- Thị trường biến động mạnh và tiềm ẩn rủi ro khiến giới đầu tư ngày càng thận trọng. Thời điểm này ưu tiên hàng đầu của họ có lẽ không phải là “bắt tiền phải sinh ra tiền” mà là bảo toàn vốn - một tín hiệu không mấy tích cực đối với nền kinh tế.
Dè dặt với các kênh đầu tư
Thị trường chứng khoán (TTCK) sáng 1/7, phiên đầu quý mới giao dịch rất ảm đạm. Chỉ khoảng 10 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 70 tỷ đồng, được giao dịch trên sàn Hà Nội. Trên sàn TP.HCM, gần 19 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, tương đương hơn 280 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 20-30% so với các phiên trong những tháng đầu năm.
Thanh khoản sụt giảm cùng với đa số các cổ phiếu giảm giá phần nào phản ánh tâm lý không còn hào hứng, sự e ngại, thậm chí tâm lý chán nản với thị trường.
Trước đó, cùng với hiện tượng bán ròng của khối ngoại, chỉ số VN-Index đã giảm gần 10%. Tuy nhiên, điều này cũng không khiến giới đầu tư nhiệt tình mua vào.
Bối cảnh hiện nay khiến các nhà đầu tư không dám mạo hiểm, bởi cho dù Chính phủ có những tín hiệu nới lỏng tiền tệ với lãi suất giảm và các chương trình kích thích, giải cứu được tung ra, song các doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn như thiếu vốn, tồn kho, nợ khó trả dồn ứ. Không những thế, trong khi lạm phát được giữ khá ổn định thì khối doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với các yếu tố đầu vào khác tăng giá như xăng, khí, điện...
Nhiều NĐT lo ngại khi TTCK “buồn ngủ” như gần đây thì hiện tượng mỗi ngày cổ phiếu giảm một chút, ăn mòn đồng vốn rất có thể xảy ra như trong quá khứ.
Trên thị trường vàng, sau một vài phiên nháo nhào mua vào khi giá lao dốc xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua, đà mua vàng đã giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tháng. Sự thận trọng khi quyết định mua vàng trở nên rõ rệt tại các trung mua bán vàng lớn tại Hà Nội và TP.HCM.
Các kênh đầu tư khác như BĐS, USD, gửi tiết kiệm đều không thực sự hấp dẫn. Nguồn cung BĐS được đánh giá vượt cầu có khả năng chi trả quá nhiều và xu hướng giảm giá trên hầu hết các phân khúc dường như chưa dừng lại. Trong khi đó, lãi suất USD và tiền đồng VND vừa được điều chỉnh giảm.
Lo ngại kinh tế phục hồi chậm
Từ đầu năm tới nay có nhiều tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang tích cực trở lại như lạm phát, tỷ giá ổn định; tín dụng có dấu hiệu tăng trở lại... Tuy nhiên, điều mà nhiều người lo ngại là tốc độ phục hồi của nền kinh tế sẽ chậm.
Theo khảo sát của HSBC, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) - một thước đo lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế, trong tháng 6 đã giảm mạnh, chỉ còn 46,4 điểm, thấp hơn so với mức trung bình là 50 điểm. Đây là tháng thứ hai liên tiếp PMI giảm điểm.
Kết quả trên cho thấy, số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 6 giảm mạnh. Cùng với đó, lượng tồn kho thành phẩm tăng mạnh với tốc độ nhanh nhất trong một năm qua.
Huấn Tú