Tổng chủ biên của Chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ GD&ĐT vừa công bố xin ý kiến nhân dân đã có những giải thích cụ thể về giáo dục tích hợp.
- Vì sao Chương trình giáo dục phổ thông mới thực hiện dạy học tích hợp?
Từ hàng chục năm nay, các nước có nền giáo dục tiên tiến đã đưa ra nhiều giải pháp đổi mới giáo dục phổ thông, trong đó có dạy học tích hợp, mà mức cao nhất là xây dựng các môn học tích hợp. Giải pháp này phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực của người học, bởi vì năng lực là kết quả huy động tổng hợp các nguồn lực để thực hiện thành công các hoạt động thực tiễn. Dạy học tích hợp giúp HS rút ngắn quá trình tổng hợp này và góp phần “giảm tải” chương trình, nhất là trong hoàn cảnh kho tàng kiến thức của nhân loại càng ngày càng tăng trong khi thời gian học tập ở nhà trường phổ thông thì có hạn.
Tuy nhiên, tôi cũng xin lưu ý là bên cạnh tích hợp, Chương trình giáo dục phổ thông mới còn thực hiện dạy học phân hóa. Năng lực là sự kết hợp giữa tố chất sẵn có và quá trình học tập, rèn luyện của người học; dạy học phân hóa giúp cho mỗi người học phát huy được tiềm năng, sở trường của mình.
Ví dụ, ngay từ cấp tiểu học, tới đây, trong môn Giáo dục thể chất, HS sẽ được chọn những nội dung luyện tập phù hợp với sức khỏe và hứng thú của mình.
Mức cao nhất của dạy học phân hóa là phân hóa theo định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT.
- Ở nước ta, Đảng và Nhà nước có những văn bản chỉ đạo và văn bản quy phạm pháp luật nào về vấn đề này?
Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng trên cơ sở các chủ trương của Đảng và quy định của Nhà nước về đổi mới giáo dục và đào tạo.
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) chủ trương: “Xây dựng và chuẩn hóa nội dung giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn.”
Thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng, Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội quy định: “Đổi mới nội dung giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và định hướng nghề nghiệp; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên. Ở cấp tiểu học và cấp THCS, thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lí số môn học. Ở cấp THPT, yêu cầu HS học một số môn học bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập.”
Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định rõ: “Chương trình mới, sách giáo khoa mới được xây dựng, biên soạn theo hướng tích hợp ở các lớp học, cấp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học, cấp học trên. Ở các lớp học, cấp học dưới, thực hiện lồng ghép, kết hợp những nội dung liên quan với nhau ở mức độ hợp lí để tạo thành các môn học tích hợp. Thực hiện giảm hợp lí số môn học, tránh chồng chéo nội dung và những kiến thức không hoặc chưa cần thiết đối với học sinh. Ở cấp trung học phổ thông, ngoài các môn học bắt buộc chung, có các môn học, chuyên đề học tập dành cho HS tự chọn.”
Quán triệt chủ trương của Đảng và quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, hệ thống các môn học được xây dựng theo hướng “tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên”.
Ví dụ, ở ba lớp đầu cấp tiểu học có môn Tự nhiên và Xã hội. Môn học này hướng dẫn học sinh tìm hiểu thế giới tự nhiên và xã hội thông qua các chủ đề học tập liên quan đến những vấn đề chung và gần gũi nhất trong cuộc sống. Từ lớp 4, môn Tự nhiên và Xã hội được tách thành hai môn là môn Khoa học, môn Lịch sử và Địa lí.
Lên cấp THCS, các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí giúp HS hoàn chỉnh kiến thức phổ thông nền tảng, phát triển năng lực tìm tòi, khám phá tự nhiên, xã hội và năng lực vận dụng những điều đã học vào cuộc sống được hình thành từ tiểu học, để chuẩn bị học lên THPT, học nghề hoặc tham gia cuộc sống lao động.
Đến cấp THPT, nội dung giáo dục về tự nhiên và xã hội được thực hiện qua các môn học độc lập: Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí. Theo phương án phân hóa trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, bên cạnh các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục Quốc phòng và An ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương), mỗi HS được quyền lựa chọn học 5 môn từ 3 nhóm môn: Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật), Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học), Công nghệ và Nghệ thuật (Tin học, Công nghệ, Nghệ thuật) với điều kiện mỗi nhóm môn phải chọn ít nhất 1 môn phù hợp với nguyện vọng, sở trường và định hướng nghề nghiệp, đồng thời bảo đảm sự cân bằng trong học vấn phổ thông.
Ngoài ra, mỗi HS được chọn học chuyên đề của 3 môn bất kì trong số các môn Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), mỗi môn có 3 chuyên đề trong 1 năm.
Sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên của Mỹ
Sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên của Anh
Sách giáo khoa môn Nghiên cứu xã hội của Mỹ
Doãn Phong (thực hiện)