“Thần chết và người đàn bà” – Cuốn sách mới khắc họa một cách sâu sắc và thấm đẫm tinh thần nhân văn về những góc khuất trong số phận con người

Phạm Xuân Tái – nhân vật chính của cuốn sách - ngoài vẻ đẹp trai, hắn chẳng có gì cả. Một gia đình bất hạnh với người mẹ yếu đuối, bệnh tật cùng ông bố bị tai nạn lao động, nát rượu và đánh đập hắn thậm tệ. Hắn vùng vẫy thoát khỏi bị kịch gia đình để rồi lại rơi vào một bi kịch khác - bi kịch xã hội.

{keywords}

Bỏ nhà ra đi, trộm cắp, vào tù ra tội, thất nghiệp, lông bông. Cuộc đời của hắn cứ mãi chìm nghỉm và chới với trong biển đen của sự tuyệt vọng và phạm pháp như vậy cho đến khi hắn gặp người bác ruột của mình - bà Nguyễn Xuân Diệu Hương. Bà ta trở thành cái phao cứu sinh của hắn. Bà ta yêu thương hắn, cứu vớt hắn khỏi cảnh tù tội, cho hắn một công việc để trở thành một con người đúng nghĩa. Nhưng đáng tiếc những vết thương trong quá khứ đã hình thành nên một Tái ranh ma, thực dụng và khô cằn tình cảm. Bởi vậy, thứ mà hắn quan tâm chỉ duy nhất có một: tiền của bà Diệu Hương.

Có vẻ trời cũng chiều lòng người, số phận rủ lòng thương cho hắn, bù đắp những thiếu thốn, bất hạnh mà 30 năm qua hắn phải chịu đựng nên dành cho hắn một món khá hậu hĩnh: cái chết bí ẩn của bà Diệu Hương kèm theo bản di chúc để lại toàn bộ khối tài sản kếch xù của bà ta cho hắn. Thế nhưng trước khi chạm tay vào món hời, hắn còn trải qua bao thử thách mà trước hết là vụ án mạng của bà Diệu Hương khiến hắn trở thành đối tượng tình nghi số 1 của công an. Hắn phải làm gì để chứng tỏ mình trong sạch? Phải làm gì để xóa bỏ định kiến: quá khứ tội lỗi của hắn không đồng nghĩa với việc hắn ra tay giết bà bác ruột của mình để đổi đời?

Hắn bắt tay vào việc giải câu đố mà người đàn bà để lại: “Nhưng nếu vạn nhất gặp nguy hiểm, hãy nghe những điều không được nói, hiểu những điều không được viết”. Hắn lần mò theo từng manh mối, lượm lặt từng chi tiết, dò dẫm theo từng sợi dây mỏng manh được nối từ cái chết của bà bác đến với những con người có liên quan. Để đến cuối cuộc truy lùng, hắn không chỉ lật mặt tên hung thủ mà còn phát hiện ra bí ẩn kinh hoàng và nghiệt ngã về xuất thân của mình.

Biết được đáp án cuối cùng, liệu hắn có thở phào nhẹ nhõm và sung sướng ngồi trên đống tiền tỉ kia không? Tài sản của bà Diệu Hương liệu có bù đắp được những năm tháng lầm đường lạc lối đã qua của Tái? Cái chết của bà, liệu có đủ để đánh đổi lấy bình yên suốt phần đời còn lại của Tái?

Với Thần chết và người đàn bà, tác giả Vũ Khúc khiến độc giả sởn gai ốc trước cái chết kì dị phủ tấm màng tâm linh huyền bí của người đàn bà hay rợn người trước sự tàn độc và bệnh hoạn của tay Thần chết, cùng những tình tiết kịch tính hồi hộp đúng chất trinh thám. Thế nhưng, Thần chết và người đàn bà không chỉ dừng lại ở đó. Một tiểu thuyết trinh thám không chỉ gói gọn trong hai tiếng “trinh thám”. Vũ Khúc không dừng lại ở việc giết người và truy tìm hung thủ.

Cái hay trong tiểu thuyết của anh là khắc họa một cách sâu sắc và thấm đẫm tinh thần nhân văn về những góc khuất trong số phận con người, đồng thời khéo léo vẽ nên một bức tranh gia đình với đủ gam màu nóng lạnh. Một con người từng bị ruồng bỏ từ khi còn chưa chào đời, lớn lên bằng roi vọt và sự thù ghét của người cha, nghiễm nhiên trở thành kẻ xấu. Tiền bạc, hối hận, thương yêu, liệu có đủ bù đắp một tâm hồn vốn đã chai sạn và khiến “kẻ xấu” đó hoàn lương hay không?

“Hai bố con nhìn nhau. Tái cảm nhận được sự ấm áp trong đôi mắt của ông. Hắn biết ánh mắt ấy không phải lúc nào cũng bình lặng và dễ chịu như vậy, sẽ có lúc nó xám xịt, tối tăm và hung dữ. Nhưng hắn chưa muốn nghĩ đến điều đó vào lúc này. Hắn muốn tận hưởng cảm giác có một người bố yêu thương hắn hết mực, điều mà hắn đã tìm kiếm suốt cả cuộc đời". 

Cuộc đời của mỗi người là một cuốn sách, cuốn sách vốn dĩ hoàn toàn trắng tinh lúc ban đầu. Sau đó, ta viết vào đó mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm cho đến khi cuốn sách đầy ắp chữ tới tận trang cuối cùng. Diễn tiến thế nào, kết thúc ra sao, ta muốn viết thế nào là quyền của ta. Nhưng những trang đầu tiên khởi đầu cuộc đời, ta hầu như có rất ít sự lựa chọn và quyền hạn. Nó chịu sự ảnh hưởng và chi phối của những con người xung quanh. Họ có thể bắt đầu câu chuyện với câu từ và ý tưởng ngập tràn yêu thương, nhân đạo hay bình yên. Và sau này khi một đứa trẻ lớn lên, chúng sẽ viết nên những câu chuyện đẹp với một cái kết có hậu. Thế nhưng những người viết đầu tiên lại đặt vào đó những từ ngữ và tình tiết ruồng rẫy và bạo lực, thì có lẽ, ta một phần đoán được diễn tiến và cái kết sau này… 

T.Lê