là cơ sở để các cấp đánh giá, xếp hạng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường trong và ngoài nước, cũng như việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa chất lượng cao.

Đến nay, tại địa bàn huyện Giao Thủy đã có 86 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận và cấp mã QR. Đây là hướng đi mới giúp người nông dân chuyển đổi tư duy sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch an toàn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng đòi hỏi ngày càng cao trên thị trường, từ đó nâng cao thu nhập, giá trị trên mỗi đơn vị sản xuất.

Nếu như trước đây, sản phẩm tép moi tự nhiên tại địa bàn khi đánh bắt thủ công về bán tại chỗ với giá trị rất thấp, chỉ khoảng 15 ngàn đồng/kg, không thể bảo quản thì đến nay, sản phẩm tép moi sấy khô bằng dây chuyền công nghệ hiện đại của Nhật Bản tại Công ty TNHH hải sản Hùng Vương đã giải quyết được mọi vấn đề. 

Theo đó, giá trị mỗi kg tép moi tươi đã được nâng lên. Người đánh bắt được ký kết thu mua, hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định với chủ phương tiện. 

Chị Đinh Thị Thu giới thiệu 1 sản phẩm của Công ty nước mắm Phúc Hải.

Hay như với các loại cá tạp có giá trị thấp, nhiều người dân xã Giao Thịnh không biết để làm gì thì công nghệ làm nước mắm thủ công truyền thống với thương hiệu nước mắm Phúc Hải ra đời đã giải quyết hầu như hoàn toàn điều đó.

Chị Đinh Thị Thu, một thành viên của Công ty nước mắm Phúc Hải cho hay, "Tất cả nguyên liệu để làm nên nước mắn Phúc Hải là cá biển, mực biển, muối biển của vùng biển địa phương đánh bắt về và đã được kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng đầu vào. Để nước mắm có mùi thơm đặc trưng của nước mắm truyền thống, có màu cánh dán đậm, có vị ngọt hậu vị sâu, sản phẩm phải được ủ đủ 18 tháng và đánh đảo thường xuyên”.

Theo chị Thu, hiện sản phẩm đã và đang có mặt trên nhiều tỉnh thành như Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Phòng, Nam Định…. và sử dụng thanh toán quét mã QR tại các điểm bán hàng. Ví dụ khi bán trên sàn thương mại điện tử, các thành viên của công ty không cần phải đến tận nơi mà chỉ cần ở nhà, mở app là có thể trao đổi mua bán rất thuận tiện.

Đối với lĩnh vực dược liệu, sản phẩm củ gai sấy khô, nấm linh chi, mật ong sú vẹt Xuân Thủy được những người nông dân nghiên cứu làm ra mang lại nhiều giá trị đối với người sử dụng và đã được kiểm chứng bởi cơ quan chức năng. Các đơn vị như Công ty TNHH Tuấn Hiệp, Việt Khuê, Hợp tác xã chế biến thủy sản Khang Tường đến từ Vườn Quốc gia Xuân Thủy, Cơ sở giò chả Phương Long có từ 3 - 5 sản phẩm đăng ký đạt tiêu chuẩn OCOP.

Ngoài ra, một số sản phẩm lương thực gồm gạo Đài thơm 8, nếp cái hoa vàng, dưa lê siêu ngọt, dưa hấu trồng theo công nghệ hữu cơ, sản phẩm muối sạch, muối tinh, bột canh với công nghệ tiên tiến được các doanh nghiệp đăng ký sản phẩm đạt chất lượng cao. 

Tiêu biểu như Hợp tác xã nấm Tuấn Hiệp có 4 sản phẩm gồm nấm linh chi, mộc nhĩ, nấm sò trắng và sò nâu; năm 2022, hợp tác xã đăng ký thêm 2 sản phẩm là Nem nấm Tuấn Hiệp và Giò nấm Tuấn Hiệp. Hợp tác xã Khang Tường với 5 sản phẩm hải sản đã được công nhận sản phẩm OCOP 2021 gồm ruốc tôm, tôm he, tôm sú sấy, cá thu, cá vược; năm 2022 hợp tác xã đăng ký thêm 5 sản phẩm. Cơ sở Phạm Viết Long xã Giao Yến với 3 sản phẩm giò, chả, ruốc truyền thống chế biến từ thịt lợn sạch.

Đặc biệt, một sản phẩm chỉ có tại Giao Thủy đó là văn hóa du lịch sinh thái cộng đồng của Hợp tác xã Dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân. Đây là sự phối hợp của các thành viên trong việc xây dựng một sản phẩm có giá trị về mặt văn hóa truyền thống mang đặc trưng vùng miền.

Anh Phạm Quốc An, thành viên Hợp tác xã Dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân cho biết, hầu hết các du khách, nhất là các đoàn khách quốc tế đến với Khu du lịch Giao Xuân đều rất hào hứng trước vẻ đẹp tự nhiên và môi trường sinh thái biển. Vào mùa chim di trú, có hàng ngàn cá thể chim quý hiếm về đây làm tổ sau cuộc hành trình trú đông từ phương Bắc xuống phương Nam tránh rét.

Du khách được đi bằng thuyền máy tại cống Cai Đề, len lỏi theo các kênh rạch vào trong các khu rừng ngập mặn rộng đến hàng ngàn ha, được giới thiệu về sự đa dạng, phong phú của hệ sinh thái rừng ngập mặn và được chứng kiến các hoạt động khai thác hải sản bằng các phương tiện đánh bắt thủ công truyền thống của ngư dân bản địa.

Ông Cao Thành Nam, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Giao Thuỷ, Nam Định.

Ông Cao Thành Nam, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Giao Thuỷ cho biết, đến nay, huyện có 86 sản phẩm OCOP 4 sao và 3 sao.  Huyện Giao Thuỷ cũng là huyện có số lượng sản phẩm OCOP cao nhất tỉnh Nam Định.

Trong thời gian qua, huyện đã xây dựng đề án để phát triển các sản phẩm OCOP. Trong đó có cơ chế khuyến khích các chủ hộ, doanh nghiệp phát triển các sản phẩm này, với mức hỗ trợ mỗi sản phẩm OCOP đạt 3 sao là 20 triệu, sản phẩm đạt 4 sao là 30 triệu đồng và 5 sao là 50 triệu đồng. Đồng thời, hỗ trợ đưa các sản phẩm này tham gia chương trình thương mại, giới thiệu sản phẩm qua các sản thương mại điện tử để chúng có sức lan toả, tiêu thụ tốt hơn.

Đến nay, 22 xã, thị trấn của huyện Giao Thuỷ đều có sản phẩm OCOP. Đây là một trong những nhân tố giúp cho Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của huyện Giao Thuỷ đạt kết quả cao.

Đức Yên, và nhóm PV, BTV