Hôm nay 7/3/2019, Google Doodle thiết kế hình ảnh để kỷ niệm 97 năm ngày sinh của Olga Ladyzhenskaya. Vậy bà Olga Ladyzhenskaya là ai?
Olga Ladyzhenskaya tên đầy đủ là Olga Aleksandrovna Ladyzhenskaya, là một nhà toán học người Nga. Bà nổi tiếng là người vượt lên số phận và những khó khăn của cuộc đời để trở thành một trong những nhà khoa học đương thời có sức ảnh hưởng lớn trên thế giới.
Nữ Toán học Olga Ladyzhenskaya nổi tiếng với công trình nghiên cứu về phương trình vi phân từng phần (đặc biệt là bài toán thứ 19 của nhà toán học Đức David Hilbert1) và động lực học chất lỏng trong Phương trình Navier-Stokes2.
Nhờ những cống hiến và tình yêu hết mực với nền Toán học nước nhà, năm 2002 (2 năm trước ngày bà mất ngày 12/1/2004) Viện Hàn lâm Khoa học Nga trao tặng Huy chương vàng Lomonosov cho Olga Ladyzhenskaya.
Hình ảnh nữ nhà Toán học Olga Ladyzhenskaya trên trang chủ Google hôm nay 7/3. Nguồn: Google Doodle
Sinh ra ở vùng thị trấn nông thôn Kologriv miền Tây nước Nga ngày 7/3/1922, Olga Ladyzhenskaya sớm được cha là một nhà toán học xuất thân từ giới quý tộc Nga truyền cảm hứng tình yêu với Toán học.
Biến cố gia đình xảy ra khi Olga Ladyzhenskaya 15 tuổi, khi đó chính quyền Liên Xô bắt giữ và xử tử người cha kính mến của cô khi ông bị buộc tội là kẻ thù của nhà nước. Cuộc sống trở nên khắc nghiệt và khó khăn khi cô bé Olga Ladyzhenskaya cùng mẹ và các chị gái phải vất vả mưu sinh mà không có bóng dáng cha.
Vượt lên số phận của người con mồ côi cha, Olga Ladyzhenskaya nỗ lực học tập và dành tình yêu với Toán học thay cả phần cha, thế nhưng, dù tốt nghiệp Trung học với điểm số xuất sắc, Olga Ladyzhenskaya vẫn bị loại khỏi danh sách sinh viên nhập học trường Đại học bang Leningrad vì mang họ của người cha từng bị xử tử.
Sau nhiều năm dạy Toán cho một trại trẻ mồ côi và tại một trường trung học, Olga Ladyzhenskaya cuối cùng cũng có cơ hội theo học Đại học quốc gia Moscow, có cơ hội tầm sư học đạo với nhà toán học lỗi lạc của Liên Xô Ivan Petrovsky. Tại đây, cô lấy bằng tiến sĩ rồi trở thành trưởng Phòng thí nghiệm Vật lý-Toán học tại Viện Toán học Steklov.
Nữ nhà toán học Olga Ladyzhenskaya khi còn trẻ.
Năm 1959, Olga Ladyzhenskaya là hội viên của Hội toán học St. Petersburg. Đến năm 1990, bà trở thành chủ tịch của Hội toán học St. Petersburg.
Về sau, bà đã chọn ở lại Nga và làm việc tại đây bất chấp sự sụp đổ của Liên Xô và những áp lực kinh tế xảy ra sau đó.
Trong suốt cuộc đời cống hiến hết mình cho nền Toán học Nga, bà Olga Ladyzhenskaya đã có hơn 250 bài viết, công trình liên quan đến toán học. Công lao của bà được nhiều tổ chức khoa học, toán học quốc tế công nhận.
Riêng trong lĩnh vực động lực học chất lỏng, nghiên cứu của bà vẫn có tính ứng dụng cao đến tận ngày nay, cụ thể trong hải dương học, khoa học tim mạch, khí động học và dự báo thời tiết.
Riêng tại Nga, năm 2002, Viện Hàn lâm Khoa học Nga trao tặng Huy chương vàng Lomonosov cho những cống hiến không ngừng cho thế giới toán học của bà.
Từ một cô bé mồ côi cha, từng bị nhiều người xa lánh, nhưng bà Olga Ladyzhenskaya đã vượt lên nỗi đau mất cha, tiếp tục dành tình yêu lớn với Toán học để rồi trở thành một trong những nhà khoa học có công lớn với đất nước - Cuộc đời của nữ Toán học Olga Ladyzhenskaya đã trở thành tấm gương sáng cho rất nhiều người yêu khoa học trẻ ở Liên Xô và Nga sau này.
Diều hoa Miến Điện: Loài chim quý thuộc Sách Đỏ IUCN mang vẻ đẹp dũng mãnh hiếm có
Bí ẩn kỳ dị tại "Vòng tròn của Quỷ" ở Mỹ: Thách thức khoa học hàng trăm năm
Chú thích:
(1) Các bài toán của Hilbert là một danh sách gồm 23 vấn đề (bài toán) trong Toán học được nhà Toán học Đức David Hilbert đưa ra tại Hội nghị toán học quốc tế tại Paris năm 1900.
Các bài toán này chưa có lời giải tại thời điểm đó. Một số bài toán về sau có ảnh hưởng lớn tới nền Toán học thế kỷ 20. Hilbert đưa ra 10 bài toán (1, 2, 6, 7, 8, 13, 16, 19, 21 và 22) tại hội nghị trong buổi trình bày ngày 8/8/1900 tại Đại học Sorbonne.
(2) Phương trình Navier-Stokes, được đặt tên theo Claude-Louis Navier và George Gabriel Stokes, miêu tả dòng chảy của các chất lỏng và khí (gọi chung là chất lưu).
Những phương trình này thiết lập trên cơ sở biến thiên động lượng trong những thể tích vô cùng nhỏ của chất lưu đơn thuần chỉ là tổng của các lực nhớt tiêu tán (tương tự như ma sát), biến đổi áp suất, trọng lực, và các lực khác tác động lên chất lưu - một ứng dụng của định luật 2 của Newton.
Bài viết sử dụng nguồn: Google/Doodle, Independent