Nhiều người sẽ ngờ vực hoặc đồng ý nếu gọi Hayao Miyazaki là “Walt Disney của Nhật Bản”, dù cũng khập khiễng phần nào. Con đường của họ rất khác nhau, song đều để lại những di sản to lớn cho sự phát triển của thể loại phim hoạt hình, với đế chế Disney đang thống trị Hollywood và Ghibli như một niềm tự hào của nền giải trí Nhật Bản,

Cũng giống như Nhà Chuột đã chuyển mình để tái lập bản sắc của mình sau sự ra đi của Walt Disney, Studio Ghibli đang đứng trước một tương lai mới sau khi mất đi một trong những kiến trúc sư đã dây dựng nên nền móng của hãng: Hayao Miyazaki. Bộ phim gần đây nhất của Ghibli là Ronja The Robber’s Daughter được coi như một bước đột phá khi vươn tới phân khúc phim hoạt hình máy tính nhiều tập.

Ronja The Robber’s Daughter được coi như một bước đột phá của Ghibli Studio.

Miyazaki - đồng sáng lập của Studio Ghibli cùng với các đồng nghiệp là họa sĩ Isao Takahata, Toshio Suzuki, cùng nhà tài phiệt Yasuyoshi Tokuma đã nhiều lần bày tỏ ý định nghỉ hưu của mình nhưng rồi lại quay trở lại theo cách nào đó. Phát biểu trên tờ  Entertainment Weekly năm 2013, Miyazaki thừa nhận: “Tôi biết tôi đã nói muốn nghỉ hưu nhiều lần và nhiều người trong số các bạn hẳn đã phát chán lên rồi, nhưng lần này tôi sẽ thôi hẳn đấy.” Ngay cả khi đó là một thông báo nghiêm chỉnh thì người ta vẫn thấy ông quay trở lại với vai trò đạo diễn cho dự án đạo diễn bộ phim “cuối cùng” của mình vào tháng 11 năm 2016 mang tên Boro the Caterpillar.

Đạo diễn Miyazaki Hayao

Tin tức này không làm nhiều người cảm thấy bất ngờ - Miyazaki cứ thỉnh thoảng lại quay trở lại sau vài năm vắng bóng. Tuy nhiên điều đặc biệt ở đây là Boro the Caterpillar sẽ là bộ phim đầu tay của ông có sự can thiệp của công nghệ máy tính. Kịch bản của Boro the Caterpillar sẽ là sự mở rộng của một đoạn phim ngắn thời lượng 12 phút mà Miyazaki từng sử dụng để làm quen với các phần mềm hoạt họa máy tính từ trước. Đây là động thái đáng ngạc nhiên của một vị đạo diễn vốn nổi tiếng với phong cách vẽ tay truyền thống. Tuy nhiên nó đã khái quát tinh thần học hỏi của Ghibli hướng đến sự mở rộng và đổi mới, khả năng thích ứng với một thị trường luôn thay đổi sẽ giữ cho hãng phim tiếp tục sống sót trước sự cạnh tranh và phát triển hùng mạnh của thể loại phim hoạt hình.

Trailer của “Ronja The Robber’s Daughter”

Mặc dù người hâm mộ vô cùng yêu thích những  Spirited Away hay Công chúa Mononoke, thì còn đó vô số tác phẩm hay của Ghibli đến từ các nhà làm phim khác. Đồng sáng lập của hãng là đạo diễn Takahata từng đem tới những thước phim đẹp đẽ của Only Yesterday, Grave of the Fireflies, hay The Tale of the Princess Kaguya. Những viên ngọc khác của Ghibli phải kể đến như The Secret World of Arietty và When Marnie Was There cũng đã đạt tới tầm mà một phim của Miyazaki đặt ra.

