- Điểm yếu lớn nhất trong cuộc tranh cử sắp tới của đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama là tỷ lệ thất nghiệp cao. Gói nới lỏng tiền tệ QE3 được cho là 1 yếu tố vô cùng thuận lợi cho người đang đứng đầu chính quyền Mỹ, giảm bớt áp lực của những mũi dùi từ phía đối thủ Mitt Romney trong cuộc vận động bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kì tới.
QE3: Không giới hạn
Sau nhiều đồn đoán cả năm trời qua và rộ lên gần đây, Cục dự trữ liêng bang Mỹ (Fed) hôm thứ Năm (13/9) đã tung ra gói nới lỏng tiền tệ tiếp theo (được gọi là QE3). Đây là lần thứ 3, Fed đưa ra 1 gói kích thích kinh tế dạng như vậy.
Với QE1 thì đó là 1 chính sách chưa có tiền lệ trong việc phục hồi tăng trưởng và việc làm cho nước Mỹ bởi nền kinh tế lớn nhất thế giới không có lựa chọn nào trong các chính sách cũ khi mà nền kinh tế lâm đối mặt với suy thoái và tăng trưởng chậm trong 1 thời gian quá dài, trong khi lãi suất đã được cắt xuống mức thấp nhất mọi thời đại, không thể cắt giảm thêm nữa.
Điều này có nghĩa là Fed đã hết “bài” cũ và phải sáng tạo ra các công cụ mới. QE1 là 1 trong số đó. Fed đã mua vào các tài sản dài hạn như trái phiếu kho bạc hoặc các chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS) từ các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính khác. Thông qua cách thức này, tiền đã được bơm ra nền kinh tế giúp ngăn chặn suy thoái và kiềm chế tình trạng thất nghiệp gia tăng (vốn có lúc đã lên tới gần 2 con số).
Cho đến nay, cũng chưa có nghiên cứu nào thấu đáo cho biết tác động của QE1 tới đâu và nó đã thực sự giúp được gì cho nền kinh tế. Mặc dù vậy, nhìn chung đa số các chuyên gia cho rằng QE1 là có tác động tích cực và đó là tiền đề cho QE2 khi mà nền kinh tế đầu tàu của thế giới cần có thêm động lực.
QE3 không xác định giá trị tuyệt đối như QE2 (600 tỷ USD) mà tất cả đều được mở. Theo đó, Fed sẽ mua vào 40 tỷ USD tài sản mỗi tháng cho tới bao giờ “thị trường lao động được cải thiện 1 cách bền vững”. Lãi suất gần 0% được duy trì cho tới giữa 2015 (thay vì tới cuối 2014 như trước đó) và tiếp tục thực hiện chương trình hoán đổi trái phiếu (Operation Twist). Tổng cộng, cả 2 chương trình này sẽ làm tăng lượng trái phiếu dài hạn Fed nắm giữ lên thêm 85 tỷ USD mỗi tháng.
Có thể thấy, mặc dù sự độc lập giữa Nhà trắng với Fed là rõ ràng nhưng những nỗ lực của cơ quan quản lý hệ thống ngân hàng Mỹ này dường như đang mang lại cho đương kim tổng thống Obama 1 chỗ dựa vững chắc trong đợt bầu cử sắp tới.
Kinh tế Mỹ sẽ cất cánh?
Một trong những điểm có thể nói là “gót chân Achilles” cản đường Obama trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới là tỷ lệ thất nghiệp cao. Số liệu cho thấy, tỷ lệ này luôn ở mức trên 8% kể từ tháng 2/2009. Tốc độ tăng trưởng giảm tốc xuống còn 1,7% trong quý 2 vừa qua, từ mức 4,1% trong quý 4 năm ngoái cũng là 1 vấn đề đáng bàn.
