Ngày 12/8, Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành – ICISE được chính thức khánh thành. Đây là một nội dung quan trọng của chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 9, diễn ra từ ngày 29.7 – 17.8 tại TP Quy Nhơn (Bình Định) – một sinh hoạt học thuật quy mô lớn của vật lý học toàn cầu.

Chương trình quy tụ hơn 200 nhà khoa học đến từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có năm nhà khoa học từng nhận giải Nobel. Cuộc gặp gỡ càng thêm ý nghĩa khi điểm hẹn của các nhà khoa học đã hình thành sau một giấc mơ 20 năm.

{keywords}

GS David Gross tại buổi nói chuyện chuyên đề tại đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM ngày 10.8. Ảnh: Thanh Hảo

- Điều gì khiến ông nhận lời tham gia Gặp gỡ Việt Nam?

Tôi nhận lời mời tham dự Gặp gỡ Việt Nam là từ GS Trần Thanh Vân. Tôi thật sự rất tò mò về Việt Nam, được nghe khá nhiều điều tốt đẹp về đất nước này.

Khoa học mang tính quốc tế, hoàn toàn không có biên giới, chẳng hạn trong ngành vật lý học mà tôi nghiên cứu, mọi người trên thế giới ngồi lại làm việc cùng nhau. Tôi rất vui khi một trung tâm nghiên cứu khoa học bắt nguồn từ Việt Nam có thể kéo mọi người trên thế giới lại gần nhau hơn.

Ở Mỹ, nhiều năm qua, bản thân tôi đã cố gắng đưa khoa học đến gần hơn với người dân, để mọi người có thể nghiên cứu cùng nhau, chính vì vậy tôi có nhiều kinh nghiệm với những nỗ lực tương tự mà GS Trần Thanh Vân đang làm. Xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học là một cách rất tốt để phát triển nghiên cứu khoa học tại một nước, giúp những người giỏi có nơi phát triển bản thân, ngăn ngừa tình trạng chảy máu chất xám, thậm chí có thể thu hút các nhân tài từ Mỹ, châu Âu trở về cống hiến nhiều hơn cho nước nhà, điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho đất nước các bạn. Chắc bạn cũng biết rất nhiều nhà khoa học giỏi của Việt Nam đã phải rời quê nhà tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài, mặc dù tôi biết ở Việt Nam, gia đình và quê hương là điều rất quan trọng với mỗi người.

- Ấn tượng của ông đối với các nhà khoa học Việt Nam, gốc Việt?

Với tôi các nhà khoa học Việt Nam rất giỏi, ít nhất là tôi biết một vài người ở Mỹ, ở châu Âu, ở Pháp chẳng hạn. Ở Việt Nam hiện tại có thể thành lập những trung tâm nghiên cứu mà mọi người có thể đến để cùng nghiên cứu, trao đổi là rất hay. Đất nước các bạn đang ngày càng phát triển, vì thế sẽ có nhiều điều kiện hơn để phát triển kinh tế và cả khoa học.

- Ở Việt Nam, tình trạng nhà khoa học đứng tên độc lập trong các báo cáo, nghiên cứu rất hạn chế và vì vậy phải nhờ một nhà khoa học nước ngoài đứng đồng tác giả. Ông nghĩ sao về điều này?

Nghiên cứu khoa học không phải là ít tiền nhưng cũng không phải quá tốn kém cho quá trình phát triển kinh tế lâu dài của một quốc gia. Hiện nay nhiều quốc gia đã hiểu được rằng phát triển khoa học cơ bản là điều rất cần thiết, nếu bạn không có được một nền tảng vững chắc, không được huấn luyện và chuẩn bị tốt, bạn khó có thể thành công. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc làm sao để thu hút các bạn trẻ tham gia nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

Việt Nam đã trải qua nhiều biến cố và là một nước nghèo trong nhiều năm, nhưng hiện nay kinh tế đang phát triển rất nhanh, trong tương lai sẽ có nhiều nguồn đầu tư đổ dồn về đây, và tôi tin là các bạn có đủ điều kiện để tham gia nghiên cứu khoa học. Bản thân tôi là một người nghiên cứu về vật lý, nó thật sự không phải là quá đắt đỏ như nhiều người vẫn nghĩ, thực chất chỉ cần những công cụ cơ bản, truyền thống, tiêu chuẩn mà thôi.

