Không nhãn mác, hạn sử dụng
Nóng nực cũng là thời điểm quán chè giải khát đắt khách. Nhờ nhu cầu lớn, thị trường nguyên liệu của thứ quà phố này cũng vô cùng phong phú. Từ nhưng món đơn giản như chè khoai, chè đậu, đến phức tạp như chè bưởi hay chè Thái… từ nguyên liệu thô tới thành phẩm chỉ cần “alô là có”.
Vừa vét sạch bát chè bưởi múc vào cốc cho khách, nhanh như cắt, chị Dung, chủ một quán chè tại Mai Động, Hà Nội, mở tủ lạnh lấy ra một bịch nilon đựng chè bưởi đổ ra để bán tiếp. “Tất cả các nguyên liệu đã nấu sẵn rồi, mình chỉ mua về rồi làm theo công thức, khách vẫn ăn rất đông, lại tiết kiệm được thời gian và công sức”, nữ chủ quán cho hay.
Chè sầu đông lạnh được quảng bá để cả năm, chỉ cần giã đông tự nhiên là dùng được |
Để tìm hiểu về chất lượng của nguyên liệu chè chế biến sẵn, trong vai chủ quán, PV đã liên hệ với một kho đổ buôn chè sầu nổi tiếng trên đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân, Hà Nội). Mặc dù trên mạng chào mời khách hàng là “kho nguyên liệu sầu riêng tươi sạch”, thế nhưng thực tế nơi đây lại không hề hiện diện bất cứ quả sầu riêng nào. Lạ hơn, cả kho chứa không có mùi đặc trưng của sầu riêng. Thứ được gọi là “sầu riêng” chỉ là những hộp nguyên liệu đông lạnh để trong những chiếc tủ đông. So với giá của cơm sầu riêng tươi (160 - 200 nghìn đồng/kg), thứ sầu nguyên liệu chè tại đây được bán từ 100 - 120 nghìn đồng/kg.
Theo người bán, loại sầu này đã được sơ chế trộn lẫn sữa và chất bảo quản, chuyển trực tiếp từ miền Tây ra. “Nguyên liệu này để tủ đá cả năm vẫn không mất đi hương vị. Lúc về pha chế, không cần nấu lại, chỉ cần giã đông là có thể sử dụng được”, người bán cho biết.
Theo quan sát, nguyên liệu chè sầu được đóng vào hộp nhựa nửa cân, không nhãn mác, hạn sử dụng hay bất cứ không tin gì về nguồn gốc sản xuất. Chỉ sau chưa đầy 30 phút để ở điều kiện thường, sầu trong hộp đã bắt đầu chuyển màu nâu đen có hiện tượng tách nước.
Siêu lợi nhuận
Tương tự, nguyên liệu đông lạnh không nguồn gốc cũng là đặc điểm chung của hầu hết các loại nguyên liệu chè đã qua sơ chế. Tại một địa chỉ mạng rao bán nguyên liệu chè khoai dẻo, liên hệ mua qua điện thoại, chúng tôi nhận được những lời quảng cáo hấp dẫn của chủ hàng: “Ở đây có nguyên liệu làm chè khoai dẻo, chè bưởi, thạch pudding, chè khúc bạch… Khoai dẻo đông đá có nhiều màu nhưng vị thì như nhau, bán theo kí, về phải giã đông tự nhiên bên ngoài rồi mới nấu được”.
Theo đó, giá một set chè khoai dẻo gồm khoai dẻo, lạc, vừng, nước cốt dừa, trân châu, được bán với giá rẻ bất ngờ, 30 nghìn đồng/set. “Mỗi set nấu được một nồi chè to rồi”, người bán chỉ dẫn.
Chưa đầy 30 phút sau đặt hàng, các nguyên liệu làm chè đã được ship đến. Không có thương hiệu, không ghi thời hạn, các nguyên liệu được bọc bằng túi bóng trắng, đính kèm 1 tờ giấy hướng dẫn cách nấu do chủ cơ sở tự in, tự chế. Từ những set nguyên liệu này, người dùng có thể nhanh chóng chế biến thành rất nhiều các loại chè bắt mắt với nhiều màu sắc như vẫn đang được bày bán trên thị trường...
Thông tin từ chủ các mối buôn, với mỗi cân nguyên liệu chè khoai dẻo, chè bưởi khô hay sầu riêng đông lạnh có thể chế biến từ 3 - 5kg chè thành phẩm, đồng nghĩa với khoảng 20 - 35 cốc. Trong khi đó, giá bán các loại chè trên thị trường tới người tiêu dùng từ 12 - 15 nghìn/đồng/cốc.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về dinh dưỡng, việc lạm dụng những nguyên liệu thực phẩm đông lạnh có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe.
Cụ thể, theo BS. Nguyễn Trọng An, chuyên gia dinh dưỡng, thị trường nguyên liệu chè đã qua sơ chế ngày càng sôi động, nhộn nhịp cũng là điều kiện để nhiều gian thương lợi dụng, trà trộn các sản phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dùng.
“Các loại chè và sản phẩm nguyên liệu chè được sơ chế sẵn thường có màu sắc bắt mắt và hương vị thơm ngon. Tuy nhiên, trong đó lại chứa nhiều nguy cơ về các chất tạo màu, hương liệu không an toàn. Đặc biệt tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, những sản phẩm này thường được đựng trong các âu và lọ nhựa… Nhẹ có thể gây ngộ độc, tiêu chảy, về lâu dài tích lũy có thể dẫn tới nguy cơ ung thư đối với người dùng”, vị chuyên gia phân tích và khuyến cáo: Không nên sử dụng nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc, vừa bảo vệ mình, cũng là cách để không tiếp tay cho những loại thực phẩm này có cơ hội tràn lan trên thị trường.
(Theo Báo Giao Thông)