Hà Giang là một trong những tỉnh có đông nhóm đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với 19 dân tộc anh em, trong đó đông nhất là dân tộc Mông chiếm 34,4%, Tày chiếm 22,5%, Dao chiếm 14,8%, Kinh chiếm 12,3%, Nùng chiếm 9,5%, còn lại là các dân tộc khác.

Với mục tiêu phù hợp và định hướng cụ thể, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS được kỳ vọng sẽ phát huy, khai thác tiềm năng, lợi thế trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Giang.

Thời gian qua Hà Giang đã tập trung chỉ đạo, lồng ghép các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn hoàn thiện và đồng bộ. Toàn tỉnh đã có 170 chợ, trong đó có 20 chợ thành thị, 143 chợ nông thôn, 7 chợ gia súc; hệ thống điện lưới cũng đã được kéo về tận thôn, bản... 

Đáng chú ý, công tác đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong giai đoạn từ 2022 - 2023, UBND các huyện (chủ đầu tư) đã triển khai đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp 18 công trình. Tổng kinh phí thực hiện đạt 40.364,71 triệu đồng từ nguồn vốn đầu tư phát triển, hiện đã giải ngân được 17.115,736 triệu đồng.

Bên cạnh đó, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; do đó, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định “Phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị” là một trong 3 khâu đột phá, chiến lược.

W-anh-man-hinh-2024-03-22-luc-170017-1.png
Sản phẩm cam sành Hà Giang

Bên cạnh những nền tảng đó, theo ông Trần Việt Thế - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang, để chính sách phát triển kinh tế hàng hóa tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, như: Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 20/5/2021 của UBND tỉnh về xúc tiến quảng bá du lịch và thương mại tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 238/KH-UBND ngày 21/10/2020 của UBND tỉnh về phát triển thương mại điện tử tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 21/02/2022 của UBND tỉnh về hành động thực hiện Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2022 - 2025”; Kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 25/5/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Đề án đổi mới đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2022 - 2025.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua ứng dụng điện tử, mạng xã hội zalo, facebook... để người tiêu dùng tiếp cận, tìm hiểu thông tin về sản phẩm thuận lợi, nhanh chóng, tạo sự lan tỏa đến người tiêu dùng.

Chú trọng tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia do Bộ Công Thương tổ chức. Thường xuyên kết nối với Cục Xúc tiến Thương mại, Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong công tác thông tin thị trường, hỗ trợ kết nối tiêu thụ các phẩm nông sản của tỉnh.

Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng website để kết nối bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Tiếp tục duy trì, phát triển công tác kết nối tiêu thụ sản phẩm vào hệ thống kênh phân phối lớn, hiện đại tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối và các sàn thương mại điện tử...; tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại trọng điểm do Bộ Công Thương, các tỉnh thành phố lớn tổ chức, nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản ổn định tại thị trường trong nước.

Đồng thời cần chú trọng lựa chọn những sản phẩm nông sản có lợi thế so sánh và xã hội có nhu cầu cao để chuyển dịch cơ cấu sản xuất và xuất khẩu.

Tổ chức sắp xếp lại các cơ sở sản xuất, chế biến theo hướng thành lập các cơ sở sản xuất, chế biến lớn có thiết bị, công nghệ hiện đại để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, giảm dần các cơ sở sản xuất, chế biến nhỏ lẻ, năng suất, chất lượng thấp, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Tăng cường năng lực quản lý của các hiệp hội ngành hàng. Đây là đơn vị tập hợp và tăng cường liên kết các doanh nghiệp kinh doanh nông sản có tiềm năng lợi thế toàn diện, đẩy mạnh hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu, khai thác chỉ dẫn địa lý đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu…

Đẩy nhanh việc ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào quá trình sản xuất, chế biến nông sản: Tích hợp công nghệ thông tin và tự động, hóa vào công nghiệp chế biến nông sản nhằm tạo ra các quy trình sản xuất, mô hình nhà máy thông minh liên kết với nguồn cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm.

Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại, chế biến sâu nông sản hàng hóa, tạo giá trị gia tăng cao, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường với định hướng chung.

Cuối cùng cần ưu tiên nguồn vốn khuyến công, khoa học hỗ trợ các cơ sở chế biến nông lâm sản đổi mới công nghệ trong chế biến, bảo quản.

PV