Xây dựng văn hóa và con người Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng luôn được Đảng quan tâm và đã ban hành nhiều nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ này.
Nghị quyết số 33-NQ/TW (9/6/2014) của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đề ra mục tiêu “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa, con người Việt Nam”.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng, nhiều năm qua, các địa phương trong cả nước bước đầu triển khai thực hiện các hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ mới đạt được một số kết quả.
Mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo “Triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng Đông Nam Bộ”.
Theo Ban Tổ chức, nội dung các tham luận gửi về hội thảo là góc nhìn khác nhau về việc triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực đạo đức con người Việt Nam tại các địa phương; tập trung phân tích làm rõ vai trò tầm quan trọng các hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam; về công tác xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa, xây dựng gia đình hạnh phúc và xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, con người Thành phố Hồ Chí Minh gắn với xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung trọng tâm như: Tình hình triển khai xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam tại các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm từ đây đến năm 2030; Xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa và con người Việt Nam tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông Nam Bộ phát triển toàn diện trên cơ sở phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, kết hợp với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại từ nay đến năm 2030 - Nhiệm vụ và những giải pháp...
Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, hội thảo đặt ra nhiều vấn đề hay, rất có giá trị, trong đó, nhiều ý kiến và nhiều bài viết tập trung đi sâu vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp rất cơ bản để nghiên cứu, triển khai thực hiện.
Theo ông Nguyễn Văn Nên, tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển đất nước, các cấp ban ngành cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân về xây dựng, hoàn thiện giá trị nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Qua đó, khơi dậy mạnh mẽ trong mỗi con người tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, cường thịnh.
Bên cạnh đó, tập trung giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình truyền thống Việt Nam, triển khai cụ thể hóa Chỉ thị số 06-CT/TW (24/6/2021) của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới.
Tiếp tục xây dựng và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam nói chung, Đông Nam Bộ nói riêng, đồng thời tiếp tục chăm lo xây dựng môi trường đời sống văn hóa. Trước hết là xây dựng môi trường văn hóa trong Đảng, trong cơ quan nhà nước, trong hệ thống chính trị để mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức luôn giữ gìn phẩm hạnh của mình, sống trung thực, chân thành làm việc liêm chính, luôn ý thức giữ gìn nhân cách, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, vì dân tộc, đất nước...