Trong cuộc giao lưu trực tuyến có chủ đề “Để chính sách giảm nghèo đi vào cuộc sống”, ông Võ Văn Bảy, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình 135, Ủy ban Dân tộc chia sẻ: Thực tế hỗ trợ về nhà ở cho DTTS, hộ nghèo, từ năm 2004, trong Quyết định 134/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện, thời điểm đó có thể nói hỗ trợ nhà ở, đất ở, nơi sinh hoạt đã làm rất tốt.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đã làm xong rồi nhưng do việc tách hộ, thiên tai, phát sinh, thực hiện xong nhiệm vụ đó thì Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng, do định mức không bảo đảm, thực sự có bộ phận người dân muốn hỗ trợ Nhà nước mang tính toàn bộ.
Giúp người nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu |
Nếu đi thực tế địa phương, sẽ thấy rất nhiều tổ chức hỗ trợ nhà ở, đặc biệt nhiều tỉnh thực hiện xã hội hóa nhà ở rất tốt.
Thí dụ, ở Long An, Cà Mau, Bạc Liêu thực hiện xã hội hóa rất mạnh. Các tổ chức từ thiện, vận động chính quyền, người dân, doanh nghiệp đưa nguồn lực về làm nhà cho đồng bào, gia đình chính sách hay làm nhà cho người có công thực hiện rất tốt. Đất và nhà Chính phủ phải lo nhưng là cả vấn đề. Trong Quyết định 134/2004/QĐ-TTg, có nhiều hộ được cấp đất, sau này lại chuyển nhượng hoặc xuống cấp hay có những phát sinh.
Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, hiện nay chúng ta đang thực hiện một chính sách gọi là chính sách “xoay trục”, thay vì chúng ta hỗ trợ bằng ngân sách “cho không” thì chúng ta chuyển sang hỗ trợ cho vay, theo Quyết định số 33 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 (Quyết định 33).
Theo đó, các hộ nghèo có nhu cầu về hỗ trợ sửa chữa hoặc làm mới nhà ở, thì sẽ được vay vốn tín dụng ưu đãi theo ân hạn 10 năm, với mức vay 25 triệu đồng.
Tại nhiều địa phương, chính sách này đang được thực hiện, nhưng chưa đạt được kết quả theo kỳ vọng. Nguyên nhân là do người nghèo vẫn đang mong muốn được nhận chính sách hỗ trợ “cho không” mà không muốn vay vì sợ không trả được nợ.
Bên cạnh đó còn có một điểm mâu thuẫn và bấp cập, là trong khi đó, có rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các chương trình từ thiện, hỗ trợ cho một số đối tượng bằng hình thức “hỗ trợ cho không”, thậm chí còn nhiều hơn mức Nhà nước cho vay, lên đến 40-50 triệu đồng mỗi căn (nhà ở). Điều này dẫn đến tâm lý người nghèo cho rằng thiếu công bằng.
Theo ông Thi, vấn đề xã hội hóa, huy động cộng đồng, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ cho nhà ở cho người nghèo là hoàn toàn đúng đắn và nên khuyến khích. Tuy nhiên, để việc này đạt hiệu quả và kết quả tốt hơn thì các địa phương phải gắn được chính sách cho vay của Nhà nước với hỗ trợ của doanh nghiệp, cộng đồng, các nhà hảo tâm.
Giải pháp thứ hai để giải quyết mâu thuẫn nêu trên, thì các địa phương cần có thứ tự ưu tiên, có danh sách cụ thể cung cấp cho các đơn vị, doanh nghiệp hảo tâm muốn hỗ trợ.
Đối với các hộ nghèo không có khả năng tạo lập nhà ở, những người tàn tật, cao tuổi thì chúng ta cần vận động doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ cho không. Đối với các hộ nghèo nhưng còn khả năng lao động thì chúng ta vận động vay vốn, cộng với khả năng của gia đình để làm nhà ở. Như vậy sẽ vừa bảo đảm được hiệu quả, vừa gắn được với trách nhiệm của người dân.
Như chúng tôi thấy, hiện nay như ở đồng bằng sông Cửu Long có cách làm rất hay là hỗ trợ sinh kế cho người dân. Hỗ trợ giúp bà con phát triển sinh kế, sau vài năm người dân sẽ tự có khả năng làm nhà ở. Đây mới là cách làm bền vững và hướng làm bền vững.
Nếu người dân vẫn cứ trông chờ vào Nhà nước hỗ trợ thì vừa không được nhiều, vừa gây áp lực lên ngân sách. Thay vào đó, nếu để người dân tự xác định được nhu cầu của mình từ chính thu nhập của mình thì sẽ bảo đảm hiệu quả hơn rất nhiều, và giải quyết được các mâu thuẫn, bất cập.
Bài: Hữu Khôi - Nhóm PV
Ảnh: Văn Quý - Nhóm PV