Gần đây, người phát ngôn cho cựu Thống đốc Mitt Romney trong cuộc vận động bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kì tới - ông Amanda Henneberg, đã bày tỏ mối nghi ngờ về lời hứa giảm tỷ lệ thất nghiệp của tổng thống Obama suốt nhiệm kì vừa qua. Ông cho rằng, những chính sách mà ông Obama thực hiện chẳng những không giúp nền kinh tế Mỹ khởi sắc hơn là bao mà còn gây thiệt hại cho một số ngành chế tạo, khiến người Mỹ vẫn mãi lao đao trong cơn "khát" việc làm.
Theo đại diện này, nhiều chính sách đã được thực hiện nhưng lời hứa về một nước Mỹ "khỏe mạnh" dường như vẫn còn rất xa xôi khi con số thất nghiệp ấy vẫn tiếp tục tăng cao, có dấu hiệu báo động và vẫn duy trì trên ngưỡng 8%. Tình hình như có vẻ đã khiến ông Obama không mấy lợi thế khi đứng trước cựu Thống đốc bang Massachusetts. Ông Romney đã tập trung tấn công vào việc hàng triệu người vẫn chưa có việc làm và xem đó như một lời chất vấn cho đảng Dân chủ.
Đúng vào lúc Romney tấn công mạnh mẽ và đương kim tổng thống Mỹ Obama chưa có phương án chống đỡ hữu hiệu thì gói QE3 đã được Fed quyết định tung ra với dự kiến sẽ có tác động mạnh mẽ bởi tính “không giới hạn” của nó.
Theo đánh giá của Fed, cùng với QE3, thị trường lao động của Mỹ sẽ cải thiện nhanh chóng hơn trong thời gian từ nay tới năm 2014, với tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm về khoảng 6,7-7,3%, từ mức 7-7,7% đưa ra trong lần dự báo hồi tháng 6. Và đến năm 2015, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ giảm còn 6-6,8%.
Về tăng trưởng, Fed cho rằng, GDP của Mỹ sẽ tăng trưởng ở mức 3% trong năm tới và 3,8% vào năm 2014, từ mức dự báo 2,8% và 3,5% trước đó.
Với vị trí độc lập với Nhà Trắng, Fed cho biết, họ không có nhiều sự lựa chọn nhưng đang hành động để ứng phó với tình trạng thất nghiệp nan giải, tăng trưởng kinh tế mờ nhạt và có nguy cơ suy thoái vào cuối năm nay. Fed hy vọng việc bỏ nhiều tỷ USD để mua trái phiếu thế chấp có thể đánh thức thị trường nhà đất, giá cổ phiếu và các khu vực kinh tế khác giúp cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế và khắc phục tình trạng thất nghiệp.
Mục tiêu chính của ngân hàng trung ương là hạ thấp lãi suất, đặc biệt là lãi suất thế chấp. Theo đó, Fed hy vọng sẽ thúc đẩy chi tiêu và cuối cùng là cải thiện tình hình lao động. Họ đã rất nỗ lực trong việc thúc đẩy kinh tế suốt 3 năm vừa qua. Nhưng dường như giải pháp giữ lãi suất ở mức gần 0% từ cuối năm 2008 đã không còn phát huy tác dụng. Và giờ đây QE được lựa chọn như một giải pháp yên tâm nhất để nới thêm biên độ giảm lãi suất.
Tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ở mức trên 8% là điều khiến Fed cảm thấy không hài lòng bởi theo chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Ben Bernanke: "Thị trường lao động yếu là mối bận tâm lớn của mọi người Mỹ. Nó mang đến khó khăn đồng thời gây lãng phí nguồn lực con người". Vào tuần trước, báo cáo việc làm của chính phủ cho thấy, tình hình việc làm tại nước này trong tháng 8 vẫn còn hết sức ảm đạm.
Trong tuyên bố của mình, Fed khẳng định họ không chỉ thực hiện QE3 mà còn dùng đến những công cụ chính sách khác trong trường hợp thị trường lao động không có nhiều dấu hiệu khả quan. Đây được xem là một nỗ lực rất lớn nhằm lấy lòng người dân trong bối cảnh niềm tin trong lòng nước Mỹ đã cạn gần hết.
