Chính sách giảm nghèo là một chính sách quan trọng, xuyên suốt trong việc phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước ta. Trong giai đoạn 2021-2025, Quốc hội bằng Nghị quyết số  24/2021/QH15  đã phê duyệt chủ trương đầu tư “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025”.

Sau đó, bằng Quyết định số 90/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thực hiện Chương trình này. 

Cách đây khoảng 20 năm các tổ chức quốc tế như UNDP, World Bank… hay sử dụng mô hình tháp giảm nghèo hình chóp. Theo đó, đỉnh chóp là vấn đề giải quyết nhu cầu thấp nhất của người nghèo đó là ăn, rồi đến nhu cầu thấp hơn nữa là ở, mặc, rồi mới đến đi lại, giáo dục, y tế, vệ sinh, tiếng nói người nghèo, quyền bảo vệ… 

Cho đến nay Việt Nam đã có 8 lần ban hành và điều chỉnh chuẩn nghèo gồm: năm 1993 - 1996, 1998 - 2000, 2001 - 2005, 2006 - 2010, 2011 - 2015, 2016 – 2020 và đến giờ là 2021 – 2025. 

Theo ông Ngô Trường Thi nguyên Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, sở dĩ phải điều chỉnh chuẩn nghèo nhiều như vậy là vì nếu xác định chuẩn nghèo ở mức cao ngay từ đầu thì lúc đó chúng ta không đủ khả năng. Tỷ lệ nghèo đầu năm 1990 – 1993 của Việt Nam là 58%, nếu áp dụng mức cao thì 100% là nghèo. 

Thêm nữa, chúng ta đặt chuẩn nghèo phù hợp với khả năng giải quyết từng nhu cầu. Trước tiên giải quyết cái đói, khi bớt đói mới tính đến nhu cầu mặc, ở, đi lại… theo tháp tăng dần. 

Mặt khác còn vì lý do là do trượt giá, nếu không điều chỉnh người nghèo sẽ bị thiệt. Đồng thời, để phù hợp với sự phát triển kinh tế của đất nước cũng phải nâng chuẩn nghèo lên để hỗ trợ người nghèo, tránh rơi vào mức sống cùng cực.

"Tôi nhớ chuẩn nghèo đầu tiên năm 1993 được đo lường bằng gạo. Sau đó chúng ta có chỉ tiêu kép, vừa bằng tiền, vừa bằng gạo. Sau này, khi vấn đề đói đã giảm bớt, Việt Nam chuyển sang đo lường nghèo thu nhập bằng tiền tệ và bỏ chỉ tiêu về hiện vật", ông Ngô Trường Thi chia sẻ. 

Dấu ấn quan trọng nhất trong điều chỉnh chuẩn nghèo là bắt đầu từ năm 2015, chúng ta chuyển đo lường nghèo từ đơn chiều dựa vào thu nhập sang đa chiều trên cơ sở xác định mức độ thiếu hụt đồng thời vẫn đo lường bằng cả thu nhập. 

Trên thế giới hiện nay có khoảng hơn 40 nước đang áp dụng phương pháp này. Về việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, chúng ta đã đi trước các nước trên thế giới trong việc ban hành cũng như điều chỉnh vào giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời ta áp dụng luôn cả chính sách để giải quyết những vấn đề thiếu hụt cho người nghèo. 

Ở các nước người ta chỉ dừng ở phương pháp luận, nghiên cứu đo lường nghèo đa chiều là gì? Nghiên cứu các chiều chỉ số, ngưỡng thiếu hụt thế nào?... Hoặc có một số quốc gia chỉ áp dụng ở một phạm vi rất nhỏ để thí điểm. Việt Nam lại khác, áp dụng diện rộng luôn, có những chính sách tác động đến, bù đắp mức độ thiếu hụt cho người nghèo. 

W-quychau.png
Bà con dân tộc Thái ở Quỳ Châu, Nghệ An đang cùng nhau hát dân ca, bảo tồn văn hoá truyền thống.

Ông Ngô Trường Thi chia sẻ thêm, chính việc Việt Nam chuyển từ đo lường nghèo đơn chiều sang nghèo đa chiều năm 2015 cũng là một cơ sở để Liên Hiệp quốc đặt ra mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Đó là tất cả các quốc gia phải dựa vào chỉ số đo lường nghèo của mình để đặt mục tiêu giảm nghèo theo đa chiều. 

Có thể kết quả giảm nghèo vừa qua của Việt Nam chưa thực sự bền vững nhưng những thành tựu đạt được rất đáng ghi nhận và tự hào. Tuy nhiên, trong giảm nghèo, chúng ta luôn phải suy nghĩ, tìm hướng đi thích hợp, đừng nên ngủ quên trên thành tích, đừng đi theo đường mòn. 

"Từ kinh nghiệm đạt được trong quá khứ phải tìm cách đi mới cho phù hợp hơn. Chúng ta tiếp tục giải quyết phần chân tháp nghèo đói, vì phần ngọn tháp đã giải quyết xong rồi, giờ sẽ phải đi vào giải quyết các thiếu hụt xã hội cơ bản. Dần dần, đừng bắt người nghèo phải thụ động mà để họ được nói tiếng nói của mình, đảm bảo quyền được bảo vệ của họ", ông Ngô Trường Thi nhấn mạnh.

Nhóm PV