- "Thú thật tôi có chút hoang mang với kết luận của GS Nguyễn Văn Hiệu". GS Nguyễn Đăng Hưng phát biểu như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên VietNamNet xung quanh máy phát điện bằng nước do TS Nguyễn Chánh Khê trình bày ở cuộc hội thảo thẩm định do Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM tổ chức .
|
GS Nguyễn Đăng Hưng (bìa phải) và TS Nguyễn Chánh Khê (người "sáng chế" máy phát điện chạy bằng nước) |
Phóng viên: Việc TS Nguyễn Chánh Khê công bố sáng chế máy phát điện chạy bằng nước tại một cuộc hội thảo do Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM trước khi có bằng sáng chế có bất thường gì về quy trình công bố khoa học không thưa giáo sư?
Quan điểm của ông về công trình này như thế nào? Theo ông, TS Nguyễn Chánh Khê có thể sản xuất điện ở quy mô lớn chứ không dừng lại ở trong phòng thí nghiệm
GSTS Nguyễn Đăng Hưng: Việc bất thường là TS Nguyễn Chánh Khê công bố với báo chí đại chúng trước khi có Hội đồng thẩm định của nhà tài trợ (ở đây là Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM) có ý kiến. Mà hội đồng này đã họp lại là để nghe tác giả thuyết trình sau khi dư luận trong và ngoài nước sửng sốt trước một “phát minh” có tính đột phá có thể làm đảo lộn những hiểu biết hiện nay của giới chuyên gia.
Tôi cũng tự hỏi không hiểu quy trình thành lập hội đồng thẩm định ra sao tại Việt Nam, các thành viên tham gia có độc lập với nhà tài trợ không, có quy chế gì cho việc thẩm định về tính khả thi của dự án trước khi quyết định tài trợ hay tiếp tục thêm vốn tài trợ ?
Về phần sau của câu hỏi, thú thật ngay lúc này công trình này làm tôi băn khoăn hơn là mừng rỡ. Nhất là từ khi TS Khê thú nhận trong ngày hội thảo là đã sử dụng một tạp chất có phản ứng với nước để tách H2 ra khỏi nước. Như vậy bảo rằng máy chạy bằng nước là không chính xác và tạp chất này chính là nhiên liệu của quy trình làm ra điện.
Theo những chuyên gia Việt kiều như TS Giáp văn Dương (Singapore), PGS Phạm Quang Tuấn (Sydney), TS Phạm Việt Hùng (Hàn Quốc) thì nhiên liệu này nếu là hỗn hợp than hoạt tính và NaBH4 thì sẽ rất đắt và việc sản xuất điện quy mô lớn là không khả thi vì giá thành đắt hơn cả các nguồn hiện có, ngay cả năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Đừng nói chi chất thải có thể là khá độc hại cho sức khoẻ…
Phóng viên: Thưa giáo sư, ở nước ngoài, quy trình công bố một phát minh diễn ra như thế nào?
GSTS Nguyễn Đăng Hưng: Ở các nước phát triển, để bảo toàn bản quyền, hành trình thông thường là trước khi có công bố đại chúng, tác giả phải đăng ký bản quyền sáng chế.
Sau đó, nếu cần (thật ra là rất cần) công bố khía cạnh khoa học của sáng chế (không cần phải công bố bí quyết công nghệ) trên báo chí khoa học có uy tín.
Các báo này tự sẽ có các chuyên gia thẩm định trước khi đồng ý cho đăng tải. Cũng nên biết là quyền tác giả sẽ được bảo toàn kể từ ngày tác giả đăng ký bản quyền chứ không cần phải là ngày có kết luận của cơ quan chức năng.
Sau hai giai đoạn đó, tác giả mới thoải mái công bố trước công luận qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
Vì uy tín của cơ quan ngôn luận, vì tránh cho kẻ hám danh lợi dụng diễn đàn, tại các nước phát phát triển, để tránh những công bố giật gân không có thực chất, báo chí không bao giờ cho đăng tải các thành quả công nghệ trước khi có thông tin đã được thông qua ở hai bước đầu.
Như vậy ở đây, báo chí Việt Nam cũng chưa quen hay thông lệ Việt Nam chưa có cho quy trình hợp lý về việc đưa thông tin khoa học công nghệ có chất lượng với độ tin cậy cần thiết.
