- Tại buổi gặp gỡ SV Trường ĐH mở TP.HCM - GS Ngô Bảo Châu tiếp tục có những trao đổi xung quanh nhiều vấn đề về rèn luyện kĩ năng, học trung thực và sự nỗ lực cá nhân để hoàn thiện mình…

SV có quá ít các hoạt động tập thể

Đó là nhận định của GS Ngô Bảo Châu trước hàng ngàn SV ĐH mở TP.HCM.

Buổi trao đổi thu hút khá đông SV tham dự

Theo GS, khi thiếu kĩ năng tranh luận, nếu bắt đầu tranh luận các bạn có thể lúng túng, “ngộp” và sẽ bị chi phối bởi kĩ năng xúc cảm, việc tranh luận sẽ không đi đến một điều tốt đẹp nào cả. Buổi tranh luận chỉ có giá trị khi mỗi SV suy nghĩ trước, chuẩn bị những ý kiến để tranh luận và có thể khẳng định được ý kiến của mình đó mới là tranh luận thành công.”

GS Ngô Bảo Châu kể câu chuyện của chính con gái mình: “Tôi khá thú vị khi cô bé thứ 2 đi học ở trường, mặc dù mới học cấp ba nhưng cháu được nhà trường cho chọn một danh sách có khoảng 30 vấn đề khá phức tạp về chính trị xã hội như quyền con người, bảo vệ môi trường, tự do, công bằng… Từ đề tài đó cháu đó thể học, tìm tài liệu, đưa ra những ý kiến nhỏ, tổng hợp thành bài và viết ra ý kiến của mình.

Theo GS, chúng ta hãy bắt đầu từ những nghiên cứu nho nhỏ, những thao tác nhỏ để sau này làm những việc có ý nghĩa thực sự. Học có lúc hăng say, lúc chán nản là chuyện bình thường. “Ngay bản thân tôi cũng có lúc hăng say, lúc chán” – GS nói.

“Khả năng thuyết phục của mỗi người được nhìn nhận khi tổ chức những nhóm, đặt ra những vấn đề thực sự, mỗi người tự đi tìm hiểu tài liệu và phải tranh luận với nhau. Trong tranh luận thì phải tôn trọng, trao đổi ý kiến để thấy rõ suy nghĩ của mình chủ quan đến đâu, tỏ ra thông minh hơn và hay hơn người khác đó là cách tạo được thuyết phục” – GS lý giải tạo kỹ năng thuyết phục.

Công việc cần phải được tổ chức, những lúc chán nhất định không được buông tay. Có tổ chức, có tập thể, dù bạn chán nhưng mình vẫn phải chơi đó là trách nhiệm của mình. Để giữ được ngọn lửa đam mê, quyết tâm trong bản thân của mình, chúng ta phải đặt ra câu hỏi để tìm nội dung, đam mê, tình yêu sự thật và quan trọng nhất là luôn đi tìm cái mới của mình.

Học có định hướng, trung thực, không nên học thêm

GS Ngô Bảo Châu cho rằng, ai cũng sẽ bị choáng ngợp trước khối lượng kiến thức, mỗi người lại không có khoảng thời gian hữu hạn, để học hiệu quả trong một thời gian hạn chế là rất khó nhất nhưng bản thân kiến thức không khó.

“Mỗi một môn học đều có những kiến thức cơ bản và điều quan trọng là nắm thấu đáo kiến thức cơ bản đó, thực hành để nắm kĩ năng làm việc, kĩ năng tư duy, tính toán, phải hiểu những khái niệm lý thuyết và tập dượt làm việc thật.”

GS Ngô Bảo Châu lắng nghe các ý kiến trao đổi

Phản bác lại ý kiến của một SV khi cho rằng trung thực trong học tập dường như mâu thuẫn với kết quả, khi nhiều SV nghiên cứu khoa học nhưng kết quả là công trình chỉ nằm trên giá, GS Ngô Bảo Châu thẳng thắn phản bác “Trung thực là kết quả của học tập. Một công trình một khoa học không nhất thiết phải mang ra ứng dụng. Nếu tất cả những công trình khoa học đều được mang ra ứng dụng thì gay to. Nếu các bạn nghiên cứu khoa học, thì mục đích là các bạn đang trưởng thành trong công trình đó, tất nhiên những trưởng thành này sẽ loại trừ sự gian dối.”

Theo GS, việc học trước hết là nhu cầu, tâm tư, công việc. Việc học cũng xuất phát từ câu hỏi, khi bản thân mình đau đáu vì một câu hỏi nào thì sẽ tìm về hướng đó, không nên có một lịch trình học cái nào trước, cái nào sau, cái nào quan trọng hơn.

“Đối với mỗi người nỗ lực bản thân là quan trọng nhất, nhưng bản chất của con người là yếu đuối, và cần tập thể để hoàn thiện chính mình, cần sự hỗ trợ của tập thể để học được. Bạn có thể học một bài giảng ở trên mạng nhưng chỉ xem khoảng 3 lần là chán, nhưng cũng bài giảng đó nếu bạn đến đúng giờ học trên lớp, nghe thầy giáo giảng, cuối giờ tóm tắt ý chính, trả lời câu hỏi của thì chắc chắn sẽ dễ hơn”

Trả lời thắc mắc của một SV nước ngoài về việc ở châu Á cũng như Việt Nam ngoài giờ học trên lớp HS ra còn học thêm, liệu có phải chương trình học của VN hiện tại có làm việc học hiệu quả hơn không trong khi chương trình của Châu Âu rất có giới hạn.

GS Ngô Bảo châu cho rằng, vấn đề không nằm ở chương trình mà do tâm lý của phụ huynh học sinh, ai cũng muốn cho con mình học. “Ra một số bài tập làm thêm, làm hơn một bài tập không làm ảnh hưởng đến tư duy đứa bé hơn là đưa bé ra ngoài tập thể, học ngoại khóa, học ở những chủ đề (có thầy hướng dẫn) có thời gian rõ ràng để học cách sống, cách làm việc, sống cùng nhau mới quan trọng.

Cũng theo GS, không nên thần tượng một cá nhân nào cả, nhưng nên thần tượng sản phẩm của con người làm ra. Bản thân của một nhà văn có ông xấu, ti tiện, hèn hạ, nhưng quyển sách của họ viết ra có thể mang trong đó chân lý. Cần phân biệt giữa con người và sản phẩm họ tạo ra.

  • Lê Huyền