GS David J. Gross sinh ngày 19.2.1941 ở Israel, đỗ thạc sĩ tại đại học Hebrew Jerusalem (Israel) năm 21 tuổi, bảo vệ luận án tiến sĩ vật lý tại đại học Berkeley ở bang California (Mỹ) bốn năm sau đó dưới sự hướng dẫn của GS Geoffrey Chew. Năm 1973, ông cùng các sinh viên đầu tiên của mình ở đại học Princeton phát hiện ra hiện tượng tiệm cận tự do. Có điều trùng hợp thú vị là, trong một nghiên cứu độc lập, hiện tượng tiệm cận tự do cũng được tìm thấy bởi nhà khoa học H.David Politzer, mở ra khả năng hiểu biết lớn lao của vật lý học đối với sự phát triển của sắc động lực học lượng tử. Vì thế giải Nobel Vật lý 2004 được chia sẻ cho ba cái tên: David J. Gross, H. David Politzer và Frank Wilczek.

Rõ ràng Việt Nam không phải là một nước nhỏ so với Nhật Bản, các bạn có những người đầy tài năng, điều quan trọng là làm thế nào để các bạn cảm thấy tự tin vào bản thân mà không cần nhờ đến ai khác. Tôi biết Việt Nam có rất nhiều bạn trẻ thông minh rất muốn nghiên cứu khoa học, họ cần cơ hội, và nếu họ thành công sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nước nhà, đấy là điều chắc chắn. Tuy nhiên, nền tảng khoa học và những cơ hội đó đầu tiên phải đến từ chính phủ.

- Ở lĩnh vực vật lý, theo ông trong tương lai sẽ có những xu hướng nghiên cứu nào?

Khoa học và đặc biệt là trong lĩnh vực vật lý có rất nhiều hướng nghiên cứu. Có thể là những câu hỏi còn chưa có câu trả lời thôi thúc con người phải khám phá như vũ trụ hình thành thế nào, bộ não con người hoạt động ra sao, làm thế nào sáng chế ra các thiết bị như chiếc điện thoại mà bạn đang cầm trên tay chẳng hạn... Có rất nhiều thứ mà con người chưa thể hiểu được nhưng họ nghĩ là họ có thể hiểu được nếu nghiên cứu.

- Hiện nay người trẻ dường như đang quay lưng với khoa học cơ bản và tập trung nhiều hơn cho khoa học ứng dụng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam, ông sẽ trấn an họ như thế nào với tư cách một người từng đoạt giải Nobel?

Tại sao người trẻ quay lưng với khoa học cơ bản, điều này có thể bắt nguồn từ chính phủ.

Tôi lấy ví dụ như Trung Quốc, ban đầu họ cũng tập trung phát triển kinh tế, chăm chút cho nghiên cứu khoa học ứng dụng. Nhưng rồi vì nhiều lý do, họ nhận ra rằng nếu không có khoa học cơ bản, họ không thể thành công với khoa học ứng dụng, những phát minh mới, những kỹ thuật mới lại đến từ khoa học cơ bản.

Tôi thường ví sự phát triển khoa học như một cái cây mà khoa học cơ bản chính là rễ, điều hiển nhiên là nếu không có rễ thì sẽ không có cây. Ở Trung Quốc, sự thay đổi diễn ra hàng chục năm, và họ nhận ra rằng họ có cơ sở hạ tầng kỹ thuật mạnh, nhất thiết phải có nền tảng khoa học cơ bản vững chắc. Một lý do khác là trẻ em, những người trẻ tò mò thế giới này hoạt động như thế nào, nhưng cái thu hút những đứa trẻ này không phải là ở thành quả khoa học ứng dụng mà là chúng sẽ có được những chuyến phiêu lưu kỳ thú như thế nào trong thế giới khoa học cơ bản.