Cũng nên nói thêm là việc đăng ký bản quyền tại các nước phát triển là thường có lợi cho người sáng chế. Quy trình đăng ký sáng chế ở các nước có nền công nghệ cao rất chặt chẽ, luật bảo vệ quyền lợi của nhà phát minh rất nghiêm minh, nạn sao chép lạm dụng thường bị nghiêm trị xứng đáng. Khỏi nói ở các nước này có rất nhiều nhà đầu tư mạo hiểm sẵn sàng chịu chơi, bỏ tiền tài trợ giúp nhà sáng chế nhanh chóng đưa công nghệ vào sản xuất.
Mặt khác, những dự án quy mô dài hơi tương tự như dự án do TS Khê chủ trì phải được Hội đồng thẩm định khách quan và độc lập xem xét trước khi có quyết định cấp kinh phí. Chủ nhiệm dự án phải báo cáo có định kỳ kết quả nghiên cứu rồi sau đó nhà tài trợ mới giải ngân theo một chu trình đã định sẵn.
Phóng viên: Ông có nhận xét gì về đề nghị của GS Nguyễn Văn Hiệu là Sở KH-CN thành phố nên đầu tư cho TS Khê tiếp tục nghiên cứu?
Nếu như điều này xảy ra thì phải có một hội đồng khoa học đánh giá công trình này. Ở nước ta, có thể chọn ai tham gia vào hội đồng khoa học trong lĩnh vực này, có phải mời chuyên gia nước ngoài tham gia đánh giá không?
Nếu có một hội đồng đánh giá thì ông Khê sẽ phải trả lời câu hỏi về chất xúc tác bí ẩn ấy như thế nào để không bị lộ bí quyết công nghệ cũng như vẫn đảm bảo được vấn đề khoa học?
GSTS Nguyễn Đăng Hưng: Thú thật tôi có chút hoang mang với kết luận của GS Nguyễn Văn Hiệu, người chủ trì Hội đồng thẩm định. Có lẽ ông muốn khuyến khích ê kíp của TS Khê chăng?
Ông đã tỏ ra rất hào phóng. Ông đã nhanh chóng kêu gọi Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cấp kinh phí cho TS Nguyễn Chánh Khê tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện công nghệ. Tôi có cảm tưởng đây là kết luận của một nhà chính trị, một nhà ngoại giao hơn là một nhà giáo, một nhà khoa học.
Thật vậy, hôm ấy (9/3/2012) ai cũng thấy TS Khê đi lạc đề, bỏ thì giờ diễn giải về pin nhiên liệu, một đề tài đã được các nhà thức giả nắm rõ, không phải trọng điểm sáng chế của mình, rồi lúng túng quanh co trước những câu hỏi rất thông thường dễ hiểu của các nhà khoa học.
Là người có thâm niên trong nghiên cứu, TS Khê không thể không phân biệt cái gì là khoa học cần phải minh bạch, cái gì là công nghệ cần phải bảo mật, để rồi phải lẫn lộn giữa chất khử và chất xúc tác, rồi không để ý là mình đang vi phạm những nguyên lý cơ bản của động nhiệt học.
Rõ ràng buổi thuyết trình thiếu tính khoa học nghiêm túc, thiếu tôn trọng đối với cử tọa là các nhà khoa học. Chỉ ở những điểm này thôi cũng đủ để thẫm định là TS Khê phải làm lại từ đầu, phải tổ chức một buổi thẩm định khác, trên tinh thần khoa học minh bạch, trước khi nói đến việc tiếp tục tài trợ.
Đã từ lâu cung cách thẩm định của giới chức năng khoa học Việt Nam thiếu tính nghiêm túc, nặng phần trình diễn, thường là hời hợt nể nang cho qua… Tôi đã từng nhiều lần chứng kiến thực trạng này khi tham gia các buổi bảo vệ luận văn tiến sỹ, thạc sỹ tại Việt Nam, ngay tại những trường đại học uy tín nhất. Ngày nào còn tiếp tục như vậy là ngày ấy công nghệ khoa học đích thực khó bề thăng hoa, vàng thau sẽ lẫn lộn. Nước ta lại còn nghèo, ngân sách cho khoa học không cao.
Buổi công bố công trình phát điện bằng nước.
Phóng viên: Sau khi đọc các bài báo trả lời phỏng vấn của ông trên các báo, các nhà khoa học ở nước ngoài đã gửi thư cho ông bình luận về sự kiện này, họ có ý kiến như thế nào về sự việc này?
