- Một giây trước khi bị tàu cán qua, chàng thanh niên ngước mắt nhìn lên buồng lái chính. Người lái tàu cũng nhổm người nhìn xuống. Hai ánh mắt giao nhau… Giây phút ấy trôi qua rất nhanh nhưng lại khiến người lái tàu ám ảnh đến tột độ.


Người đàn bà ôm con sáng mùng 2 Tết và ám ảnh khôn nguôi

Tôi không ngủ được liên tục trong nhiều đêm bởi mỗi lần nhắm mắt lại hình ảnh người phụ nữ bế con ngồi giữa đường ray chờ tàu lao đến trong ngày mùng 2 Tết cứ hiện lên rõ mồn một

Tiếp tục câu chuyện về nghề lái tàu, ông Nguyễn Cảnh Dương (SN 1964), XN Đầu máy Hà Nội, cho biết, cuộc đời lái tàu có nhiều niềm vui nhưng cũng có nhiều vất vả, nếu không phải người trong nghề ít ai có thể hiểu. 

Trong những nỗi vất vả ấy, có cả những sang chấn về tinh thần. Đó là khi họ phải chứng kiến những vụ tai nạn thảm khốc để rồi day dứt và ám ảnh mãi về sau.

{keywords}
Lái tàu Nguyễn Cảnh Dương là người có 32 năm kinh nghiệm và 28 năm là lái chính.

“Nhiều người nói rằng, chúng tôi là những người có tinh thần thép. Quả thật nếu không có tinh thần thép thì tôi khó trụ vững được với nghề. Khi tai nạn xảy ra, người lái tàu còn phải đứng ra để giải quyết sự việc. Có khi xác người nằm vắt vẻo trên cửa buồng lái chính, mình không kéo ra thì ai đưa ra? Tuy nhiên, vẫn có những vụ tai nạn xảy ra, chúng tôi bị ám ảnh đến tột độ” - ông Dương nói.

Một trong số những vụ tai nạn khiến ông ám ảnh đó là vụ va chạm giữa tàu hỏa và người thanh niên đi xe máy.

“Thanh niên đi xe máy do không để ý đoàn tàu đang lao đến nên phóng vọt lên đường ray. Anh ta đến giữa đường ray, theo phản xạ tôi nhổm người lên nhìn. Đúng lúc đó, người thanh niên cũng ngước mắt nhìn lên. Hai ánh mắt giao nhau. Đôi mắt của người trước khi tử nạn hoảng loạn đến dại đi. 1 giây sau thì anh ấy bị tàu cán qua…” - ông Dương kể.

“Tôi chỉ ước giá như trước đó mình nhắm mắt lại thì đã không bắt gặp ánh mắt ấy. Vì sau đó, nó ám ảnh tôi mãi suốt nhiều năm về sau” - ông nói tiếp.

Đồng tình với ông Dương, ông Đoàn Đình Sinh (SN 1964), XN Đầu máy Hà Nội, với 32 năm kinh nghiệm 27 năm lái chính, cũng phải thừa nhận rằng, dù người lái tàu có bản lĩnh cỡ nào thì sau vụ tai nạn xảy ra, không có ai là không rùng mình và ám ảnh. 

Ông nhấn mạnh, chẳng có lái tàu nào muốn đâm phải người. Tuy nhiên, tai nạn đường sắt là muôn hình muôn vẻ. Có những vụ tai nạn là vô tình nhưng cũng có những vụ tai nạn, người ta cố tình dùng đường sắt để trả thù đời, trả thù người thân. 

Họ lao vào đoàn tàu đang chạy tốc độ lớn để kết thúc cuộc đời mình khiến người lái tàu không sao xử lý kịp.

{keywords}

Ông Đoàn Đình Sinh cho rằng, dù có bản lĩnh đến cỡ nào thì khi chứng kiến tai nạn, ai cũng rùng mình và ám ảnh.

Ông Sinh cho biết thêm: "Từ những năm 1976, ngành đường sắt đã quy định để dừng một đoàn tàu thì cần khoảng cách 800m. Nhưng với tốc độ như bây giờ đoàn tàu cần khoảng cách nhiều hơn bởi 800m không thể dừng được.

Trong khi đó, người lái tàu chỉ có thể phát hiện ra chướng ngại vật trong khoảng cách từ 100 - 200m. Vì thế khi có vật cản trên đường ray, người lái tàu gần như chỉ kịp giật phanh hãm rồi ngồi nhìn chứ không thể làm gì hơn.

Bởi vậy có những trường hợp, có người lái tàu chỉ kịp giật hãm rồi đau đớn nhìn anh ruột bị đoàn tàu do chính mình lái cán qua người.

Vì thế theo các lái tàu, để không xảy ra tai nạn đường sắt, mỗi người phải tự bảo đảm an toàn cho bản thân mình. Người tham gia giao thông cần tuân thủ chỉ dẫn của nhân viên đường sắt, khi qua đường tàu ở những nơi không có rào chắn thì phải quan sát thật kỹ.

“Chứng kiến nhiều vụ tai nạn, chúng tôi biết những người bị tai nạn tàu là những người ở nơi khác đến chứ không phải người địa phương. Người địa phương khi đi qua đường ray họ quan sát tàu rất kỹ nên không mấy khi bị tai nạn tàu. Chỉ những người ở nơi khác đến không chú ý thì bị tàu đâm” - ông Sinh nói.

(Còn tiếp)

Ngọc Trang - Vũ Lụa