Bên ngoài sự bảo trợ của thương hiệu Ghibli, nhiều họa sĩ như Hiromasa Yonebayashi hay Yoshiaki Nishimura  từng trưởng thành dưới sự dẫn dắt của Miyazaki đã và đang kế thừa di sản của ông. Họ sáng lập ra Studio Panoc, tiếp tục viết nên những kịch bản đơn giản mà sâu sắc về tình cảm gia đình hay chiêm nghiệm về cuộc đời nhưng với phong cách trực quan hiện đại và cách kể chuyện mới mẻ.

Một số tác phẩm nổi tiếng của Ghibli Studio

Nỗ lực gần đây nhất của Ghibli, Ronja the Robber’s Daughter, đánh dấu sự xác lập lại vị trí của hãng phim bằng cách nhượng lại một phần quyền của mình cho đối tác. Mặc dù chia sẻ vị trí sản xuất cùng với Polygon Pictures, con trai của Miyazaki là Gorō Miyazaki vẫn là người trực tiếp chỉ đạo cả 26 tập phim. Việc chuyển đổi từ phong cách vẽ tay truyền thống sang sử dụng công nghệ máy tính và bước chân vào phân khúc phim hoạt hình nhiều tập chiếu trực tuyến (streaming) cho thấy tầm nhìn của Ghibli trong môi trường truyền thông phát triển như vũ bão hiện nay.

Một cảnh trong phim The Red Turtle

Với thế giới, Ghibli Studio vẫn đang xác tín vai trò là một hãng sản xuất đầy kinh nghiệm. Bộ phim The Red Turtle gặt hái được không ít tiếng tăm tại các liên hoan phim gần đây gọi tên Ghibli như một nhà hỗ trợ và điều phối, không phải là một phần của đội ngũ sáng tạo và thiết kế. Ngay cả khi đó không phải là vị trí quyền lực nhất, uy tín và kinh nghiệm của những nhà làm phim Ghibli vẫn rất được tin tưởng để tham khảo ý kiến. Tại Liên hoan phim Toronto, đạo diễn người Hà Lan Michael Dudok de Wit đã chia sẻ rằng mình từng viết ra một số phần của kịch bản The Red Turtle và trao đổi với đạo diễn Takahata Isao tại Tokyo. The Red Turtle là phim hoạt hình dài đầu tay của Dudok de Wit, do đó ông vô cùng coi trọng những ý kiến đóng góp từ phía những nhà làm phim lão làng của Ghibli.

Cả Ronja và The Red Turtle đều tái khẳng định khả năng lãnh đạo của Ghibli vượt qua khó khăn trong việc gom góp các thành viên và quản lý các vấn đề tài chính. Mặc dù không làm thêm phim mới nào kể từ năm 2014 và bất chấp những tin đồn rằng hãng sẽ đóng cửa mãi mãi, những con người đã và đang làm nên Ghibli vẫn tiếp tục cống hiến không ngừng nghỉ.

Cả hai dự án phim trên đều là những tác phẩm mới lạ nhưng chứa đựng dấu ấn của Ghibli, cho thấy khả năng thích ứng của hãng phim Nhật Bản. Nhìn lại Disney, hãng phim này bằng việc thiết lập những chi nhánh nhỏ hơn, đã vươn tới thị trường phim tài liệu và siêu anh hùng, thậm chí là cả Bollywood. Ghibli Studio có thể tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền công nghiệp giải trí, ngay cả khi đó không phải là hãng phim chúng ta từng biết và yêu quý hơn 30 năm trở về trước.

Bằng việc thay đổi, chọn dấn thân vào thị trường châu Âu, châu Mỹ, tích hợp công nghệ máy tính, sản xuất phim nhiều tập, hoặc sử dụng thương hiệu của mình đồng sản xuất với các hãng phim lớn, Studio Ghibli đứng trước tương lai vừa tiếp tục kế thừa di sản mà Miyazaki để lại trong khi thích nghi với thị trường hoạt hình ngày càng cạnh tranh.