- Những ngày qua vụ án "giết người, chặt xác" dã man do nam sinh viên đại học tại TP.HCM thực hiện đã gây rúng động dư luận. Phía sau vụ án là một thực trạng chua xót về mối quan hệ của những người thuộc "thế giới thứ 3"; không ít mối tình rơi vào bi kịch…
"Muốn sống chết cùng nhau"
Run rẩy đứng trước vành móng ngựa với tội danh giết người tại phiên tòa hôm ấy là bị cáo tên Hồ Thị Bích Phượng (28 tuổi, TP.HCM).
Năm 2007, khi mới 21 tuổi, giữa Phượng và chị P.T.G. nảy sinh quan hệ tình cảm đồng tính. Chị G. là một phụ nữ đã có chồng con. Biết chị G. quan hệ với Phượng, gia đình kịch liệt phản đối bởi trong mắt mọi người điều đó thật "ngược đời".
Cũng vì thế, từ Tết năm 2011, chị G. bắt đầu lánh mặt. Đau đớn, tuyệt vọng, Phượng sinh ra bực tức, buồn phiền rồi lóe lên ý nghĩ muốn kết liễu đời mình và mối tình ngang trái.
Bị cáo Hồ Thị Bích Phượng tại phiên tòa phúc thẩm. |
Nghĩ vậy, khoảng 5h sáng 14/7/2011, Phượng chuẩn bị 3 con dao bỏ sẵn vào túi quần cùng mấy xấp tờ tiền, vàng bạc âm phủ bỏ vào ba lô tìm đến nhà chị G. với suy nghĩ sau khi nói chuyện sẽ tự tử. Đến nơi, khi nhìn thấy ông P.V.N.(cha chị G.) ra mở cửa buổi sáng, Phượng băng qua đường xin gặp chị G.
Thấy Phượng vừa nói vừa lăm lăm cây sắt trên tay, cha chị G. giằng lấy và tri hô. Nghĩ rằng gia đình chị G. chính là rào cản trong mối quan hệ của mình, Phương đã ra tay với những nhát dao xối xả, kèm nỗi uất ức, thù hận.
Nghe tiếng kêu cứu của cha già, chị G. lao vào chụp tay Phượng. Con dao rơi xuống đất, Phượng tiếp tục rút con dao thứ hai, chị G. hứng trọn 3 nhát dao nữa. Lúc này, chồng chị G. chạy ra cùng người dân khống chế bắt giữ Phượng giao cơ quan công an.. Cha chị G. chết do vết thương quá nặng còn chị cũng bị thương tật 17% vĩnh viễn.
Nước mắt giàn giụa, Phượng xin tòa phúc thẩm xem xét, giảm nhẹ hình phạt vì bản án tử hình với bị cáo quá nặng.
"Bị cáo rất thương chị G., muốn sống chết cùng nhau. Bị cáo không muốn đâm ai nhưng lúc đó bị cáo không làm chủ được mình. Chị G. sợ mọi người biết nên nói lời chia tay, bị cáo quá tuyệt vọng, bị cáo nghĩ rằng sẽ tìm chị G. nói chuyện xong sẽ tự tử" - Phượng trình bày.
Nhận định hành vi phạm tội của Phượng mang tính côn đồ, bị cáo giết nhiều người, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, không có cơ sở chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo nên HĐXX bác đơn kháng cáo, y án tử hình về tội "giết người" đối với Phượng.
Trên đường về trại giam, Phượng khóc như mưa, từng bước chân xiêu vẹo, rệu rã. Chỉ vì sự mù quáng của mối tình đồng tính, bị cáo đã phải trả giá bằng cả mạng sống của mình.
Giết người, chặt xác kinh hoàng
Ngày 26/5 vừa qua, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án giết người man rợ cũng xuất phát từ mối quan hệ đồng tính.
Những ngày giáp tết Dương lịch năm 2012, người dân trên địa bàn TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai không khỏi bàng hoàng trước vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn.
Sau dịp lễ Noel, họ tình cờ phát hiện hai bao tải đựng thi thể người vứt ở một bụi rậm ven đường thuộc phường Bình Đa, TP Biên Hòa. Cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, ngày 26/12/2012, hai kẻ thủ ác bị bắt giữ là Ngô Văn Tâm (SN 1993, Trà Vinh) và Trần Tự Điển (SN 1989, Bạc Liêu).
Quá trình điều tra và tại tòa, Tâm và Điển khai nhận: Tâm, Điển và anh B.V.L. (SN 1986, Bến Tre) đều là công nhân bốc vác tại công ty C. Giữa năm 2012, Tâm và anh L. thuê phòng trọ sống chung và thường xuyên quan hệ tình dục. Để được Tâm "chiều chuộng", anh L. đã hứa sẽ cho hắn 500 triệu đồng.
Khoảng tháng 7/2012, anh L. rủ thêm Trần Tự Điển về phòng trọ sống chung và quan hệ tình dục. Sau những lần đòi tiền không được, Tâm rủ Điển lên kế hoạch sát hại "người tình". Đêm Noel năm 2012, sau khi anh L. uống rượu, cả hai đã ra tay sát hại. Điều man rợ nhất là sau khi gây án, cả hai đã phân xác nạn nhân thành nhiều khúc, bỏ vào bao tải rồi phi tang.
Với hành vi trên, Tâm và Điển cùng bị TAND tỉnh Đồng Nai tuyên phạt mức án tử hình. Khát khao được sống, Điển kháng cáo xin được tha tội chết nhưng không được chấp nhận. Kết thúc mối quan hệ ấy là cái chết cả ba thanh niên trẻ. Bên cạnh tội ác dã man còn là nỗi đau của những người trong cuộc. Phải chăng cái kết của những mối tình đồng tính thường là ngõ cụt?
Trao đổi xung quanh vấn đề trên, luật sư Trần Công Ly Tao - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM chia sẻ: Từ vụ án "giết người, chặt xác" gây rúng động dư luận gần rồi nhìn lại nhiều vụ án khác có thể thấy có một thực tế khách quan là người đồng tính trong xã hội ngày càng nhiều. Nếu coi đây là một bệnh lý thì số người mắc phải bệnh lý này ngày càng gia tăng. Chúng ta không nên chối bỏ thực tế khách quan của xã hội mà phải tìm ra hướng giải quyết bằng những biện pháp hài hòa nhất. Hiện tại, pháp luật nước ta nói chung và luật Hôn nhân và gia đình nói riêng không công nhận sự tồn tại của những người thuộc "thế giới thứ 3" vì cho rằng đây là một vấn đề liên quan đến phạm trù đạo đức. Từ đó dẫn đến việc người đồng tính thường đối diện với những ức chế xã hội. Nhu cầu tâm - sinh lý của họ là có thật, không thể chối bỏ nhưng không được chính thức công nhận dẫn đến bị dồn nén. Khi pháp luật không công nhận do đó không có những quy phạm pháp luật điều chỉnh. Chẳng hạn nếu hôn nhân đồng giới được công nhận thì sẽ có những quy phạm pháp luật điều chỉnh, ràng buộc, bảo vệ họ trong mối quan hệ này. Thực tế nước ta hiện nay, người đồng tính đến với nhau theo kiểu "tự đến, tự đi", không có sự ràng buộc giữa các cá nhân bởi quan hệ luật pháp, không được thừa nhận tồn tại nên nguy cơ dẫn đến rủi ro, những vụ án đáng tiếc là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, nhiệm vụ của những nhà quản lý xã hội là phải tìm ra một biện pháp thấu tình, đạt lý nhất, không nên quá khắt khe và cũng không nên thả nổi. |
M.Phượng