- Nhờ đổi mới thanh tra trong ngành giáo dục, năm qua các đoàn thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất đã phát hiện nhiều đơn vị vi phạm. Tuy nhiên, nhiều nơi giáo viên mỗi lần thanh tra đến là nơm nớp lo sợ.

Thanh tra đột xuất khi có vấn đề nóng

Theo báo cáo, năm học 2014-2015, các Sở GD-ĐT tổ chức thanh tra gần 2.000 cuộc bao gồm cả đột xuất và có kế hoạch. Số đơn vị được thanh tra ít hơn so với trước tuy nhiên nội dung thanh tra mở rộng hơn.

Trong đó, tập trung vào thanh tra công tác quản lý, sử dụng các khoản thu thỏa thuận đầu năm học, dạy thêm học thêm, mua sắm tài khoản công, sử dụng thiết bị dạy học…

{keywords}
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển trong một lần kiểm tra công tác thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh: Văn Chung)

Đặc biệt, một số Sở GD-ĐT đã thanh tra việc thành lập trường, mở mã ngành, liên kết đào tạo. Các cuộc thanh tra đã phát hiện những sai phạm, thiếu sót trong quản lý, góp phần chấn chỉnh, duy trì hoạt động giáo dục. Đặc biệt gần đây như phát hiện sai phạm các khoản thu ở trường ĐH Thái Nguyên, liên kết đào tạo ở Trường ĐH Lương Thế Vinh…

Ông Nguyễn Quang Sơn, Phó Chánh thanh tra TP Hồ Chí Minh cho hay, kết quả làm việc của các đoàn thanh tra đã phát hiện một số trường có khoản thu ngoài quy định, chỉ dựa theo thỏa thuận với cha mẹ học sinh như: mua ghế ngồi sinh hoạt dưới cờ, chụp ảnh thẻ, tiền tân trang các phòng học, bảo trì máy tính, nước uống…Các khoản thu này gộp chung, chưa có văn bản.

Cũng theo ông Sơn, theo đơn thư phản ánh, việc thực hiện trái quy định quy định 55 (quy định hoạt động hội cha mẹ học sinh) ở một vài trường, giáo viên chủ nhiệm điều hành hoạt động của Hội cha mẹ học sinh là đúng.

Việc sử dụng kinh phí của hội cha mẹ học sinh nhiều trường đã chi không đúng mục đích như: hỗ trợ bảo vệ cơ sở vật chất của trường, bồi dưỡng dân phòng bảo vệ an ninh trật tự, vệ sinh trường…

Đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp chia sẻ kết quả thanh tra các cơ sở năm qua ít đoàn kiểm tra nhưng đạt hiệu quả. Cụ thể, đơn vị chỉ kiểm tra 38 trường học, phát hiện 13 đơn vị thu trái quy định với số tiền hơn 800 triệu đồng, đề nghị thu hồi hơn 200 triệu đồng.

Vấn đề đặt ra hiện nay là lực lượng thanh tra quá mỏng (22.445 người/ 63 tỉnh/ thành phố) trong khi có quá nhiều cơ sở giáo dục, nhiều nội dung, lĩnh vực cần thanh tra.

Ở một số đơn vị còn sử dụng lực lượng cộng tác viên thanh tra, thanh tra chưa đúng nội dung công việc…

Theo nội dung chương trình đổi mới thanh tra, thời gian tới không thanh tra toàn diện cơ sở giáo dục, không thanh tra hoạt động sư phạm của nhà giáo mà thanh tra phân cấp quản lý từ trên xuống.

Quan tâm thanh tra các cơ sở giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục ngoài nhà trường. Tăng cường thanh tra nội bộ các cơ sở giáo dục. Khi có vấn đề “nóng” sẽ tăng cường thanh tra đột xuất.

Giáo viên sẽ không phải lo thanh tra

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: “Thanh tra không làm thay công việc của hiệu trưởng, không can thiệp sâu vào hoạt động chuyên môn của các nhà trường”.

Thông thường, thanh tra về trường sẽ kiểm tra giáo án, sổ sách rồi dự giờ, đánh giá giáo viên qua giờ dạy. Và những đánh giá này của thanh tra có tác động trực tiếp đến đánh giá của hiệu trưởng đối với mỗi giáo viên.

Chính vì vậy nhiều giáo viên đã bỏ cả việc dạy để lo “hợp thức hóa” giáo án, sổ sách cho đúng mẫu quy định khi nghe tin thanh tra về. Đa số giáo viên còn không muốn sáng tạo trong việc giảng dạy, vì sợ thanh tra “bút phê”. Không ít thầy cô cho rằng đối phó với thanh tra chuyên môn còn nan giải hơn đổi mới phương pháp dạy học.

Ông Tống Duy Hiến -Phó chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết: Nhiều nơi còn chưa tách bạch việc thanh tra vấn đề quản lý nhà nước với hoạt động chuyên môn, hoạt động sư phạm của nhà giáo.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng cho rằng việc không tách bạch giữa hai nội dung trên là một trong những cản trở đáng kể cho việc đổi mới giáo dục theo hướng phát huy chủ động, sáng tạo của các nhà trường và của mỗi thầy cô giáo.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định: “Thanh tra chỉ được quan sát, góp ý vào việc chỉ đạo chuyên môn của hiệu trưởng. Tuyệt đối không được can thiệp sâu vào chỉ đạo chuyên môn của hiệu trưởng và hoạt động giảng dạy của giáo viên”.

  • Văn Chung (ghi)