Sài Gòn Tiếp Thị đưa tin về tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh cho hệ tiểu học, đặc biệt là trong hoàn cảnh áp dụng thí điểm chương trình tiếng Anh tiểu học theo đề án Dạy học ngoại ngữ.


Nhiều trường của TP.HCM không thể xếp thời khóa biểu, do không có đủ giáo viên. Nguyên nhân chính là do thiếu giáo viên đạt chuẩn để dạy theo các chương trình thí điểm, vốn sử dụng giáo trình nước ngoài.

Một số trường không có biên chế cho giáo viên môn học này. Trong khi đó, không thể tìm các giáo viên bên ngoài để dạy thường xuyên, do chất lượng giáo viên không đồng đều, và mức thu nhập chưa thỏa đáng.

Thêm nữa, hiệu quả đào tạo theo các chương trình này khó đảm bảo, vì chương trình thiết kế để phổ cập tiếng Anh, nhưng học sinh không có sự kiểm tra đầu vào, nên chất lượng học sinh rất chênh lệch.

Năm học 2011-2012 là năm thứ hai áp dụng chương trình này.

Chương trình nóng, cơ chế nguội


Cũng phân tích về vướng mắc trong việc triển khai thí điểm dạy tiếng Anh này, báo Hà Nội Mới chỉ ra, nguyên nhân cơ bản khiến việc khan giáo viên là do thiếu chế độ, chính sách phù hợp.

Rất nhiều giáo viên mới chỉ ký hợp đồng với nhà trường và không có phụ cấp đứng lớp. Do đó, các giáo viên có thể không gắn bó lâu dài với nghề.

Trong khi đó, những giáo viên đạt chuẩn của chương trình thí điểm - có bằng Cao đẳng Sư phạm chuyên ngữ trở lên, có chứng chỉ sư phạm tiểu học và có bằng B2 theo tiêu chuẩn châu Âu - có xu hướng tìm các công việc có thu nhập cao hơn, cơ hội thăng tiến nhiều.

Tại Hà Nội có khoảng 1.400 giáo viên ngoại ngữ, nhưng chỉ có 719 giáo viên biên chế.

Theo tính toán sơ bộ, với chương trình thí điểm này thì số lượng giáo viên cần có phải gấp đôi con số hiện nay để đáp ứng thời lượng 4tiết/tuần.

Riêng tại Hà Nội có khoảng 200 trường đưa môn tiếng Anh vào dạy như một môn học tự nguyện. Hầu như các giáo trình đều theo thiết kế của nước ngoài.

Trước mắt, để giải quyết tình trạng này, các địa phương được phép sử dụng các giáo viên có trình độ cận chuẩn, cùng với điều kiện phải sớm đạt trình độ B2 vào cuối năm học.

Bộ GD-ĐT sẽ tư vấn, hỗ trợ cho địa phương, để tạo điều kiện cho các giáo viên, cùng với những tín hiệu tích cực đối với chính sách đãi ngộ tốt, đảm bảo quyền lợi cho người giảng dạy.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị/Hà Nội Mới