Phụ nữ Việt có truyền thống luôn vun vén cho gia đình, cho nên khi Tết đang đến rất gần thì họ lại trở thành những người lo toan nhiều nhất.

Tự nguyện trở thành “Nữ hoàng nhà bếp” 

Đó là sự tự nguyện cao quý. Phụ nữ Việt có truyền thống luôn vun vén cho gia đình, nhất là “Ba ngày Tết”. Lý thuyết là ba ngày, nhưng các mẹ, các chị lại mất không dưới ba mươi ngày để…khởi động, tăng tốc và về đích, chuẩn bị mọi thứ tươm tất trước Tết. Chút sức lực còn lại sẽ để dành cho ba ngày đầu năm, trổ tài nấu những món ăn thức uống “Chỉ có thể là điểm 10” để các thành viên trong gia đình cùng thưởng thức. Kế hoạch Tết trong tâm trí họ chỉ đơn giản là: cận ngày thì đôi ba món biếu, sang Mùng thì đủ đầy món truyền thống, năm bảy món nhậu; phủ phê món ăn chơi...Không biết từ bao giờ chúng trở thành những “Quota” của những “Nữ hoàng nhà bếp”. 

{keywords}
Phụ nữ Việt khó thoát khỏi gian bếp của chính mình

Trong ký ức của tôi, bà ngoại và mẹ cũng là những “Nữ hoàng nhà bếp” như vậy. Hầu như năm nào, khi khách đến chúc xuân rồi hỏi: “Bà/chị đã đi chơi Tết những đâu rồi ạ?” Bà và mẹ đều có chung câu trả lời: “Có mỗi căn bếp bé xíu mà chúng tôi còn chưa bước ra khỏi được huống chi đi đông tây nam bắc.”

Cho đến bây giờ, tôi vẫn tự hỏi: Điều gì khiến phụ nữ Việt khó bước ra khỏi gian bếp của mình trong những ngày Tết, dù không ai ngăn cản họ?

Đảm đang - Sự giam cầm ngọt ngào?

Thời gian gần đây, qua một Vlog trên mạng xã hội của nhà văn Trang Hạ, tôi mới nhận ra câu trả lời khiến không ít người phải giật mình. Lý do phụ nữ “tự giam cầm” trong gian bếp của chính mình, không gì khác ngoài áp lực của sự đảm đang. Phụ nữ Việt, họ tự cho mình cái quyền đảm đang quá mức quy định.

Chính vì áp lực ấy mà không phải lúc nào “sự giam cầm” cũng là “ngọt ngào”. Nếu như trước đây, các bà các mẹ thường hạnh phúc và hài lòng với ngôi vị Nữ hoàng trong thiên đường nhà bếp của mình. Ngày nay, “chỉ số hạnh phúc” của những “Nữ hoàng nhà bếp” có phần thay đổi khi Tết về. Chưa biết sự thay đổi ấy là tích cực hay tiêu cực song trước tiên, họ cần được lắng nghe. Nhà văn Trang Hạ đã thay chúng ta lắng nghe một cách kịp thời như vậy. 

{keywords}
Nhà văn Trang Hạ lắng nghe nỗi lòng bếp núc của phụ nữ hiện đại


Những cuộc tiếp xúc của chị cùng các nhân vật đã mở ra những câu chuyện đời thường dung dị, về những người phụ nữ của hiện tại nhưng vẫn luôn cố gắng giữ gìn nếp nghĩ, nếp sống, nếp nhà như bao đời bà và mẹ họ vẫn thế. 

Đó là sự lặp lại đều đều, trở thành “lệ” như nhân vật “Chị đảm đang”: “Cứ như mọi năm, trong khi mọi người vui chơi thì em phải cắm đầu vào bếp để lo nấu nướng. Trong khi mọi người nghỉ ngơi thì em phải rửa bát, còn trong khi mọi người sửa soạn đi chơi Tết thì em phải lo cho tụi nhỏ...”

Hay như nhân vật “Cô bạn đoảng”, tuy có phần “lẫy” nhưng vẫn thực hiện trọn vẹn phần “thiên chức” của mình: “Bây giờ ngày Tết mà ko có mình là cả nhà loạn hết cả lên, bếp núc không ai lo. Ngày thường đã thèm ngủ rồi, mấy ngày Tết lại càng thèm ngủ hơn!” 

Đó còn là sự “kế tiếp truyền thống” của nàng dâu mới, tuy còn bỡ ngỡ nhưng cũng sẵn sàng “vào guồng”: “Áp lực lắm chị ơi! Em phải phục vụ cả đại gia đình chồng. Ông xã em thì thích món nhậu lai rai, ba chồng thì thích món hầm, mẹ chồng thì thích món Bắc, chắc em xây xẩm mặt mày vì tết này quá.”

Quý độc giả có thể xem Vlog và tranh luận cùng nhà văn Trang Hạ tại: https://www.facebook.com/blogTrangHa/posts/870475286318367

Vlog này đã nhận được nhiều luồng ý kiến tranh luận sôi nổi trên cộng đồng mạng trong những ngày gần đây và nhanh chóng trở thành một chủ đề “thời sự” thật sự. 

Nhưng đại đa số phản hồi ủng hộ quan điểm “mở” của Nhà văn Trang Hạ: “Có vui được không, khi ngày Tết sum vầy lại nơm nớp lo âu? Có vui thật không, khi Tết rộn ràng khắp nơi, những người phụ nữ tuyệt vời thì chỉ mong được ngủ? Từ khi nào, hạnh phúc của những người phụ nữ không phải là ĂN TẾT mà là NGỦ TẾT? Có công bằng không, khi nấu ăn ngày Tết lại là nghĩa vụ độc quyền của phụ nữ?”

Thật vậy, tự giải phóng, bao giờ cũng thử thách hơn được giải phóng, nhất là với người phụ nữ Việt Nam, từ khi sinh ra đã được truyền thụ những phẩm chất cao quý mà đảm đang là một minh chứng. 

Anh Vũ