- Chi cục trưởng Chi cục kiểm dịch thực vật vùng 6 (đóng tại Nghệ An) cho biết, quy định của Cục BTTV về việc DN nhập khẩu gỗ phải có giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu không chỉ gây khó khăn cho các DN mà còn gây khó khăn cho cơ quan quản lý.
Cơ quan quản lý cũng kêu khó
Liên quan đến những thắc mắc của các DN nhập khẩu gỗ ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình về "giấy phép con", chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Kỳ - Chi cục trưởng Chi cục kiểm dịch thực vật vùng 6, phụ trách các tỉnh trên.
Ông Kỳ cho biết, sau khi Cục Bảo vệ Thực vật (BTTV) - Bộ NN&PTNT, có quy định yêu cầu các DN nhập khẩu gỗ phải ra Hà Nội xin cấp giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu mới được thông quan, ông cũng nhận được rất nhiều phản ánh của các DN.
Ông Kỳ thừa nhận, các loại gỗ nhập khẩu truyền thống lâu nay DN vẫn kinh doanh do đã nhập khẩu vào Việt Nam nhiều năm rồi nên không thuộc đối tượng phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu. "Cục quy định đối với các loại gỗ nhập khẩu thì phải có giấy phép kiểm dịch nhập khẩu nên chúng tôi đã hướng dẫn cho các DN ra Hà Nội xin cấp phép thôi. Cục bảo sao thì làm vậy. Nhiều DN thắc mắc thì chúng tôi cũng chỉ biết báo cáo lại với lãnh đạo Cục", ông Kỳ nói.
Ông Nguyễn Tiến Kỳ, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 6: "Quy định trên không chỉ gây khó cho DN mà còn cả chúng tôi". |
Theo ông Kỳ, căn cứ để các trạm kiểm dịch thực vật yêu cầu DN phải có giấy phép là quy định tại văn bản số 1900 ngày 5/10/2012 "về việc hướng dẫn thực hiện thông tư số 39 và CV số 1829/BVTV-KD". Theo đó, Cục quy định, đối với các vật thể nêu tại khoản 5, điều 1 của Thông tư 39 (gỗ nhập khẩu) thì chỉ yêu cầu giấy phép kiểm dịch đối với những lô hàng có vận đơn.
"Cả nước chỉ có Cục BVTV tại Hà Nội là cấp được giấy phép nên các DN muốn làm thủ tục thông quan thì bắt buộc phải ra Hà Nội làm giấy phép, kể cả ở khu vực phía Nam", ông Kỳ nói.
Tuy nhiên, nói về quy định trên, ông Trần Phát Đạt, Chủ tịch Hội DN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho rằng, nếu gỗ nhập khẩu không phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu thì không phải thuộc đối tượng chịu điều chỉnh của Thông tư 39 do Bộ NN&PTNT ban hành, và cũng không thể yêu cầu ra Cục xin giấy phép được.
Giải thích cho thắc mắc này, ông Kỳ nói: "Đối với DN nhập khẩu gỗ, quy định mới này không phải là để phòng ngừa việc các DN nhập khẩu sai chủng loại gỗ".
Thế nhưng, khi chúng tôi nêu vấn đề, nếu chỉ để biết DN có nhập khẩu đúng chủng loại hàng hoá hay không thì phải kiểm tra, kiểm dịch trực tiếp tại cửa khẩu, chứ lãnh đạo ngồi ở Hà Nội biết được loại gỗ gì, dịch hại ra sao qua giấy tờ được thì ông Kỳ không thể giải thích được.
"Chúng tôi chỉ biết Cục quy định thì phải thực hiện thôi... Quy định này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà con gây khó khăn cho chúng tôi", ông Kỳ cho biết thêm.
Điều 2 và điều 3 của thông tư 39 của Bộ NN&PTNT rất dễ hiểu và không áp dụng phải phân tích nguy cơ dịch hại và xin giấy phép đối với gỗ nhập khẩu từ lâu. |
Giấy phép căn cứ... chung chung
Mẫu giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu của Cục BTTV mà ông Kỳ đưa cho chúng tôi xem thì không thấy giấy phép này căn cứ vào quy định nào cụ thể mà chỉ chung chung.
Đoạn đầu của giấy phép nêu: Theo pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật của nước CHXHCN Việt Nam, căn cứ vào đơn đề nghị cấp giấy phép kiểm dịch thực vật của DN và kết quả phân tích nguy cơ dịch hại.
Nói về giấy phép mới này, Chủ tịch hội DN huyện Hương Khê phân tích: Đã là giấy phép thì phải có căn cứ cụ thể. Nếu giấy phép này thực hiện theo Thông tư 39 thì phải ghi rõ, không thể căn cứ chung chung như thế được. Hai nữa, các DN nhập khẩu gỗ không có nhu cầu làm giấy phép này bởi hàng hoá của họ không thuộc đối tượng phải phân tích nguy cơ dịch hại.
"Quy định mới này của Cục BVTV không có căn cứ, áp dụng sai nội dung Thông tư 39 của Bộ NN&PTNT, còn giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu thì không rõ ràng. Chúng tôi đề nghị Bộ NN&PTNT và Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) xem lại quy định của Cục BVTV", ông Trần Phát Đạt kiến nghị.
Duy Tuấn