Như vậy lựa chọn của mỗi cá nhân trở nên dễ dàng hơn trước rất nhiều thay vì cứ học xong là phải ở nước ngoài mới thành công. Điều quan trọng nhất ở đây là tinh thần mình hướng về đâu.
Tôi cũng tin tưởng vào sức mạnh đến từ sự kết nối và sáng tạo tập thể. Thực tế đây là 2 trong 3 giá trị cơ bản của AVSE Global, mục tiêu đóng góp vào sự xây dựng, phát triển thịnh vượng của đất nước cho dù bạn đang ở bất cứ quốc gia nào. Bây giờ, cũng không có nhiều người đặt ra câu hỏi "về hay ở" khi kết thúc các chương trình nghiên cứu, học tập ở nước ngoài.
-Chính phủ gần đây đưa ra thông điệp rất mạnh về việc lôi kéo trí thức về nước. Theo đánh giá của anh, một cách thực tế thì các chính sách khuyến khích đang ở mức như thế nào?
Cơ bản tôi mong muốn có một chính sách quyết liệt hơn. Thu hút nhân tài không hẳn cần nhiều tiền, kinh nghiệm từ các quốc gia khác cũng như vậy. Có rất nhiều yếu tố tác động đến công cuộc thu hút nhân tài, trong đó có môi trường tốt, bài toán đủ hay và đủ tầm. Nhưng quan trọng hơn, các cơ quan, tổ chức trong nước phải thực sự cần người tài. Vì chỉ khi thực sự cần mới mạnh dạn sử dụng được.
Khi nói về thu hút nhân tài, chủ yếu chúng ta đang tập trung vào khu vực công chứ ít nói đến tư nhân. Không phải tư nhân không cần, không hút người tài, nhưng bản thân họ làm được. Hầu hết người Việt ra nước ngoài học tập, nghiên cứu, khi trở về đa phần làm cho tư nhân.
Tại sao vậy, bởi doanh nghiệp luôn phải cạnh tranh sống còn trên thương trường. Điều này buộc họ phải thực tế và hiệu quả trong công tác thu hút và sử dụng nguồn lực con người. Do đó, họ sẵn sàng thu hút nhân tài bằng mọi cách để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Khu vực công cũng có thể áp dụng cách tiếp cận như phía doanh nghiệp, nhưng tất nhiên ở cấp quốc gia cần chiến lược tổng thể.
Ví dụ Việt Nam có thể bắt đầu bằng việc thu hút những "cánh chim đầu đàn" trong những lĩnh vực mà đất nước coi là trọng điểm như trong đổi mới sáng tạo, trong phát triển khoa học công nghệ. Khi đưa được những người đầu ngành, có tầm ảnh hưởng này về, sử dụng họ hiệu quả, thì chính họ sẽ trở ngược lại thành những cầu nối, thu hút, đón thêm nhiều "đàn chim" về "xây tổ".
Lúc này câu chuyện thu hút người tài sẽ không chỉ đơn thuần là thu hút tài năng Việt mà là lôi kéo cả tài năng của thế giới đến làm việc ở Việt Nam. Đó là mục đích sâu xa hơn. Hãy cho thế giới thấy đến Việt Nam là có cơ hội làm việc với những người xuất sắc, những người say mê, có khát vọng... Khi chúng ta làm được điều đó thì sự trở về sẽ rất tự nhiên và lúc đấy, thực sự Việt Nam sẽ không cần phải đặt ra bài toán thu hút nhân tài nữa.
- Có một hiện tượng là với những thông tin tích cực của Việt Nam hay bị "ném đá", chỉ trích, bình luận tiêu cực... điều này không chỉ diễn ra với những người bình thường mà ngay cả nhiều người đi học nước ngoài, có học hàm học vị. Anh nghĩ sao về điều này?
Đây cũng là câu chuyện chung của nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả những nước phát triển. Ngay ở Pháp cũng thế thôi. Tôi thấy con người ai cũng dễ bị ảnh hưởng bởi những thông tin xấu, không tích cực.
Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, để phân định thông tin tích cực và không tích cực cũng không dễ dàng gì. Tôi thì chọn cách tiếp nhận tốt nhất có thể và chủ động làm việc để tạo ra thêm những thông tin tích cực mới.
Chỉ khi hành động như vậy tôi mới tạo ra được năng lượng tích cực và lan toả nó đến những người xung quanh. Như thế mới đóng góp thêm một phần sức của mình vào việc xây dựng xã hội tiến bộ và đi lên.
Mặt khác, đưa ra bình luận luôn là việc dễ dàng. Còn nếu mình làm để tạo ra câu chuyện tích cực, tốt cho bản thân và xã hội thì điều đó khó hơn rất nhiều. Và khi bắt tay vào làm, chúng ta mới bắt gặp những khó khăn để thực hiện được một việc tốt.
