Nhiều năm nay, người ta hay bàn tán về chuyện giấy phép “con”, trên các diễn đàn thông tin đại chúng cũng được nhiều người gọi như vậy, một số MC của đài truyền hình, đài tiếng nói, các bài viết đăng trên các báo in, báo mạng... cũng đề cập đến ngôn từ này, như vậy, giấy phép “con” là gì? bản chất của nó như thế nào và sự cần thiết của nó trong hệ thống quản lý của nhà nước ra sao?

Giấy phép hoạt động chuyên ngành = giấy phép “con”?

Theo thông lệ, có “con” thì phải có “bố” hoặc “mẹ”, như vậy, ở đây giấy phép “bố” được người ta ngầm hiểm là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do ngành kế hoạch và đầu tư cấp và được hiểu là “Giấy phép”, đây là một loại “giấy” để doanh nghiệp được tham gia vào thị trường, nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được các nhà sáng lập doanh nghiệp đăng ký đủ thứ, rất nhiều ngành nghề, miễn sao các ngành nghề không bị nhà nước cấm. Đối với các ngành nghề này thuộc nhiều lĩnh vực do nhiều Bộ, Ngành quản lý khác nhau về chuyên môn, kỹ thuật.

Về Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp... của ngành kế hoạch và đầu tư, Luật Doanh nghiệp chỉ quy định những tiêu chí thành lập doanh nghiệp và hoạt động của một tổ chức để được cấp giấy chứng nhận, không quy định các điều kiện trong quy trình hoạt động sản xuất kinh doanh từng ngành hàng, sản phẩm. Khi có đủ các tiêu chí theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, ngành kế hoạch và đầu tư sẽ cấp “một cái giấy” được gọi là “chứng nhận”, có nghĩa là doanh nghiệp “đăng ký” thì được “chứng nhận đăng ký”, và từ đó ra đời một doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp không quy định những tiêu chí, điều kiện hoạt động về chuyên môn từng ngành nghề nên không thể thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh đối với từng ngành hàng, sản phẩm, việc này thường được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành, Luật chuyên ngành bao giờ cũng đưa ra một số quy định cần thiết để quản lý và tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đi đúng mục tiêu của Đảng và nhà nước nhằm phát triển lành mạnh và bền vững.

Như vậy, cần phải hiểu cho đúng, ngành kế hoạch và đầu tư chỉ quản lý về tổ chức của doanh nghiệp thông qua việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để doanh nghiệp được tham gia thị trường. Các Bộ, Ngành quản lý nhà nước về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ cấp giấy phép hoạt động từng lĩnh vực cụ thể để quản lý. Đây là hai việc khác nhau, luôn song song tồn tại như chính sự tồn tại của các Bộ trong Chính phủ, không thay thế được cho nhau nên không thể gọi là Giấy phép “con” được mà phải gọi là giấy phép hoạt động ngành nghề hoặc là Giấy phép hoạt động chuyên ngành.

(Ảnh: Tuổi trẻ)

Thủ tục hành chính - công cụ quản lý nhà nước

Cũng đã từ lâu, người ta hay đổ lỗi cho các loại giấy phép và các thủ tục hành chính làm cản trở sự phát triển của đất nước, nhưng thử hỏi rằng quản lý nhà nước không bằng những công cụ đó thì bằng cái gì? chả nhẽ, nhà nước cử cán bộ, công chức đến ngồi tại các nơi để quản lý hay sao? Cũng có ý kiến cho rằng, quản lý nhà nước phải chuyển từ kiểm soát sang giám sát, nhưng phải hiểu cho đúng việc giám sát không phải chức năng của cơ quan hành pháp. Một quan điểm khác là chuyển từ đăng kiểm sang hậu kiểm, nhưng nếu không đăng kiểm thì hậu kiểm làm sao được, biết ở đâu mà hậu kiểm. Hơn nữa, việc hậu kiểm mà phát hiện sự việc thì đã xảy ra rồi, khi bị xử lý sẽ gây lãng phí cho cá nhân, doanh nghiệp và xã hội kèm theo nhiều tác động tiêu cực khác.

Khi nào còn nhà nước thì còn có sự quản lý, công cụ quản lý nhà nước là pháp luật, pháp luật phải tạo ra công cụ để thực thi, khi thực thi phải thông qua thủ tục hành chính. Quản lý nhà nước từ cổ tới kim, từ chế độ này sang chế độ khác, từ lạc hậu đến văn minh đều phải thực hiện thông qua thủ tục hành chính. Trong quản lý sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp cũng vậy, lãnh đạo muốn quản lý được cũng phải thông qua thủ tục hành chính chứ không thể ngồi ở xưởng sản xuất để quản lý. Tóm lại, quản lý không thể thoát khỏi thủ tục hành chính. Phương pháp này vẫn được các quốc gia trên thế giới áp dụng. Thủ tục hành chính chỉ mất đi khi nào không còn nhà nước, càng làm tốt thủ tục hành chính càng tốt cho công tác quản lý nhà nước, tốt cho doanh nghiệp, tốt cho xã hội và tốt cho người dân, ngược lại, nhà nước sẽ không quản lý được, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị thất thoát, lãng phí; xã hội mất trật tự, kỷ cương; mất an ninh, trật tự; khó điều hành, kiểm soát, xã hội phát triển không bền vững.

Thế nhưng, thủ tục hành chính của ta hiện nay không được doanh nghiệp và người dân ủng hộ, thậm chí là lên án. Lý do thì nhiều, nhưng có lẽ cốt lõi của vấn đề này là nền hành chính chưa minh bạch và đạo đức công vụ chỗ này, chỗ khác có vấn đề chứ không phải do thủ tục hành chính gây ra. Từ chỗ không được ủng hộ, không được doanh nghiệp, nhân dân chia sẻ, lại bị sức ép nhiều chiều, nhiều ngành đành buông vũ khí “thủ tục hành chính” dẫn đến quản lý nhà nước của ta hiện nay trên nhiều lĩnh vực không kiểm soát được, tình trạng hoạt động bừa bãi, không tuân thủ pháp luật xảy ra thường xuyên ở nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Để giải quyết vấn đề này, Đề án 30 của Chính phủ về cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính đã từng bước làm minh bạch hóa nền hành chính quốc gia, góp phần từng bước thay đổi đạo đức nền công vụ, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, đến nay “thủ tục hành chính” vẫn bị nghi ngờ do dư âm không tốt cũ để lại đang gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước khi xây dựng các quy định của pháp luật và việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Vì vậy, thủ tục hành chính cần phải được xem xét một cách nghiêm túc, thấu đáo, tránh rườm rà, phức tạp để nhà nước và nhân dân cùng chấp thuận, cùng chia sẻ với nhau để cùng quản lý xã hội, tạo điều kiện phát triển lành mạnh, bền vững, đó cũng là trách nhiệm của nhà nước, của doanh nghiệp, của công dân đối với quốc gia, dân tộc.

Phạm Thuỳ Trang