- GS Trần Thanh Vân luôn trăn trở và tin rằng, làm việc với một tinh thần xông pha, tận tụy chính là cách tốt nhất để để tạo nên sức hút, kêu gọi mọi người cùng chung sức. Ông chia sẻ với VietNamNet như vậy nhân chuyến trao học bổng Odon Vallet ở Hà Nội tháng 9 năm nay.

GS Trần Thanh Vân trao Học bổng Vallet cho các học sinh, SV xuất sắc tại Hà Nội, tháng 9/2012

- Thưa giáo sư, mới đây ông đã dành nhiều thời gian để đi xuyên Việt, tận tay trao học bổng Vallet cho các HS, SV xuất sắc. Chuyến đi này cùng những cuộc “Gặp gỡ Việt Nam” trong suốt nhiều năm qua thể hiện những quan tâm đặc biệt của GS dành cho thế hệ trẻ Việt Nam?

Trong các chuyến đi, tôi không có dịp gặp lâu nhưng tôi nhận được nhiều thư các em. Tôi hi vọng sẽ hiểu hơn về các em sau khi đọc hết những lá thư ấy.

Hy vọng với những gì nhận được từ sự giúp đỡ của “Học bổng Vallet” thông qua “ Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam” các bạn trẻ sẽ trở thành những con người sống có ích và có trách nhiệm với xã hội, bằng trí thức của mình họ có thể tự vươn lên thoát nghèo, tự lập trong cuộc sống và tích cực tham gia giúp đỡ những người khác thoát nghèo.

- Trong buổi lễ trao học bổng tại Hà Nội, GS đã tha thiết gửi tới các bạn thông điệp “Tiên học lễ” - khuyên các bạn giữ gìn và rèn luyện đạo đức, nhân phẩm. Thông điệp ấy phải chăng chất chứa nhiều trăn trở của giáo sư về sự nghiệp “trồng người” ở Việt Nam?

Hiện nay, giáo dục của ta vẫn còn “luẩn quẩn” với rất nhiều vấn đề. Xã hội hiện nay đầy rẫy sự giả dối. Nhiều trường khoe khoang về những con số thể hiện số học sinh thi đỗ cao lên tới 95 -99%... Họ khoe khoang trong khi biết đó đều là giả dối. Điều đáng sợ là mọi người đều chấp nhận sự giả dối ấy. Tuy nhiên, sự giả dối chỉ giúp được con người ta trong một thời gian ngắn thôi.

Điều tôi muốn nói với các em trong các phát biểu ở các lễ trao học bổng điều mà mình quan tâm nhất, đó là các em cần phải giữ gìn đạo đức, sự trung thực trong thế giới ấy. Tôi cũng rất phấn khởi lúc nghe bức thư của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi cho các học sinh nhân dịp khai giảng, nêu cao tinh thần đạo đức và chống đối giả dối trong giáo dục.

- Một tin có lẽ là vui với GS, năm học này, ngành giáo dục đã đưa phương pháp giáo dục "Bàn tay nặn bột" j họcvào thí điểm dạy học. Phương pháp được GS thúc đẩy áp dụng ở Việt Nam có ý nghĩa thế nào?

Chương trình này trước hết áp dụng cho tiểu học. Các em còn nhỏ, cần được dạy cách học để có tính tò mò, tự đặt ra câu hỏi tại sao thế này, tại sao thế kia… Thầy cô không để các em học thụ động.

Chương trình này được khởi xướng ở Mỹ, sau đó được áp dụng khá phổ biến trong các trường học ở Pháp.

Từ năm 2000, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam đã tổ chức các lớp tập huấn về phương pháp Bàn tay nặn bột cho các giáo viên tiểu học với sự cộng tác của Đại học Sư phạm lúc đầu và với các Sở GD-ĐT nhiều tỉnh trong những năm gần đây.