- Xuất phát từ điều gì khiến anh gắn bó với công việc kết nối các trí thức người Việt ở nước ngoài, ví dụ như AVSE Global hay Hội tài chính người Việt trên thế giới?
Điều này liên quan đến một mong muốn thường trực trong tâm trí tôi, là làm thế nào để Việt Nam đi lên, để tự hào về những gì mà chúng ta từng có được trong quá khứ. Dân tộc Việt Nam được thế giới thừa nhận là anh hùng, được đánh giá cao về sức sáng tạo, sự linh hoạt, năng động. Việt Nam cần có một vị trí tương xứng hơn.
Bên cạnh đó, cá nhân tôi tin rằng nếu muốn đi xa phải đi cùng nhau. Vậy nên để Việt Nam đi lên, điều quan trọng nhất là phải có bạn đồng hành. Khi có nhiều bạn đồng hành tốt, chỉ xét về mặt tâm lý thôi, con đường đã ngắn hơn rất nhiều. Đấy chính là kết tinh của trí tuệ tập thể, thứ tài sản sinh sôi, nảy nở mà không có giới hạn nào cả.
Câu chuyện phát triển luôn cần có sự tham gia của mọi người!
- Bên cạnh là Chủ tịch của AVSE Global, anh còn được biết đến nhiều hơn với vai trò là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Cảm giác của anh khi trở thành thành viên trẻ nhất của Tổ?
(Cười). Lúc đấy tôi không có cảm giác về chuyện này, không có cảm giác gì đặc biệt. Mong muốn của tôi là được làm nhiều thứ hơn nữa thông qua những công việc cụ thể như nghiên cứu, giảng dạy, tư vấn chính sách hay tham gia thúc đẩy một số chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm của đất nước, ví dụ như chuyển đổi số.
- Còn giờ thì sao?
Thấy mình trưởng thành hơn!
- Trở thành thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng, có ảnh hưởng đến công việc nghiên cứu của anh?
Khi tham gia Tổ tư vấn thì thời gian tôi dành cho nghiên cứu cơ bản cũng giảm đi. Nhưng ngược lại, trở thành thành viên của Tổ cũng giúp tôi hiểu sâu và rõ hơn những chính sách, bài toán phát triển đến từ thực địa. Từ đó, tôi nắm bắt được những thách thức của Việt Nam trong thời hội nhập, giai đoạn mà mỗi quốc gia phải tự định vị, phải có những cân nhắc chính sách nhằm ổn định vĩ mô.
Điều này mở ra cho tôi rất nhiều hướng nghiên cứu mới. Dần dần, các nghiên cứu cơ bản của tôi đi vào nhiều câu hỏi lớn về chính sách.
Ít thời gian cho nghiên cứu cơ bản hơn nhưng tôi được lợi rất nhiều về hiểu biết thực địa, cũng như có những vấn đề chính sách mới để phân tích, nghiên cứu.
Người Việt Nam có thể sánh bước công nghệ cùng thế giới như cách Viettel làm với 5G: đưa Việt Nam vào danh sách những quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai 5G.
- Những trường hợp người Việt định cư ở nước ngoài, như gia đình anh chẳng hạn, với các thế hệ sau, làm thế nào để các cháu luôn hướng về Việt Nam, nuôi dưỡng một khát vọng Việt Nam hùng mạnh như những lớp người đi trước?
Từ gia đình tôi, tôi thấy các cô giáo ở trường luôn nói rằng bố mẹ không cần lo lắng đến việc học của các cháu ở trường. Cái nên lo là làm sao truyền được tinh thần, giá trị bản sắc nguồn cội của các cháu. Đơn cử như việc làm thế nào để các cháu nói được tiếng Việt.
Quan niệm này trùng với chúng tôi. Chúng tôi tư duy rằng một cháu bé Việt Nam khi sinh ra ở nước ngoài sẽ giống như sản phẩm 2 trong 1: Việt Nam cộng với phần còn lại của thế giới.
Việc các cháu sử dụng 2 ngôn ngữ, học thêm, biết thêm về văn hoá không phải là khó nhưng mình phải kiên trì, phải hướng dẫn các cháu từ từ. Và khi đã khiến các cháu ý thức được bản sắc của mình, sự gắn kết với quê hương sẽ đến một cách tự nhiên. Chúng ta không thể làm gì một cách không tự nhiên được vì các cháu cũng là những bản thể riêng biệt, có quyền quyết định tư duy của chính mình.
Cảm ơn anh!
Phương Ánh
Tuấn Mark + NVCC