Ngày 10/10, tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Hội Người mù Việt Nam tổ chức hội thảo “Công tác phụ nữ và trẻ em - Thực trạng và giải pháp”.
Giúp phụ nữ và trẻ em khiếm thị thoát nghèo |
Theo bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, Trưởng ban Đối ngoại, phụ nữ và trẻ em: Hiện nay là đời sống của phụ nữ và trẻ em khiếm thị vẫn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên phụ nữ cao (17,97%), hơn 1.300 chị khó khăn về nhà ở.
Tại hội thảo, các đại biểu đến từ các tỉnh, thành đã chia sẻ về những kết quả trong công tác chăm sóc phụ nữ và trẻ em khiếm thị tại địa phương; thảo luận, trao đổi những kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác trong thời gian tới.
Đến tháng 7/2019, Hội Người mù Việt Nam có hơn 37.400 hội viên nữ, trong đó có gần 6.000 chị là người dân tộc thiểu số. Thời gian qua, hội viên phụ nữ trong độ tuổi lao động được quan tâm, tạo điều kiện học chữ, học nghề, tạo việc làm. Theo đó, hơn 2.000 chị đã được đào tạo nghề tại trung tâm của Trung ương Hội, hàng ngàn chị được tham gia các lớp dạy nghề ở địa phương với các ngành nghề như: Tẩm quất, xoa bóp, tin học, làm tăm, bện chổi, thủ công mỹ nghệ, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Chị em sau khi học nghề được tạo điều kiện tìm việc làm, có mức thu nhập trung bình hiện nay gần 2 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, gần 5.000 chị em được vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để phát triển kinh tế. Một số đơn vị còn vận động hỗ trợ máy móc, trang thiết bị, nguyên vật liệu, hàng hóa phục vụ cho việc làm nghề thủ công, buôn bán nhỏ.
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã trích quỹ, vận động các nhà hảo tâm để kịp thời thăm hỏi, trợ cấp, tặng quà, động viên chị em trong dịp Lễ, Tết hoặc khi gặp khó khăn, đau ốm, hoạn nạn. Trong 5 năm (2014 – 2019), Hội đã vận động xây mới 503 ngôi nhà, sửa chữa 249 nhà cho chị em hội viên nghèo.
Bài: Quốc Tiến - Nhóm PV
Ảnh: Thúy Tình - Nhóm PV