Với nhiều chuyên gia kinh tế, dự báo lợi ích mà quyết định này (QE3) mang lại là không nhiều và rủi ro thì không chắc chắn. Hai gói QE đầu tiên trước đó đã giúp giảm lãi suất và thúc đẩy thị trường cổ phiếu nhưng các ngân hàng lại không sẵn sàng và hào hứng trong việc cho vay tiền.
Các ngân hàng hiện đang ngồi trên đống dự trữ 1,6 ngàn tỷ USD và tiêu chuẩn tín dụng vẫn còn đang trong tình trạng thắt chặt sau cuộc khủng hoảng tài chính. Các hộ gia đình thì không bận tâm nhiều đến việc chi tiêu khi mà họ vẫn đang phải lo trả nợ.
Động thái của Fed đang trở thành tâm điểm tranh cãi của nước Mỹ, đặc biệt là khi chỉ còn không đầy 2 tháng nữa, cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra. Gần đây, nhiều người đổ lỗi lỗi cho những chương trình kích thích trước đó của Fed đã gây ra tình trạng lạm phát hiện nay.
Và giờ đây có lẽ nỗ lực tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng, điều mà có thể mang lại lợi ích và cơ hội cho tổng thống Obama trong đợt tái tranh cử lần này lại vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía đảng Cộng Hòa. Trong một phát biểu chính thức, đối thủ của Obama, ứng cử viên Mitt Romney gọi hành động của Fed là “giả tạo và vô dụng”. Các thành viên của Đảng này cũng cho rằng, việc tăng cung tiền vào nền kinh tế sẽ khiến tình trạng lạm phát leo thang trong thời gian tới.
Trong số 12 thành viên tham gia bỏ phiếu về quyết định QE3 có 1 người phản đối kế hoạch của Fed, đó là ông Jeffrey Lacker. Ông cho rằng, “quyết định này sẽ làm gia tăng nguy cơ lạm phát và bong bóng tài chính trong khi thực tế nó sẽ không giúp được nhiều cho nền kinh tế”.
Trong 1 điều tra mới đây của Wall Street Journal, các chuyên gia kinh tế cho rằng, một chương trình mua trái phiếu trị giá 500 tỷ USD chỉ có thể giảm được 0,1% tỷ lệ thất nghiệp và tăng khoảng 0,2% GDP. Như vậy, lợi ích từ kế hoạch của Fed liệu có phải là quá ít ỏi nếu như những ước tính trên là đúng?
Trước quyết định quan trọng vừa qua của Fed, chuyên gia kinh tế toàn cầu Bernard Baumohl tại Economic Outlook Group, Princeton thể hiện quan điểml: "các nhà đầu tư và lãnh đạo doanh nghiệp đang thất vọng trước một hệ thống quốc hội “bại liệt” và đối mặt với quá nhiều rủi ro. Có lẽ Fed không thể làm được nhiều điều cho nền kinh tế trong một bối cảnh như vậy”.
Còn theo phó giáo sư Justin Wolfers tại trường Wharton, "Điều quan trọng trong quyết định của Fed là việc tạo dựng niềm tin - Fed ở đây là để giúp đỡ chứ không phải chỉ in thêm tiền". Đây cũng có thể là một tín hiệu muốn lấy lại sự tin tưởng của công chúng đối với chính phủ, nhất là tổng thống Obama trong giai đoạn nước rút của cuộc chạy đua cho vị trí thống trị.
Thời gian cuộc bầu cử đang tới gần, việc phân tích thấu đáo để xem tác động của QE1, 2 và dự báo tác động của QE3 có thể không đáp ứng được mong muốn của người dân Mỹ.
Mặc dù vậy, với nhiều người, cho dù tác động của chính sách mới này là gì thì nó cũng là 1 chỗ vịn để cho nhiều người tin tưởng nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi vững chắc, thất nghiệp sẽ giảm. Đây rõ ràng là 1 yếu tố thuận cho ông Obama trong cuộc đua sắp tới.