Từ giữa tháng 8 đến nay, nhiều ca nhập viện và nguy kịch và nhiễm khuẩn và ngộ độc từ các loại tiết canh đặc sản này.
Tiết canh pha với phẩm màu và nước lã
Ông Nguyễn Văn C. ở đường Phạm Văn Đồng (TP HCM) vừa thoát khỏi cơn đau bụng dữ dội ngày 25/8 cho biết dọc đường Phạm Văn Đồng và một số điểm ở khu vực Kha Vạn Cân có nhiều quán tiết canh đặc sản.
Là dân lao động nên cứ chiều đến ông C. cùng mấy người bạn thường ghé quán vỉa hè ở đường Phạm Văn Đồng ăn. Lần này ông ăn xong thì thấy đau bụng dữ dội, đã cố tìm mọi cách để nôn ói hết ra nhưng vẫn không khỏi mà còn nặng hơn và đau đầu, choáng váng, sau đó thì lên cơn sốt. Người nhà ông C. đưa ông đến trung tâm y tế để truyền nước và được chẩn đoán là ngộ độc thức ăn do ăn tiết canh vịt.
Lần theo thông tin của ông C. chúng tôi “mục sở thị’ một số quán tiết canh vỉa hè ở đường Phạm Văn Đồng thì rất kinh hãi với kiểu cách làm tiết canh ở đây. Tại quán HQ, đối diện cầu vượt Phạm Văn Đồng, cứ chiều đến tấp nập người vào ăn tiết canh vịt cỏ. Lượn một vòng ra sau quán tạm bợ này chúng tôi thấy bát đĩa và nhiều loại nguyên liệu như cổ vịt, cánh, lòng… để hổ lốn trong một chiếc chậu. Ngay cạnh đó là một chai tiết chừng 2 lít và một bình nước suối, một bịch phẩm màu.
Nhiều người dân sống quanh khu vực này cho biết vịt cỏ thì không lấy đâu ra tiết nhiều để đánh tiết canh, nhiều quán khu vực này dùng thêm phẩm màu thực phẩm pha với nước suối, sau đó chế thêm tiết canh vào rồi bỏ trong tủ lạnh, đông cứng ngay, nên khách rất thích.
Nhiều quán tiết canh vè hè có nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao. |
Rời khu vực này đến một số quán tiết canh heo mọi (heo rừng) ngay khu vực cầu vượt Sóng Thần (Bình Dương), chúng tôi cũng thấy công nghệ làm tiết canh ở đây hết sức mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Khu vực này, các quán tiết canh rất hút khách là lượng lớn công nhân, nhất là những ngày nghỉ cuối tuần.
Anh Hùng, công nhân công ty Yumatich (khu công nghiệp Sóng Thần) cho biết: “Trước đây tôi rất thích ăn tiết canh heo mọi, nhưng trong một lần tình cờ vào nhà bếp thấy chủ quán đang chế thêm phẩm màu đỏ vào nước suối để làm tiết canh nên từ đó không dám ăn nữa. Đặc thù của các quán tiết canh này là hầu hết đều dựng các quán dọc vỉa hè, có khi không cần thuê mặt bằng cố định”.
Theo giới thiệu của anh Hùng chúng tôi đến một quán nhậu tiết canh-cháo lòng tạm bợ ở ngã tư 550 (Bình Dương). Do đến quán quá sớm nên quán chưa có tiết canh.
Qua khe cửa được làm bằng ván ép ngăn giữa khu vực nhậu với khu vực chế biến thức ăn, chúng tôi thấy người phục vụ quán chia nguyên liệu đã băm nhỏ vào từng chiếc bát, đĩa, sau đó thì đổ thêm phẩm màu, nước suối vào tiết canh rồi đánh đều, cho thêm nhiều bột ngọt rồi chế vào những bát, đĩa nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn. Để tránh tình trạng tiết đông yếu hoặc đông lâu thì các chủ quán bỏ vào ngăn đá của tủ lạnh để ngay ở góc quán cho nhanh đông.
Ảnh minh hoạ. |
Chúng tôi tìm hiểu nhiều quán lòng lợn, tiết canh tạm bợ ở khu vực này cũng có cách làm tương tự.
Chủ một lò mổ heo cho biết: “Một con heo mọi có số tiết chỉ đủ dùng cho khoảng 20 bát tiết canh nhưng nhu cầu của người ăn thì lại ngày càng nhiều”.
Tại công khu công nghiệp Amata (Đồng Nai) một số quán đặc sản tiết canh, lòng lợn chúng tôi cũng tìm hiểu thấy có cách làm tương tự như các quán nhậu tạm bợ ở Bình Dương.