Sau nhiều năm triển khai, thấy có hiệu quả, từ năm 2011, Bộ GD- ĐT Việt Nam đã tổ chức hơn 60 lớp tập huấn và quyết định đưa phương pháp này áp dụng giảng dạy trong chương trình SGK.

GS Trần Thanh Vân: “Nếu làm được gì, tôi sẽ làm cho Việt Nam”

- Dự án xây dựng Trung tâm quốc tế "Gặp gỡ khoa học" ở Quy Nhơn là một trong những “giấc mơ” mà GS vẫn đang theo đuổi. GS có thể chia sẻ thêm về “giấc mơ” này?


Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục mà chúng tôi đang xây dựng nằm trên khu đất rộng 20ha, giữa một bãi tắm dài 300m ở phía đông, một rừng dừa ở phía bắc và vách đá ở phía nam. Dự kiến, trung tâm sẽ đi vào hoạt động năm 2013.

Đây sẽ là nơi tổ chức các hội nghị quốc gia và quốc tế, hội thảo chuyên ngành, các lớp đào tạo chuyên sâu về khoa học dành cho nghiên cứu sinh, tiến sĩ… Phần một là nhà hội nghị khoa học – cái mà chúng tôi có thể làm được với ngân khoản của mình. Hai là một khách sạn, nhà nghỉ ở gần nhà hội nghị để các nhà khoa học có thể tới đó nghỉ ngơi không bị hạn chế về điều kiện đi lại…

Mục tiêu của dự án là tạo một môi trường để thúc đẩy những sáng kiến độc đáo trong hoạt động nghiên cứu khoa học qua sự hợp tác và phát triển giáo dục giữa các quốc gia trên thế giới.

Tôi đã ấp ủ nó trong suốt 12 năm qua. Chúng tôi phải có ý tưởng, rồi mới có thể dành dụm tiền để thực hiện nó một cách độc lập, không có sự trợ giúp của bất cứ tổ chức nào.

- Vì sao GS lại dành nhiều tâm huyết cho việc xây dựng trung tâm đến vậy?

Mong muốn nào cũng phải tùy theo sức của mình, xem mình có làm được hay không? Với kinh nghiệm 50 năm tổ chức các hội nghị quốc tế, tôi có một mạng lưới các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới, và tôi không muốn đánh mất đi mạng lưới quý giá ấy.

Tôi muốn bằng việc xây dựng trung tâm, sẽ đưa đến cho Việt Nam một cơ hội, để những người giỏi, những người tâm huyết muốn tiến lên trên con đường khoa học họ được gặp gỡ, tiếp xúc, học hỏi.

Không chỉ thế, trong tương lai, đây sẽ là một điểm sáng trong khu vực, với các đối tác lớn là các trung tâm nghiên cứu vật lý hàng đầu thế giới, từ đó sớm có đóng góp cho nền khoa học nước nhà, nâng cao vị thế và hình ảnh đất nước Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế…

Phía ĐH Singapore cũng đặt vấn đề nhờ tôi làm ở Singapore nhưng tôi không chấp nhận. Tôi nghĩ rằng, nếu tôi làm được gì, tôi sẽ làm cho Việt Nam.

- Giáo sư đánh giá thế nào về môi trường nghiên cứu khoa học trong nước hiện nay?

Tôi biết ở Việt Nam có rất nhiều nhà khoa học giỏi. Tuy nhiên, trong xã hội Việt Nam hiện nay dường như những gì thuộc về khoa học đúng nghĩa đang không có cơ hội để phát triển. Ở Việt Nam, chưa có sự kiểm tra, đánh giá chắc chắn về chất lượng khoa học.

- Theo GS, Việt Nam cần làm gì để các nhà khoa học Việt kiều có tâm huyết như giáo sư có thể đóng góp nhiều hơn cho đất nước?

Cần thêm những thay đổi về “cơ chế” và sự tin tưởng của chính phủ. Còn rất nhiều Việt kiều ngoại quốc tha thiết muốn đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

- Xin cảm ơn Giáo sư!

  •     Quỳnh Anh (Thực hiện)