- Sau khi cúng xong, gia chủ vãi tiền. Rất đông thanh niên và trẻ em có mặt tranh nhau giựt. Trong lúc dành giựt những đồng tiền rơi vãi, nhóm của Huy va chạm với một nhóm khác sinh ra mâu thuẫn và hậu quả Huy lãnh trọn một nhát dao.

Cúng cô hồn, người sống bị trọng thương

Nguồn tin từ Khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, tối 14/8, bệnh viện tiếp nhận một thanh niên với vết thương ở bụng trong tình trạng nguy kịch.

Bác sĩ Tôn Thất Quỳnh Ái, trưởng khoa cấp cứu cho biết, khi nhập viện huyết áp và mạch của nạn nhân đều bằng 0. Cuộc hội chẩn chớp nhoáng đi đến quyết định phải mổ cấp cứu.

Cuộc giải phẫu được tiến hành thành công và đến sáng 15/8 bệnh nhân đã tỉnh táo, tiếp xúc được với mọi người và các dấu hiệu sinh tồn được ghi nhận là tạm ổn.
 

Huỳnh Huyền Huy đang điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy.


Tiếp xúc với nạn nhân, được biết người thanh niên này là Huỳnh Huyền Huy (17 tuổi, ngụ tại Q.5, hiện đang theo học nghề sơn xe tại Q.10).

Chiều cùng ngày, Huy cùng 5 người bạn kết thành 3 đôi trai gái cùng nhau rong chơi trên đường phố. Khi đi trên đường Hải Thượng Lãn Ông, cả nhóm phát hiện một hộ gia đình đang cúng cô hồn. 6 người dừng lại để tham gia giựt đồ cúng.

Sau khi cúng xong, gia chủ vãi tiền. Rất đông thanh niên và trẻ em có mặt tranh nhau giựt. Trong lúc dành giựt những đồng tiền rơi vãi, nhóm của Huy va chạm với một nhóm khác sinh ra mâu thuẫn và hậu quả Huy lãnh trọn một nhát dao.

Sau khi bị đâm, Huy và nhóm bạn bỏ chạy được vài chục mét, nhóm thanh niên hung hãn kia tiếp tục truy sát. Tóm được Huy, nhóm thanh niên này đã đánh thêm một trận đòn nhừ tử và chỉ bỏ đi sau khi Huy đổ gục xuống.

Rất may người dân bên đường đã kịp thời chuyển Huy đến bệnh viện cấp cứu.

Không nên “hối lộ” cô hồn

Từ rằm đến hết tháng 7 âm lịch là thời gian cúng cô hồn. Buổi cúng thường thực hiện trong khoảng thời gian từ trưa đến chiều. Lễ vật cúng thường gồm hương, hoa, đèn gạo, muối. Có nơi bày thêm bánh trái và cả một con gà cùng chè xôi.

Các hộ gia đình thường cúng đơn giản nhưng các doanh nghiệp hoặc các hộ kinh doanh thì rầm rộ hơn. Tục cúng cô hồn được xem như một nghĩa cử, một việc làm “nhân đạo” nhằm... cứu giúp những linh hồn vất vưởng khốn khổ.

Tuy nhiên, đối với các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp, lễ cúng cô hồn đôi khi còn được xem như là hình thức “hối lộ” cõi âm để các linh hồn không phá phách, gây bất lợi trong công việc làm.



Một ngân hàng tổ chức cúng cô hồn, nhiều thanh niên chuẩn bị cả vợt để... hứng tiền

Trước đây, cúng cô hồn thường là bánh trái đơn giản và chỉ có những em nhỏ tham gia giựt. Mấy năm gần đây, do đời sống ngày một được nâng cao nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp ngoài bánh trái còn rải tiền kích thích lòng tham của nhiều người.

Trưa ngày 15/8, tại chi nhánh một ngân hàng trên đường Ngô Gia Tự (Q.10), chúng tôi đã kịp ghi lại hình ảnh của một buổi cúng cô hồn. Trước bàn cúng, một số đông thanh niên tụ tập khá đông. Hai chiếc vợt thật to dự trù hứng hết các đồng tiền vãi từ trên cao xuống được nhiều người mang đến chờ sẵn.

Cúng xong, một người trong ban tế lễ cầm mâm tiến hốt từng nắm vãi xuống. Đám đông tranh nhau lịch liệt.

Tranh giành nhau những đồng tiền cô hồn rất dễ gây ra xích mích. Thiết tưởng cũng cần loại bỏ hình thức vãi tiền này để ngăn ngừa những vụ va chạm như trên.

  • Trần Chánh Nghĩa