Ngày 26/8, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cùng lãnh đạo Sở Du lịch, UBND quận Gò Vấp khảo sát tour "Gò Vấp trăm năm tìm lại dấu xưa". Đây là hoạt động nằm trong chuỗi chương trình “Mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm đặc trưng để thu hút khách du lịch”
Điểm đến đầu tiên của chuyến khảo sát là Phù Châu cổ miếu (hay còn được biết tới với cái tên miếu nổi Gò Vấp), thuộc phường 5, quận Gò Vấp. Do nằm giữa sông Vàm Thuật, khách muốn đến viếng miếu phải đi đò, mỗi chuyến đò phí 10.000 đồng/người.
Ngay cổng chính vào miếu là tượng rồng chầu theo thế “lưỡng long tranh châu”. Ngôi miếu này đã được xây dựng cách đây hơn 300 năm trên một cồn đất nhỏ, diện tích khoảng 2.500m2. 
Phù Châu miếu thu hút đông đảo người dân, du khách tới viếng. Phần lớn người đến lễ bái ở đây thường cầu tình duyên, con cái và sự bình an. Khi bước vào bên trong, du khách sẽ thấy nhiều phù điêu hình rồng. Ước tính, có hàng trăm con rồng lớn, nhỏ và được ốp bằng sứ nhiều màu sắc.
Đình Thông Tây Hội - ngôi đình cổ nhất của vùng đất Gia Định xưa và của miệt đất phương Nam còn tồn tại đến ngày nay.
Năm 1682, khu đình tọa lạc trên khu đất rộng hơn 5.000m2, hướng Đông, đến nay chỉ còn khoảng 1.500m2, cổng xây theo kiểu tam quan. Đình bao gồm các không gian chính như võ ca, chánh điện, nhà hội sở... Đình được công nhận là di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia vào năm 1998.
Nhà thờ Hạnh Thông Tây do ông Denis Lê Phát An (cậu ruột của Hoàng hậu Nam Phương) xây dựng theo phong cách kiến trúc Byzantine, châu Âu độc đáo. Mái vòm chính của nhà thờ cao 30m, thiết kế đơn giản, đỉnh các mái là những cây thánh giá.
Bên trong thánh đường diện tích hơn 500m2 được trang trí tạo nét tôn nghiêm và giàu giá trị nghệ thuật. Mái hình vòm cung được ghép từ các phù điêu có họa tiết tinh xảo. Các mảng tường được trang trí bằng tranh ghép đá Mosaic độc đáo.
Bên ngoài nhà thờ có khuôn viên rộng rãi, nhiều cây xanh. Mặt sau nhà thờ có tạc phù điêu đắp nổi các thánh tử đạo của Việt Nam.
Gò Vấp còn có làng nghề đúc đồng, cách trung tâm TP.HCM hơn 10km. Nơi đây từng có 30-40 xưởng đúc hoạt động, cung cấp đồ đồng thờ cúng cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long những năm 60 của thế kỷ trước, hiện chỉ còn 4-5 xưởng hoạt động.