Theo phản ánh của một số sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội, một chi tiết trong cuốn giáo trình dành cho sinh viên chuyên ngành Ngữ Văn khẳng định “Nguyễn Dữ là không chỉ là cha đẻ của chủ nghĩa nhân văn, mà còn là cha đẻ của dòng thơ sexy Việt Nam” đã khiến các em rất bất ngờ và bối rối.

Cuốn sách cho rằng "Nguyễn Dữ là cha đẻ của dòng thơ sexy Việt Nam" do NXB ĐHSP ấn hành.

Cuốn sách này có tên “Văn học trung đại Việt Nam”, tập 2 (do Nhà xuất bản ĐHSPHN ấn hành, in lần thứ 4 và nộp lưu chiểu tháng 4 năm 2012).

Chia sẻ với Kiến thức, N.T.L, sinh viên năm thứ ba (khoa Ngữ Văn, trường ĐHSPHN) cho biết: “Khi đọc đến đây, hầu hết sinh viên chúng em đều rất bất ngờ. Nghe nó lạ và “hiện đại” quá. Chúng em chưa nghe nói đến điều này bao giờ. Ai cũng biết Nguyễn Dữ là nhà văn chứ không phải là nhà thơ. Ông được biết đến với tác phẩm “Truyền kỳ mạn lục”, làm sao mà tác phẩm này của ông lại có thể nói là đề cập đến vấn đề “sexy” được”.

Sinh viên này bối rối: “Nói đến từ “dòng thơ sexy” nghe nó cứ… thế nào ấy. Dù đã học qua môn Lý luận văn học nhưng quả thực em chưa nghe nói đến khái niệm “dòng thơ sexy Việt Nam” bao giờ cả. Nghe nó rất lạ và bọn em thực sự cũng không hiểu. Nhưng cũng không dám hỏi thầy vì ngại”.

Theo sinh viên này, không chỉ riêng em mà rất nhiều sinh viên khác cũng có chung thắc mắc trên.

  Đoạn văn khẳng định “Nguyễn Dữ là cha đẻ dòng thơ sexy Việt Nam”

Ở trang 52 của cuốn sách, khi nhận xét về các tác phẩm văn xuôi của Nguyễn Dữ, có đoạn: “Những bài thơ của Nhị Khanh (truyện Cây gạo), của Liễu Nhu, Đào Hồng, Hà Nhân (truyện Cuộc kì ngộ ở trại Tây)… đã thực sự tạo thành một dòng thơ sexy trong văn học Việt Nam trung đại. Bởi vậy, Nguyễn Dữ không chỉ là cha đẻ của chủ nghĩa nhân văn, mà còn là cha đẻ của dòng thơ sexy Việt Nam”.

Bàn về vấn đề này, PGS.TS Trần Ngọc Vương, giảng viên Khoa Văn học, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) trả lời báo Kiến thức: “Ai cũng biết rằng Nguyễn Dữ viết văn chứ không phải làm thơ. Nếu có cũng không đáng kể. Nói “Nguyễn Dữ là cha đẻ của dòng thơ sexy Việt Nam” là… hơi quá”. Ông cho rằng khái niệm “dòng thơ sexy Việt Nam” nghe có vẻ xa lạ và hiện đại quá.

Thầy Trần Ngọc Vương phân tích: “Trong văn học Việt Nam thời kỳ trung đại, Nguyễn Dữ nổi tiếng nhiều hơn với những tác phẩm văn xuôi, đặc biệt là tác phẩm “Truyền kỳ mạn lục”. Trong nội dung tác phẩm của ông có đề cập đến khát vọng tình yêu đôi lứa, hạnh phúc vợ chồng… tuy nhiên không thể gọi đó là “sexy” được”.

Ông cũng đưa ra góp ý, giáo trình dành cho sinh viên sư phạm phải chuẩn bởi họ sẽ là những giáo viên tương lai, giảng dạy lại cho những thế hệ học sinh tiếp theo.

  • Nguyễn Thảo (Tổng hợp)