Làng gốm Bàu Trúc tỉnh Ninh Thuận được xem là một trong những làng gốm cổ xưa, có tuổi đời lâu nhất tại khu vực Đông Nam Á và vẫn còn lưu giữ đến ngày nay. Nghề làm gốm của người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận độc đáo ngay từ cách chọn, xử lý nguyên liệu cho đến cách thức tạo hình khối, hoa văn, phơi và nung sản phẩm. Tất cả đều thể hiện tính sáng tạo và sự tỉ mỉ, công phu của người thợ làng nghề.

Chính vì vậy, nơi đây đã được xếp vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Nhất là nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”, đã tạo động lực đưa sản phẩm làng gốm này phát triển lên tầm cao mới.

Trước kia việc làm gốm chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm, đàn ông làm những việc nặng nhọc hơn là đào đất, nung gốm và gánh gốm hoặc chở đi bán. Phụ nữ Bàu Trúc lớn lên là đã được mẹ hướng dẫn làm gốm và cứ thế, đời nối đời “mẹ truyền con nối”, nghề gốm ở ngôi làng cứ mãi lưu truyền đến ngày nay.

W-anhminhhoa.png
Tất cả đều thể hiện tính sáng tạo và sự tỉ mỉ, công phu của người thợ làng nghề.

Nếu như trước kia, sản phẩm gốm chỉ là những vật dụng như: lu, chum, vại, lọ, ấm, nồi, bát, đĩa … thì nay, để giữ nghề truyền thống và đáp ứng thị hiếu mới của người tiêu dùng, những người làm nghề ở làng gốm Bàu Trúc đã mày mò, nghiên cứu phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm gốm mỹ nghệ phục vụ đời sống tinh thần và trang trí nhà cửa, sân vườn như: phù điêu hình người phụ nữ Chăm, tháp Chăm, đèn ngủ, chậu cây cảnh…

Ngoài bán tại chỗ cho khách thăm quan, du lịch, những người thợ ở Bàu Trúc còn nhanh nhạy ứng dụng công nghệ thông tin trong khâu tiêu thụ. Họ quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội, tiếp nhận đơn đặt hàng và ship sản phẩm đi khắp mọi miền, kể cả ra nước ngoài khi khách có nhu cầu.

Mỗi năm, làng gốm cổ Bàu Trúc đưa ra thị trường hơn 12 nghìn sản phẩm các loại.  Đây chính là yếu tố quan trọng để những người dân làng gốm Bàu Trúc vừa giữ nghề truyền thống, vừa tạo ra cơ hội để phát triển du lịch, biến văn hóa trở thành tài sản, mang lại cuộc sống khấm khá cho người Chăm.

Tại làng gốm Bàu Trúc hiện có 2 hợp tác xã và 11 cơ sở sản xuất, kinh doanh gốm cùng khoảng 300 hộ dân gắn bó với nghề làm gốm. Huyện Ninh Phước - nơi có làng nghề đang tập trung triển khai Đề án bảo tồn và phát triển làng gốm Chăm Bàu Trúc, tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề cho thế hệ trẻ, chú trọng bảo tồn gắn phát triển du lịch. Huyện Ninh Phước tiếp tục hỗ trợ các cơ sở, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gốm ở Bàu Trúc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá sản phẩm, tiếp nhận đơn hàng online và gửi sản phẩm đi các tỉnh, thành phố, kể cả ra nước ngoài, giúp người dân làng nghề yên tâm bảo tồn nghề truyền thống và thực sự sống được với nghề.

Còn tại Bình Thuận có 26 thôn của người Chăm, nhưng chỉ có người Chăm ở thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình còn làm gốm với kỹ thuật và quy trình thủ công truyền thống của cha ông họ. Làng gốm Bình Đức hay còn gọi là làng gốm Gọ hiện có khoảng 40 hộ và sẽ còn tăng lên theo chủ trương mở rộng làng nghề gốm của tỉnh. Cho dù thế hệ trẻ ngày nay có công ăn việc làm, thu nhập cao ở các công ty, xí nghiệp, nhưng trong mỗi gia đình đều truyền nghề lại cho một thành viên để lưu truyền lại nét văn hóa cho thế hệ sau.

Triển khai Đề án Bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống của người Chăm ở Bình Đức , tỉnh Bình Thuận đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể. Đó là, tăng tỉ lệ hộ gia đình duy trì nghề gốm từ gần 11% năm 2021 lên hơn 15% vào năm 2030; tăng tỉ lệ số nghệ nhân duy trì nghề gốm từ gần 12% năm 2021 lên hơn 16% vào năm 2030. Các cấp, ngành cùng với với người dân làng nghề, doanh nghiệp nỗ lực mở rộng, tìm kiếm, mở rộng thị trường cho sản phẩm gốm. Địa phương và các ngành liên quan quy hoạch, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đảm bảo vệ sinh môi trường làng nghề xanh, sạch, đẹp. Đồng thời, chọn địa điểm có diện tích, không gian phù hợp tại làng Bình Đức để đầu tư xây dựng Nhà trưng bày sản phẩm gốm, kết hợp trình diễn nghệ thuật làm gốm và các loại hình nghệ thuật truyền thống của người Chăm; qua đó vừa bảo tồn văn hóa Chăm vừa phát triển các tour, tuyến du lịch.

Làm được như vậy, vừa tạo thêm “kênh” đầu ra cho sản phẩm, vừa tăng thu nhập cho các hộ làm nghề, để người Chăm có thêm động lực để gắn bó, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của dân tộc một cách hào hứng, bền vững và hiệu quả.

 

Kim Duyên và nhóm PV, BTV