GSTS Nguyễn Đăng Hưng: GSTS Đàm Thanh Sơn đang giảng dạy tại Hoa Kỳ đã đề cập đến vấn đề này và tôi rất đồng tình. Ông đề nghị: Tôi muốn đặt câu hỏi về cơ chế mà Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM dùng để đánh giá nghiên cứu của TS Nguyễn Chánh Khê và các nghiên cứu khác ở Khu công nghệ cao. Theo tôi không thể dựa vào ý kiến của một người để quyết định đầu tư cho một nghiên cứu. Trước khi quyết định nhất thiết phải xin ý kiến phản biện của các chuyên gia trong ngành (peer review), hoặc thông qua biểu quyết trong một hội đồng gồm những chuyên gia có uy tín”.
Tôi chỉ xin thêm: “Hội đồng phải gồm các chuyên gia có uy tín và tinh thần độc lập cao”.
Một cách cụ thể tôi cũng đồng tình với ý khiến của TS Lê Hoài Quốc, trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao, yêu cầu TS Khê chế ra một máy tương tự nhưng quy mô hơn có thể sử dụng lâu bền (ít nhất 3 tháng) tại chính khu công nghệ cao để minh định một cách thiết thực giá trị của sáng chế.
Chỉ sau thời gian này, tính hữu hiệu của sáng chế được khẳng định, Hội đồng thẩm định mới nghe lại tác giả trình bày khía cạnh khoa học của sáng chế (với những đo đạc định lượng hóa chất và năng lượng cần thiết) để đi đến quyết định tăng cường hay ngưng tài trợ cho các bước sắp đến.
Dĩ nhiên là sau quy trình này, chúng ta sẽ có kết luận về tính khả thi của sáng chế. Nếu tính khả thi không có cũng có ích cho khoa học và công nghệ: Về khoa học, TS Khê đã phát minh một tạp chất mới có khả năng giải phóng hydrogen từ nước. Về mặt công nghệ, nghiên cứu của TS Khê sẽ giúp cho giới công nghệ trong tương lai tránh không đi vào một ngỏ cụt nguy hại cho ngân sách sáng chế quốc gia…
Còn về bí quyết công nghệ thì TS Khê có quyền gìn giữ cẩn mật ngay cả trước mặt hội đồng thẩm định quốc tế. Đây là nghệ thuật của nhà sáng chế: tranh thủ sự đồng tình bằng khoa học, nhưng nhất quyết bảo toàn bí mật công nghệ. Nhà khoa học có kinh nghiệm trong việc thẩm định sẽ không bao giờ phàn nàn về sự việc này cả.
Nói chung các nhà khoa học không chấp nhận sự thiếu minh bạch trong việc giải thích công trình của TS Khê, ít ra qua những lời tuyên bố trên báo chí đại chúng. Họ bị sốc vì sự lập lờ giữa chất khử và chất xúc tác, vể tính giật gân của công bố trên báo đại chúng mà cơ sở thì không tỏ rõ.
Phóng viên: Nếu nguyên lý tạo ra điện năng của TS Khê là đúng và mới, cần phải đánh giá như thế nào để đảm bảo yếu tố về giá cả, ô nhiễm môi trường…Có lẽ từ trước đến nay, mọi phát minh trên thế giới lúc công bố bao giờ giá cũng rất cao, phải mất hàng chục năm mới có thể hạ giá thành, và thông thường, vẫn gây ảnh hưởng đến môi trường? Ông có nhận thấy như vậy?GSTS Nguyễn Đăng Hưng: Các nhà khoa học Việt kiều gần gũi với chuyên ngành này hơn tôi như GS Phạm Quang Tuấn, TS Giáp Văn Dương, TS cho rằng tạp chất X của TS Khê có thể là một chất là hỗn hợp của than hoạt tính có cấu trúc nano, và chất khử NaBH4, có khả năng kiềm hãm vận tốc của phản ứng hóa học:
NaBH4 + H2O –> NaBO2 + 4H2
Và hydrogen sẽ được giải phóng một cách có trật tự. Bản thân tạp chất này, nếu thực sự tạo được, thì sẽ là một cống hiến khoa học đáng kể của TS Khê. Còn tính khả thi công nghệ là một chuyện khác vì ở đây yếu tố tài chính và môi trường sẽ giữ vai trò quyết định. Tương lai sẽ cho ta biết giải đáp của bài toán kinh tế và xã hội.
Khoa học cần giải thích minh bạch và suy luận chặt chẽ, công nghệ cần sức kiên trì và trí tưởng tượng.
Dù thế nào tôi cũng chúc cho TS Nguyễn Chánh Khê gặt hái được thành quả xứng đáng với công sức đã bỏ ra từ bấy nhiêu năm qua.
Phóng viên: Cảm ơn giáo sư đã trả lời phỏng vấn.
-
Hương Giang (thực hiện)