Nếu Việt Nam không làm được điều này, các bạn sẽ mãi phải vay mượn hay ăn cắp từ những nước khác, và kết quả là Việt Nam sẽ mất đi những nhân tài, mất đi những ý tưởng sáng tạo hay ho. Những nhân tài và ý tưởng này sẽ tìm bến đỗ ở một nơi khác như Mỹ hay Pháp. Đất nước các bạn đã vượt qua vô vàn những khó khăn còn lớn hơn thế này, tôi tin là các bạn có đủ sức vượt qua những thử thách mới này.

- Để thành công trong nghiên cứu khoa học, theo ông cần những yếu tố gì?

Để thành công bạn phải có ước mơ, phải tạo cho mình sự hiếu kỳ, phải nghĩ rộng và xa, phải tạo cho mình cơ hội để thực hiện giấc mơ đó, giải quyết những hiếu kỳ đó. Dĩ nhiên trước hết bạn phải làm việc thật chăm chỉ và nghiêm túc, phải tìm được những cơ hội thực sự để học tập và nghiên cứu, phải có những mẫu hình để theo đuổi và thực hiện giấc mơ của mình. Tự tin có được nhờ thành công và thành công dựa trên sự tự tin, chúng tương trợ lẫn nhau.

- Trong đời nghiên cứu khoa học của mình, có khi nào ông gặp khó khăn hay thất bại?

Tôi gặp thất bại suốt, vì trong nghiên cứu khoa học, khi bạn tìm ra được một cái gì đó mới mẻ để nghiên cứu, đôi khi bạn không biết phải xuất phát từ đâu, phải đi như thế nào, và rồi bạn thất bại.

Nghiên cứu khoa học cũng giống như đang leo lên một ngọn núi cao trong bóng tối, trời thì đang mưa tầm tã, bạn đi theo hướng này, rồi bạn gặp phải rào cản, vậy thì phải làm sao, tìm ra hướng đi khác và tiếp tục leo lên thôi.

Tuy nhiên, bạn phải học cách đối mặt với thất bại, nếu không thì bạn không thể nào thành công được. Trong cuộc sống, đặc biệt là trong khoa học, thất bại là điều không thể tránh khỏi, nhưng luôn có một bài học trong mỗi sự thất bại. Đó là những thông tin quan trọng mà bạn cần nhớ, có thể chẳng dễ chịu chút nào khi nếm mùi thất bại, nhưng ít ra bạn biết được rằng cách làm đó, hướng đi đó là chưa đúng trong trường hợp này, thử cách khác thôi, và chắc chắn là bạn sẽ trưởng thành hơn rất nhiều.

Năm nhà bác học đoạt giải Nobel đến Việt Nam

Gặp gỡ Việt Nam lần 9 có bốn hội nghị khoa học (vũ trụ học trong kỷ nguyên Planck, thuyết tương đối rộng và lực hấp dẫn, vật lý nano – từ cơ bản đến ứng dụng, các cửa sổ nhìn ra vũ trụ); hai lớp học chuyên đề về vật lý, trong có một lớp về vật lý thiên văn và vũ trụ học. Ngoài ra còn có hội thảo và tập huấn phối hợp với Bộ GD-ĐT… Trong năm nhà khoa học đoạt giải Nobel đến Việt Nam lần này, còn có các GS Sheldon Lee Glashow (giải Nobel Vật lý năm 1979 cùng hai nhà khoa học Abdus Salam và Steven Weinberg), Jack Steinberger (giải Nobel Vật lý năm 1988), Klaus von Klitzing (Nobel Vật lý năm 1985), George F. Smoot (Nobel Vật lý năm 2006 cùng với John C. Mather).

(Theo Sài Gòn tiếp thị)