Giữa lúc sự chú ý của truyền thông đang đổ dồn vào những vấn đề gần đây của các hãng bay, mọi người dường như quên rằng ngành hàng không Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến trong thời gian qua.

{keywords}
Sự cạnh tranh giữa các hãng bay giúp hàng không Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tốt trong vài năm qua


Sự gia nhập của Hàng không tư nhân

Là một trong những nước có ngành du lịch hứa hẹn nhất khu vực Đông Nam Á, những tưởng ngành hàng không Việt Nam sẽ có điều kiện để phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, thống kê cho thấy quy mô ngành hàng không nước ta mới chỉ xếp thứ 6 trên 10 quốc gia ASEAN.

Thậm chí, thị phần của loại hình vận tải đường hàng  không tại Việt Nam cũng chưa thể so sánh với các hình thức vận tải khác. Sẽ có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là tính “độc quyền” tồn tại từ nhiều năm nay đang phần nào hạn chế sự phát triển của ngành hàng không.

Với sự xuất hiện của các hãng bay tư nhân, tỉ lệ hành khách đi máy bay đã tăng cao liên tục trong nhiều năm trở lại đây. Tính riêng năm 2013, lượng khách nội địa chọn máy bay làm phương tiện di chuyển đã tăng 21,5% so với năm trước đó. Riêng quý I/2014 con số này cũng tăng 21% so với cùng kỳ.

Chi phí vé máy bay rất hợp lý so với thu nhập của người dân, nhiều khi vé chỉ có giá vài ba trăm ngàn , mọi người đều có thể được đi máy bay. Ngành du lịch cũng nhờ hàng không mà phát triển và thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Rõ ràng, nhờ sự hội nhập mở cửa mà ngành hàng không Việt đã có chuyển biến tích cực: người dân được hưởng nhiều lợi ích, dịch vụ cải thiện tốt hơn, giá vé thấp.
Những nỗ lực gần đây của Vietnam Airlines khi tiến hành cổ phần hoá cũng mang tới kỳ vọng về thị trường hàng không minh bạch và cạnh tranh hơn. Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, trả lời báo chí vừa qua cũng thừa nhận rằng với sự hiện diện của các cổ đông mới sẽ khiến hãng này phải hoạt động theo cơ chế minh bạch và thị trường hơn.

Đây chắc chắn là điều mà xã hội đang mong đợi. Sau thời gian dài “đóng cửa” bởi những lý do khách quan, cuối cùng ngành hàng không Việt cũng có cơ hội cất cánh thực sự nhờ sự xuất hiện của các hãng chuyên chở mới.

Tiềm năng thị trường hàng không Việt

Theo hãng tin Reuters (Mỹ), Việt Nam được dự báo sẽ trở thành một trong số những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới. Cụ thể, cho dù nền kinh tế nước ta hiện chỉ tăng trưởng với tốc độ khoảng 5% mỗi năm, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người Việt đang tăng trưởng ổn định ở mức hai con số.

Cùng lúc đó, Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo Việt Nam sẽ trở thành thị trường hàng không tăng trưởng mạnh thứ ba thế giới xét về lượng hành khách quốc tế và hàng hóa được vận chuyển trong năm nay, và tăng trưởng nhanh thứ nhì về lượng hành khách nội địa.

Trong xu thế đón đầu thị trường, IATA cũng dự báo rằng các hãng chuyên chở của Việt Nam sẽ có số lượng máy bay trong phi đội tăng mạnh trong một vài năm tới, với mức tăng có thể là gấp đôi hoặc gấp ba so với số máy bay hiện có nhằm phục vụ dân số 90 triệu người và lượng du khách quốc tế tăng bình quân 20% mỗi năm.

Ông Lưu Đức Khánh- Giám đốc Điều hành hãng VietJet, từng chia sẻ rằng tính đến nay Hãng đã vận chuyển gần 7 triệu lượt hành khách, mạng đường bay phủ rộng với hơn 19 đường bay trong nước và quốc tế. Hãng sẽ tiếp tục đầu tư để mang đến nhiều cơ hội bay cho người dân trong nước và quốc tế. Ngoài ra, hãng này cũng bắt đầu bay tới Singapore, Bangkok, Seul và đặt mục tiêu mở thêm đường bay tới nhiều điểm đến quốc tế khác.

Còn đối với Vietnam Airlines, song song với kế hoạch IPO, hãng này cũng chuẩn bị tăng 28% số lượng máy bay hiện tại, lên mức 101 chiếc vào năm 2015. Được biết, Vietnam Airlines đã đặt số lượng không nhỏ mua máy bay Boeing 787 Dreamliner và Airbus A350.

Rõ ràng, tiềm năng để các hãng bay nói riêng và thị trường hàng không Việt Nam nói chung tiếp tục phát triển mạnh mẽ là rất lớn. Chắc chắn trách nhiệm của các hãng hàng không là phải tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho khách hàng.

Và hơn ai hết các hành khách cũng phải ngày càng ý thức được việc đi lại bằng phương tiện hiện đại này, có sự chuẩn bị thông tin, kế hoạch và đồng hành cùng hãng để luôn có chuyến bay an toàn, đúng giờ.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp dịch vụ hàng không, sân bay, quản lý bay, dịch vụ kỹ thuật.. cũng cần thực hiện vai trò của mình trong việc thúc đẩy sự phát triển chung của ngành hàng không, hình ảnh của quốc gia.

(Theo Dân trí)