Giáo sư, tiến sĩ khoa học, nhà giáo nhân dân Tống Duy Thanh hiện là GS đầu ngành của Việt Nam về Địa chất, chuyên ngành Cổ sinh - Địa tầng.

Ông đã xuất bản 10 cuốn sách (trong đó có nhiều cuốn xuất bản bằng tiếng Nga, Pháp, Anh) và công bố hơn 70 công trình khoa học trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Mỗi công trình của ông là một đóng góp quan trọng cho ngành Địa chất Việt Nam nói chung và chuyên ngành Cổ sinh - Địa tầng nói riêng.

Nhà địa chất đầu ngành

Theo GS Tống Duy Thanh, niềm đam mê địa chất của ông được bắt nguồn và nuôi dưỡng bởi cố GS Nguyễn Văn Chiển - người thầy mà ông hết mực kính yêu. Ông từng tâm sự: “Thầy Chiển đã cho tôi thấy được những điều kỳ diệu từ những viên đá tưởng chừng vô tri vô giác. Thầy đã dạy tôi cách ‘nghe’ những hòn đá nói”.
GS Tống Duy Thanh

Đối với ông, niềm vui khi tìm được mẫu đá là niềm vui “khó tả” nhất, vì mỗi lần đều mang lại cho ông một cảm xúc mới mẻ và hạnh phúc. Nhiều khi ông và đồng nghiệp phải lênh đênh hàng tháng trên thuyền, trên bè, ngủ đêm trong rừng, trên các đỉnh núi… chỉ để tìm kiếm một mẫu đá. Ngay cả bây giờ, khi đã 78 tuổi, ông vẫn sẵn sàng cho những chuyến thực địa để tìm mẫu hóa thạch phục vụ công việc.

Năm 1960, ông cùng một số nhà địa chất trẻ của Việt Nam được biệt phái tham gia đoàn khảo sát đo vẽ bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô trước đây. Ròng rã 3 năm trời, mùa đông ông tới các vùng có trầm tích Paleozoi từ Lai Châu, Sơn La đến Hoà Bình, Việt Bắc với những mặt cắt địa chất ở lưu vực sông Đà, mùa hè lại sang Liên Xô phân tích, xử lý số liệu.

Những kết quả nghiên cứu trong giai đoạn này có giá trị rất lớn cho việc lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1:500.000 (do Tổng cục Địa chất thực hiện) hoàn thành năm 1988 (năm 2005, công trình này đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ vì có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế của đất nước).

Từ năm 1966 tới nay, ông tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Ông cùng GS Nguyễn Văn Chiển đã xây dựng Chương trình đào tạo các ngành trong Khoa Địa lý - Địa chất ngay từ ngày đầu thành lập Trường. Từ năm 1992 đến 2000, ông là một trong những người tham gia xây dựng Chương trình nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên (do GS Nguyễn Văn Hiệu đề xuất và Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường – nay là Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì).

Chương trình này đã có tác động tích cực đối với các nhà khoa học Việt Nam trong giải quyết những vấn đề trọng yếu nhằm phát triển khoa học tự nhiên của đất nước.

Ông là chủ biên và tác giả cuốn sách “Quy phạm địa tầng Việt Nam” (1994). Cuốn sách được đánh giá là “có tác dụng đóng góp tích cực trong đổi mới công tác địa chất ở Việt Nam”, được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) và cơ quan chủ quản về địa chất cho áp dụng trên phạm vi toàn quốc thay cho những phương thức cũ mang tính bảo thủ.

Ông cũng tích cực tham gia nhiều công trình khoa học, trong đó có những công trình có đóng góp lớn như: Quy phạm địa tầng Việt Nam (đề tài cấp nhà nước 44.01.04); Đánh giá tổng hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội các tỉnh giáp biển miền Trung (Chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước 52E); Hoàn thiện thang địa tầng Việt Nam (đề tài cấp nhà nước KT 01.05)…

Kết nối địa chất Việt Nam với quốc tế


Trong số các công trình nghiên cứu của mình, GS Tống Duy Thanh đặc biệt có kỷ niệm về công trình đầu tay của mình, với tên gọi “Kết quả bước đầu về nghiên cứu sinh vật địa tầng Devon của miền Bắc Việt Nam theo san hô dạng vách đáy” được ông hoàn thành năm 1963.

Công trình đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trên thế giới nên mặc dù khi đó Việt Nam đang có chiến tranh nhưng nhiều nhà khoa học từ Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nhật… vẫn viết thư, gửi tài liệu trao đổi thông tin với ông.

Trong giai đoạn 1990-1995, ông đã đề xuất Đề án về địa chất Đông Nam Á trong Chương trình hợp tác địa chất quốc tế (IGCP) và được UNESCO xét duyệt (Đề án 306 của IGCP - Nghiên cứu địa tầng và địa chất Đông Nam Á).

Lần đầu tiên giới khoa học địa chất Việt Nam có điều kiện tiếp xúc và hợp tác rộng rãi với đồng nghiệp quốc tế, nhất là với các nhà địa chất phương Tây, thay vì chỉ bó hẹp trong phạm vi hợp tác với Liên Xô trước đó. Thứ hai, và đây là điều quan trọng nhất, các nhà khoa học Việt Nam qua giao lưu quốc tế rộng rãi đã cập nhật được những thành tựu mới nhất trong khoa học địa chất quốc tế. Thứ ba, qua đề án này, các nhà địa chất Việt Nam đã phát huy được vai trò nổi trội trong cộng đồng khoa học trái đất của Đông Nam Á, được đồng nghiệp Đông Nam Á và quốc tế nể trọng.

Cũng trong thời gian này (1990-1995), ông chủ trì Đề án hợp tác nghiên cứu khoa học địa chất Biển Đông với Đại học Paris 6. Lần đầu tiên một con tàu hiện đại nghiên cứu biển (tàu Atalante - 1 trong 2 con tàu ngầm hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ) đã đưa các nhà địa chất Pháp và Việt Nam cùng tiến hành trực tiếp nghiên cứu địa chất đáy biển Đông. Việc thực hiện đề án hợp tác Pháp - Việt này đã đạt được 2 thành công rất đáng chú ý. Về khoa học, kết quả nghiên cứu đã giúp làm sáng tỏ những vấn đề quan trọng trong sự hình thành và tiến hóa Biển Đông.

Những kết quả này không những có ý nghĩa về mặt lý luận khoa học mà còn giúp cung cấp những cơ sở dữ liệu quan trọng cho công tác tìm kiếm và thăm dò dầu khí. Những kết quả này đã được khẳng định trong Hội thảo quốc tế “Kiến tạo địa chất biển biển Đông” tổ chức tại Hà Nội và Đồ Sơn tạo được tiếng vang với sự tham gia của gần 100 nhà địa chất hàng đầu của thế giới và Việt Nam. Thông qua sự hợp tác, Pháp đã giúp Việt Nam đào tạo được 3 TS về những lĩnh vực hiện đại của địa chất học. Từ đề án này, các đề tài nhánh hợp tác với các nước Đức, Hà Lan, Nhật… đã được mở ra và đồng nghiệp, học trò của ông tiếp tục theo đuổi.

Theo Truyenthongkhoahoc