1. Đúng kế hoạch, U22 Việt Nam vừa được chiến lược gia người Hàn Quốc triệu tập lần thứ hai trong năm chuẩn bị cho mục tiêu bảo vệ tấm HCV SEA Games 31 vào cuối năm sau tại Việt Nam.

Nhìn vào quỹ thời gian rất dài cho tới khi diễn ra SEA Games 31, nhiều người cảm thấy bất hợp lý khi HLV Park Hang Seo dồn sức cho U22 Việt Nam quá sớm, đồng thời “bỏ rơi” tuyển Việt Nam- vốn cũng có kế hoạch tập trung trước khi tạm dừng vì lịch thi đấu ở vòng loại World Cup 2022 thay đổi.

Tuy nhiên, thuyền trưởng bóng đá Việt Nam có cái lý để dồn nhiều sức lực hơn cho lứa U22 Việt Nam lúc này. Bởi ai cũng biết lứa cầu thủ kế cận kém rất xa so với những đàn anh từng chinh phục thành công tấm HCV SEA Games 30 tại Philippines, vì vậy ông Park buộc phải bắt tay vào việc sớm.

{keywords}
U22 Việt Nam không có quá nhiều quân bài xuất sắc, giống như lứa Văn Hậu đã khẳng định

2. Mục tiêu của HLV Park Hang Seo với U22 Việt Nam trong những đợt tập trung này không nằm ngoài chuyện nâng cao chất lượng chuyên môn cho các cầu thủ trẻ, nhằm hướng đến một kỳ SEA Games thành công nữa.

Nhưng rõ ràng đây không phải chuyện đơn giản, bởi như đã nói hầu hết các cầu thủ đang nằm trong độ tuổi tuyển chọn đá SEA Games 31 có quá ít người tìm được vị trí tại CLB, từ V-League cho tới giải hạng Nhất.

Vấn đề này thực sự rất lớn, bởi so với lứa đàn anh Quang Hải, Tiến Linh, Đức Chinh... trước kia thì phần đông các cầu thủ hiện tại ở U22 Việt Nam rất ít kinh nghiệm thi đấu từ các giải trẻ, tuyển trẻ.

Nên nhớ, nhiều các cầu thủ giành tấm HCV SEA Games 30 vừa qua đã là “sao hạng A” tại V-League dù mới đôi mươi chứ không phải vật lộn, tìm vị trí như nhiều đàn em lứa kế cận.

3. Câu chuyện chuyên môn có thể được giải quyết trong 1 năm tới khi các cầu thủ thuộc biên chế U22 Việt Nam lớn lên, cũng như có thêm sự va vấp về nghề nghiệp hoặc số trận đấu... để giảm đi mối lo cho thầy Park.

{keywords}
đang là thách thức đối với ông Park, dù thời gian tới SEA Games 31 còn khá dài

Nhưng đó chưa phải là mối bận tâm lớn của chiến lược gia người Hàn Quốc đối với U22 Việt Nam lúc này. Thực tế điều ông Park lo nhất vẫn là khả năng thích ứng với lối chơi của mình dành cho các học trò mới.

Hầu hết các đội bóng ở V-League đều thích chơi với sơ đồ 4-4-2, hoặc tân tiến hơn sẽ là 4-3-3..., trong khi rất ít CLB chịu “học theo” ông Park đá sơ đồ quen thuộc 3-4-3 hoặc 3-5-2. CHo nên, chiến lược gia người Hàn Quốc “xếp mâm” cho các học trò khi lên tuyển là không dễ dàng.

Và kể cả khi xây dựng cho U22 Việt Nam một tư duy chơi bóng mới thì về CLB cũng thực sự quá ít “tương tác” để khả năng quên bài tương đối cao – điều này từng thấy trong giai đoạn chuẩn bị SEA Games 30 trước đây khiến ông Park từng nổi giận nhiều lần trên sân tập là ví dụ.

{keywords}
Thầy Park phá vỡ nguyên tắc, gọi rất nhiều quân cho U22 Việt Nam để sàng lọc

Việc ông Park phá vỡ quy tắc của bản thân khi gọi tới gần 50 cầu thủ cho lần tập trung (trước đây chưa khi nào dồn nhiều nhân sự như hiện tại) này minh chứng rõ nhất cho nỗi lo ấy.

Mọi chuyện hi vọng sẽ ổn, nhưng đó là trên lý thuyết. Còn thực tế ông Park đang đối mặt với “gánh nặng” U22 Việt Nam, và lời giải cho gánh nặng này là một thách thức lớn.

Xuân Mơ