Phát biểu tại buổi lễ trao học bổng chiều 16/12, GS Vũ Hà Văn (Giám đốc khoa học Quỹ đổi mới Sáng tạo Vingroup) cho biết, 25 năm trước, khi học tại ĐH Yale (Mỹ), ông đã thấy khác biệt lớn nhất giữa học đại học và tiến sỹ. Làm tiến sĩ tức là "có nghề", có vị trí trong trường và được trả lương. Dù là lương thấp (như ở Mỹ chỉ đủ tiền thuê 1 căn nhà trọ  ở chung nhiều người), nhưng ít nhất nghiên cứu sinh được trả tiền, đủ sống và dùng thời gian còn lại phục vụ cho học tập.

1 năm trước, GS Văn cùng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã  tổ chức hội thảo về nhu cầu đào tạo sau đại học ở VN. GS nói rằng khi đó đã nhận ra nhu cầu đào tạo sau đại học khá lớn, trong bối cảnh Việt Nam bước vào con đường phát triển công nghệ cao. Không giống như các nước, ở Việt Nam mọi người học tiến sĩ phải làm thêm việc nào đó để lo bản thân gia đình; chỉ còn lại vài tiếng một ngày - thậm chí một tuần - để nghiên cứu, nên không thể đạt kết quả như kỳ vọng.

{keywords}
GS Vũ Hà Văn: "VinIF kỳ vọng, chương trình sẽ tạo tiền đề khuyến khích các học viên đi sâu làm nghiên cứu, góp phần chuẩn bị đội ngũ nhân sự khoa học công nghệ vững chắc cho Việt Nam trong tương lai"

"Do đó, chúng tôi muốn xây dựng một chương trình nhằm hỗ trợ, đảm bảo các điều kiện kinh tế căn bản để các học viên cao học, các nghiên cứu sinh xuất sắc chuyên tâm học tập, vững tâm đi theo con đường nghiên cứu khoa học. VinIF kỳ vọng, chương trình sẽ tạo tiền đề khuyến khích các học viên đi sâu làm nghiên cứu, góp phần chuẩn bị đội ngũ nhân sự khoa học công nghệ vững chắc cho Việt Nam trong tương lai".

GS Văn cho biết chỉ vài tháng sau khi có ý tưởng, chương trình đã hoạt động ngay, việc xét duyệt chỉ vài tháng và bây giờ giải ngân. "Đó là điều chúng tôi muốn giữ càng lâu càng tốt".

PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết hiện nay nhu cầu tiến sĩ làm giảng viên ở các trường đại học khá lớn; đó là chưa kể nhu cầu phát triển kinh tế xã hội hiện nay cần những nhà khoa học hay các chuyên gia không chỉ có bằng tiến sĩ mà có năng lực để sáng tạo sản phẩm, dịch vụ mới. Ông Sơn hy vọng việc “trả lương” cho các học viên, nghiên cứu sinh như thế này sẽ là cú hích để Nhà nước có những thay đổi về đầu tư cho đào tạo sau đại học ở các trường.Chương trình học bổng được khởi động từ tháng 3/2019, đến tháng 11 đã giải ngân học bổng cho trên 90% cho các học viên được lựa chọn. Chương trình sẽ tiếp sẽ tiếp tục được triển khai hàng năm với thời gian nhận hồ sơ từ 1/4 – 15/7.

Ngày 16/12/2019, Quỹ Đổi mới Sáng tạo VinIF (thuộc tập đoàn Vingroup) trao 160 suất học bổng thạc sĩ và tiến sĩ trị giá 23 tỷ đồng cho các sinh viên, nghiên cứu sinh trong lĩnh vực Khoa học Công nghệ (KHCN), Kỹ thuật và Y dược.

{keywords}
Các sinh viên nhận học bổng của chương trình.

160 học viên được trao học bổng là các sinh viên cao học, nghiên cứu sinh xuất sắc của các trường đại học trên cả nước. Các học viên đến từ nhiều lĩnh vực như toán học, vật lý, hóa học, công nghệ sinh học, y dược, khoa học máy tính, dữ liệu, công nghệ mô phỏng, tài nguyên môi trường, công nghệ thực phẩm, tự động hóa…Trong đó, nhiều học viên có thành tích học tập đặc biệt xuất sắc, đạt nhiều giải thưởng quốc gia, giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học. Một số học viên là sinh viên nghèo vượt khó, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên đạt kết quả học tập và thành tích nghiên cứu tốt.

Học bổng được cấp cho các học viên dưới 2 hình thức:  Hỗ trợ học tập (120 triệu  đồng/năm cho bậc học thạc sĩ và 150 triệu đồng/năm cho bậc học tiến sĩ) và Hỗ trợ công bố quốc tế (tài trợ chi phí đăng ký, đi lại, ăn ở dành cho học viên đã nhận học bổng hỗ trợ học tập có thể đăng ký, tham dự, báo cáo kết quả nghiên cứu tại hội nghị, hội thảo).

Tiêu chí nhận học bổng là các sinh viên cao học và nghiên cứu sinh phải có kết quả tốt nghiệp đại học đạt loại Khá/Giỏi cùng với giải thưởng, thành tích nghiên cứu KHCN trong vòng 2 năm trước khi nộp hồ sơ. Riêng học bổng hỗ trợ công bố quốc tế được xét cấp cho học viên cao học và nghiên cứu sinh có công trình nghiên cứu xuất sắc. Các học viên được chấp nhận trình bày tại hội thảo quốc tế chuyên ngành do tổ chức có uy tín tổ chức, có sự tham gia của các nhà khoa học được biết đến trong lĩnh vực nghiên cứu.

Quy trình tuyển chọn ứng viên là quy trình mở, cạnh tranh, minh bạch và hoàn toàn miễn phí. Hội đồng xét tuyển của Quỹ gồm hơn 40 giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học có tiếng tại các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam.

Hạ Anh

Trước đó, đầu năm 2019, Tập đoàn Vingroup đã công bố triển khai Chương trình cấp 1.100 “Học bổng Khoa học Công nghệ (KHCN) đào tạo Thạc sĩ - Tiến sĩ du học tại nước ngoài” cho các tài năng Việt Nam. Chương trình “Học bổng đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ trong nước” là một cấu phần của Đề án Hỗ trợ Đào tạo Nguồn lực KHCN Việt Nam của tập đoàn.

Hạ Anh