Trong khi căng thẳng khu vực tiếp tục gia tăng vì những chồng lấn trong tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và Hoa Đông, cơ quan hàng hải dân sự Trung Quốc tuyên bố, họ sẽ đặt mua hơn ba chục tàu mới từ năm tới.
Philippines bác bỏ lệnh cấm đánh cá của TQ
Ngư dân TQ-Philippines: Tranh chấp làm mất tình đi biển
Tàu hải giám Trung Quốc. Ảnh: wordpress |
Dẫn lời quan chức chính phủ Trung Quốc, tờ Nhật báo Trung Quốc cho hay, để đảm bảo các lợi ích hàng hải to lớn của nước này, lực lượng Hải giám Trung Quốc (CMS) sẽ tăng thêm 36 tàu vào hạm đội của họ vào năm tới. Theo một quan chức CMS giấu tên, có bảy tàu trọng lượng 1.500 tấn, 15 tàu 1.000 tấn và 14 tàu 600 tấn.
Việc xây dựng các tàu 600 tấn được thông tin là đã bắt đầu tại Uy Hải, tỉnh Sơn Đông. Các tàu này sẽ được chuyển giao cho 14 tỉnh, các vùng tự trị và thành phố duyên hải Trung Quốc.
Tuyên bố trên đưa ra dường như cho thấy CMS đang đẩy mạnh việc mua sắm tàu mới trong bối cảnh Trung Quốc có những tranh chấp chủ quyền trên biển với một số nước trong khu vực. Phó giám đốc CMS Tôn Thụ Tiên từng nói rằng, việc mua 36 tàu mới trong 5 năm tới là một phần kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ 12 mà chính phủ Trung Quốc đã thông qua.
Theo kế hoạch này, CMS sẽ tăng số lượng nhân sự từ 1.000 lên khoảng 10.000 người. Trung Quốc sẽ "thực hiện các chuyến tuần tra trên biển thường xuyên hơn để tăng cường thực thi luật pháp ở các vùng biển liên quan với Trung Quốc để đảm bảo các quyền hàng hải của nước này".
Tại thời điểm đưa ra tuyên bố của quan chức Tôn, CMS sở hữu hạm đội có 300 tàu hải giám gồm 30 tàu với trọng tải hơn 1.000 tấn, 6 máy bay và 4 trực thăng.
Các tàu của CMS gần đây liên quan tới vụ đụng độ giữa Trung Quốc và Philippines gần bãi cạn Scarborough cũng như được dùng để khẳng định khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Tàu tuần tra của CMS cũng đã có những đụng chạm với tàu Nhật Bản ở quần đảo tranh chấp tại Hoa Đông.
Hải giám là một trong năm tổ chức thực thi pháp luật biển của Trung Quốc (gồm Tuần duyên, một lực lượng quân sự tuần tra bờ biển; Ủy ban An toàn hàng hải phụ trách công tác tìm kiếm và cứu hộ ven biển; Cảnh sát ngư chính giám sát hoạt động đánh bắt cá; Cảnh sát hải quan ngăn chặn buôn lậu và Hải giám).
Hải giám là một trong những cơ quan mới nhất trong số này, được thành lập năm 1998. Nó thực chất là lực lượng cảnh sát của Cục Hải dương Trung Quốc, chịu trách nhiệm giám sát các khu vực không thuộc lãnh hải Trung Quốc nhưng là những nơi nước này tuyên bố có quyền kiểm soát kinh tế (vùng đặc quyền kinh tế - EEZ), đây cũng là cơ quan thực thi pháp luật môi trường ở vùng duyên hải Trung Quốc.
Theo giới phân tích, Trung Quốc đang thiên về xu hướng sử dụng các tàu phi quân sự hoặc bán quân sự (kiểu như tàu hải giám) để quấy nhiễu các tàu nước ngoài hoạt động ở các EEZ hoặc các vùng biển tranh chấp. Cách tiếp cận này ít có khả năng châm ngòi cho một cuộc xung đột vũ trang và tạo sự dễ dàng khi Trung Quốc muốn tuyên bố họ là nạn nhân.
Kế hoạch gia tăng khả năng giám sát được đưa ra khi Trung Quốc có cuộc tranh cãi chủ quyền về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Trung Quốc cũng ngày một quả quyết hơn trong tranh chấp chủ quyền với một số quốc gia Đông Nam Á tại Biển Đông.
Thái An (theo Thời báo Đài
Bắc)