Nhập viện trong nguy kịch
Đầu tháng 8/2015, anh Nguyễn Huy Long, công nhân ở khu công nghiệp Amata sau khi ăn tiết canh heo mọi ở cổng khu công nghiệp thì thấy đau bụng nhưng vẫn trở về nhà và đi làm bình thường.
Thế nhưng một tuần sau anh thấy đau đầu, choáng váng nên đi khám và được bác sỹ chẩn đoán anh Long bị nhiễm sán heo do dùng đồ ăn không được chế biển bảo đảm an toàn. Rất may ca ngộ độc này của anh Long chỉ bị nhẹ nên mấy ngày sau thì khỏi.
Anh Long cho biết: “Cứ thấy ngon và rẻ thì ăn thôi chứ công nhân như chúng tôi cũng ít có thời gian tìm hiểu và lựa chọn các quán nhậu cho mình”.
Ngày 27/8, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai, ông Cao Trọng Ngưỡng cũng cho biết, mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh đã gửi văn bản về trung tâm thông báo về trường hợp bệnh nhân là ông Nguyễn Văn Thắng, ở ấp 2, xã Tà Lài, huyện Tân Phú bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
Tác hại kinh hoàng từ việc ngộ độc và nhiễm liên khẩu lợn sau khi ăn tiết canh. Sau nhiều tuần điều trị, đến nay sức khỏe ông Thắng đã hồi phục và đã được xuất viện.
Nguyên nhân ông Thắng phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch và nhiễm liên cầu khuẩn vì trước đó ông Thắng cùng một số người trực tiếp chế biến và sử dụng tiết canh heo không đảm bảo vệ sinh.Về nhà ông Thắng có triệu chứng mệt mỏi nhưng chưa nghiêm trọng cho đến khi bệnh khởi phát.
Cũng vừa vượt qua cơn hoảng loạn, anh Lê Văn Hậu ở Kha Vạn Cân (TP HCM) cho biết do sở thích ăn tiết canh heo và vịt cỏ mà lại thường hay thay đổi địa điểm liên tục để thưởng thức nên anh đã ăn liên tục tại mấy quán ở đường Phạm Văn Đồng và 2 quán cóc ở Kha Vạn Cân. Cách đây hơn 10 ngày anh phải đi cấp cứu vì bị nhiễm sán heo. Có thể gây tử vong hoặc bại não
Theo Bệnh viện nhiệt đới TP HCM, các ca cấp cứu trong tình trạng nguy kịch vì sử dụng các loại tiết canh có xu hướng diễn biến phức tạp. Có thể do tiết canh chế biến không đảm bảo vệ sinh. Điều này rất nguy hại đến sức khỏe của người sử dụng. Liên cầu khuẩn lợn Streptoccus Suis (loại vi khuẩn gây bệnh cho người và lợn) thường gây ra nhiều tác hại nguy hiểm, gây mưng mủ ở não, nhiều trường hợp có thể bại não. Vi khuẩn này thường cư trú ở đường hô hấp trên đặc biệt là xoang mũi, tai, hầu họng lợn. Tuy nhiên, vi khuẩn cũng có thể có trong đường tiêu hóa và đường sinh dục của lợn. Theo nhiều chuyên gia về an toàn thực phẩm thì việc chế biến tiết canh pha thêm phẩm màu cũng góp phần làm tăng thêm nguy cơ ngộ độc cho người sử dụng. Hơn nữa, cách chế biến ấy sẽ là môi trường kích thích liên cầu khuẩn sản sinh và xâm nhập vào cơ thể người nhanh hơn.Khi lợn bị ốm, sức đề kháng bị suy giảm thì liên cầu khuẩn mới gây viêm phổi hoặc nhiễm trùng huyết ở lợn. Như vậy, nhìn con lợn khỏe mạnh cũng không chắc rằng con lợn đó không mang trong người liên cầu khuẩn. Ở những con lợn khỏe mang liên cầu khuẩn, khi cắt tiết ở vùng cổ, vi khuẩn liên cầu khu trú ở dịch hầu họng lợn bị nhiễm sang tiết canh nên người ăn bị bệnh. Cũng có thể, cuống họng được dùng để đánh tiết canh chưa được nấu chín hẳn có chứa liên cầu khuẩn nên người ăn bị nhiễm. Trong khi đó, hầu hết các quán lòng lợn, tiết canh bán dọc các vỉa hè đều mua nguyên liệu đánh tiết canh như cuống họng, dạ dày…một cách qua loa, không lựa chọn kỹ, thậm chí mua đồ đã để ôi nên nguy cơ gây ngộ độc và nhiễm liên cầu khuẩn càng cao hơn.
(Theo Phụ nữ TP.HCM)