GS Đào Trọng Thi - chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có trao đổi với báo chí về phương án một kỳ thi quốc gia và đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

"Vẫn nợ nội dung dự trù kinh phí"

Dự trù kinh phí của Đề án đổi mới chương trình, SGK là bao nhiêu, thưa ông?

- Trong phần báo cáo chuyển cho Ủy ban, Bộ GD-ĐT vẫn nợ nội dung dự trù kinh phí.

Nhưng tôi nghĩ lần này sẽ không có nguồn tiền tập trung nào ở trong đề án mà sẽ là phân bổ theo quy định của ngân sách hàng năm cho các địa phương để địa phương thực hiện trong thời gian dài.

{keywords}

Ông Đào Trọng Thi: "Chính vì nhu cầu không có mà chúng ta sẽ phải trả giá rất nhiều cho việc thay đổi hệ thống, thay đổi các chính sách đối với giáo dục bắt buộc"

Rất có thể đợt này quy định rõ, ngân sách dùng cho trực tiếp viết chương trình là bao nhiêu, bao nhiêu cho SGK, bao nhiêu cho xuất bản SGK, bao nhiêu cho đào tạo giáo viên...

Có thể có thêm cơ chế để địa phương, tổ chức, cá nhân có điều kiện hỗ trợ hoặc huy động xã hội hóa.

Nhà nước sẽ không đầu tư bình quân, đồng loạt mà tập trung hỗ trợ cơ sở, địa phương khó khăn để họ đạt tiêu chuẩn tối thiểu là đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để thực hiện chương trình, SGK mới.

Theo ông, con số 34 nghìn tỉ đồng có còn không?

- Con số đó, như Bộ GD-ĐT đã khẳng định – là chưa có cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học. Theo tinh thần đề án như hiện nay con số đó sẽ không còn. Kinh phí đổi mới giáo dục sẽ được phân bổ theo ngân sách hàng năm chứ không phải “một cục” ngay trong thời gian đầu.

Vậy thì nguồn lực chuẩn bị cho Đề án như thế nào, thưa ông?

- Tôi được biết Chính phủ đã có sự thống nhất, thông qua với 2 nguồn lực quan trọng nhất là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Hiện nay chúng ta phải đầu tư mạnh cho cơ sở giáo dục sư phạm để chuẩn bị tốt đội ngũ giáo viên, không những đáp ứng yêu cầu bình thường thực hiện chương trình, SGK mà còn phải đi trước một bước.

Nếu chúng ta thay đổi mạnh về chương trình, về nội dung thì rất có thể đội ngũ giáo viên thay đổi về cơ cấu. Không còn giáo viên dạy môn học như bây giờ nữa mà thay đổi bằng đội ngũ giáo viên dạy tích hợp, có ít nhất 4 năm giảng dạy trong nhà trường cộng với một số năm chuẩn bị tích lũy kinh nghiệm thì mới có thể thực hiện nhiệm vụ.

Về cơ sở vật chất, theo quy định, cơ sở vật chất là do UBND các tỉnh địa phương thực hiện và có trách nhiệm. Như vậy chúng ta phải giao nhiệm vụ cho địa phương, TƯ sẽ hỗ trợ cho những địa phương nào khó khăn. TƯ chỉ đạo các chuẩn, các mẫu để địa phương thực hiện. Quan trọng nhất là thực hiện có hiệu quả.

Không nên vội vàng thay đổi

Ông nghiêng về phương án nào trong 3 phương án thi quốc gia  mà Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến?

- Tôi không nghiêng về phương án nào, vì tôi nghĩ phương án đầu tiên không khác gì phương án chúng ta đang thực hiện.

Chúng ta đang bước đầu cải tiến về phương pháp thi cử nên tôi cho rằng đến thời điểm này thế là đủ, cứ thực hiện như thi cử vừa qua trong một vài năm tới. Khi chúng ta thay đổi chương trình, SGK lúc đó chúng ta mới thay đổi về phương pháp thi cử. Bây giờ cứ thay đổi về phương thức nhưng nội dung chương trình học, SGK không thay đổi thì làm gì.

Tôi nghĩ không nên vội vã mà từng bước vững chắc thực hiện.

Vậy ông đánh giá như thế nào đối với việc Bộ GD-ĐT rút lại phương án thay đổi về hệ thống giáo dục?

- Mặc dù Bộ nghiêng về phương án  giai đoạn giáo dục cơ bản là 10 năm nhưng chúng tôi thấy không hợp lý.

Không hợp lý ở đây theo 2 nghĩa: Thứ nhất, có cần thiết hay không? Chúng ta kéo dài 1 năm hệ giáo dục cơ bản có nghĩa là kéo dài 1 năm giáo dục bắt buộc, phổ cập; có nghĩa là nhà nước phải chuẩn bị ngân sách nhiều hơn.

Thứ hai, thay đổi về hệ thống giáo dục thì trường THCS phải thêm 1 lớp, phải thêm giáo viên, thêm cơ sở trường lớp. Nếu bậc THPT ít đi 1 lớp lại thừa giáo viên, thừa cơ sở vật chất. Nếu không khéo, số lượng học sinh được vào học THPT lại nhiều hơn. Như vậy, lại không đáp ứng được chủ trương về phân luồng học sinh. Về giáo viên cũng có một số vấn đề.

Nhưng quan trọng hơn là việc thay đổi này có cần thiết hay không? Hiện nay, sau THCS chúng ta đã thực hiện phân luồng, có những em ra trường học nghề, học sơ cấp nghề… với những trình độ học tập ấy, 9 năm là quá đủ.

Những em nào cần trình độ văn hóa cao hơn để vào đại học thì chuẩn bị thêm năm đầu của THPT như hiện nay, vì năm đầu phổ thông vẫn củng cố kiến thức, còn 2 năm cuối cùng mới phân hóa mạnh định hướng nghề nghiệp cho các em. Lựa chọn như vậy là phù hợp với tình hình hiện nay của chúng ta.

Chính vì nhu cầu không có mà chúng ta sẽ phải trả giá rất nhiều cho việc thay đổi hệ thống, thay đổi các chính sách đối với giáo dục bắt buộc. Tôi nghĩ thời điểm hiện tại chưa nên thay đổi về cơ cấu cấp học phổ thông.

Xin cảm ơn ông.

GS Đào Trọng Thi: "Giáo viên không dạy được thì cũng không thành công"


"Điều tôi lo ngại nhất là
chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Trong trường hợp này tôi nhấn mạnh đội ngũ giáo viên. Các trường sư phạm hiện nay phải đi trước một bước, và phải mất 4 năm mới đào tạo được một đội ngũ giáo viên mới.

Nhưng khó hơn cả là đào tạo lại đội ngũ giáo viên hiện nay. Hàng triệu con người cần phải đào tạo lại, thay đổi lại cơ cấu môn học, thay đổi chức danh giáo viên, thay đổi lại kiến thức cho phù hợp với yêu cầu đổi mới.

Chương trình hay đến đâu, nhưng giáo viên không dạy được thì cũng không thành công."

  • Chi Mai Ghi