Theo ghi nhận thực tế, so với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến thông qua các các sàn giao dịch điện tử không những mở thêm cơ hội mới, giúp các HTX, người kinh doanh, hộ nông dân có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp các vùng miền đất nước, mà còn hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản thuận lợi hơn, tránh bị thương lái ép giá. Đặc biệt, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, cách thức tiêu thụ này rất phù hợp, mang lại hiệu quả cao.

Thu hoạch gạo Già Dui- Một trong các đặc sản của Hà Giang

Thời gian qua, việc gia nhập các sàn giao dịch điện tử giúp các sản phẩm OCOP của Hà Giang đến gần hơn với người tiêu dùng, góp phần từng bước thực hiện thành công chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp mà cấp ủy, chính quyền địa phương tại Hà Giang đề ra.

Xín Mần: Gắn mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc và đưa sản phẩm sạch lên sàn giao dịch điện tử

Là  địa phương có nhiều tiềm năng, nhiều sản phẩm đặc trưng, có giá trị kinh tế và sức cạnh tranh cao trên thị trường và được người tiêu dùng tin tưởng, đón nhận. Đây chính là lợi thế để huyện Xín Mần quan tâm, tập trung đầu tư, xây dựng thành các sản phẩm OCOP nhằm tăng giá trị, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương…

Năm ngoái, huyện Xín Mần xây dựng kế hoạch tham gia 4 sản phẩm OCOP, gồm: Lộc trà, Hồng trà, Nhất Shan tuyết trà và Thịt trâu héo. Hiện tại, huyện Xín Mần có 17 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm OCOP đạt 4 sao. 

Trước thực trạng dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, việc triển khai các hoạt động bán hàng thông qua trang thương mại điện tử được xem là xu hướng tất yếu, đảm bảo cho sản phẩm lưu thông ổn định hơn… Tuy nhiên, đây vẫn đang là hình thức mới đối với người dân, HTX trên địa bàn nên việc tiếp cận, quảng bá còn gặp nhiều hạn chế và thách thức đối với địa phương. Vì vậy, bên cạnh kênh kinh doanh truyền thống, thì cần phải thay đổi tư duy sản xuất bắt kịp với nhu cầu thị trường, trong đó khâu bán hàng, quảng bá sản phẩm trên không gian mạng luôn được quan tâm và đặt lên hàng đầu. 

 Sản phẩm OCOP của Xín Mần được giao dịch trên sàn thương mại điện tử

Để tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm trên môi trường mạng, huyện đã tiến hành rà soát toàn bộ sản phẩm nông - lâm nghiệp đặc trưng của địa phương, trước hết tập trung các sản phẩm OCOP trong việc định vị, định giá và khả năng cung ứng thị trường. Cùng với đó, hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp quảng bá hình ảnh sản phẩm trên các trang mạng điện tử. 

Bước đầu huyện đưa một số sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử như: AutoAgri.vn, Voso.vn; Portmart.vn. Cùng với sản phẩm chè của HTX Thương mại - Vận tải Tuấn Băng, một số sản phẩm OCOP của huyện như: Chè Chế Là, Chè Tuấn Băng, Trà Khổ qua rừng, Mật ong Thảo quả… cũng đã được ngành chuyên môn của huyện quảng bá và tiêu thụ trên sàn giao dịch điện tử.

Với mục tiêu nâng cao năng lực hoạt động, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông sản của các doanh nghiệp, HTX. Đồng thời, từng bước triển khai có hiệu quả tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP và các nhiệm vụ phát triển kinh tế số. Từ đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ bán hàng trực tuyến, đáp ứng nhu cầu thực tế người tiêu dùng, phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT - XH của huyện. Trên cơ sở đó, để đáp ứng yêu cầu của thị trường, Phòng Nông nghiệp chỉ đạo các chủ thể sản phẩm OCOP cải tiến công nghệ chế biến, quan tâm, chú trọng đến mẫu mã và chất lượng sản phẩm.

Thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát, đánh giá thực chất khả năng cung ứng sản phẩm ra thị trường và lựa chọn các sản phẩm chủ lực có thể tham gia mở rộng thị trường, từ đó hỗ trợ các chủ thể từ cách tiếp cận, tổ chức tập huấn, từng bước phát triển nâng cao giá trị các sản phẩm đặc trưng của huyện. 

Thời gian tới, huyện sẽ liên kết, hợp tác với Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) trong việc cải tiến mẫu mã các loại sản phẩm OCOP, đồng thời tiến hành tập huấn, bồi dưỡng cho các chủ thể OCOP để tiếp tục đưa các sản phẩm sạch, chất lượng tốt của địa phương lên  các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Đồng Văn: Xây dựng website chuyên quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng 

Huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) luôn xác định các sản phẩm OCOP đóng vai trò then chốt thúc đẩy phát triển KT - XH; giúp đồng bào vùng cao có thu nhập bền vững.

Vừa qua, huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến công Xúc tiến Công thương tỉnh mở “Gian hàng Việt trực tuyến” để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của địa phương trên thị trường thương mại điện tử; trong đó, đã lựa chọn được 16 sản phẩm chủ lực có nhãn mác, thương hiệu, giới thiệu tại gian hàng của tỉnh tại Quảng trường 26.3; tổ chức tập huấn vận hành gian hàng thương mại điện tử cho 7 HTX gồm: Po Mỷ, Hà An, Thành Đô, Bắc Nam, Sà Phìn A, Thành Công, Trường Anh.

Để chuẩn hóa các sản phẩm lợi thế theo tiêu chuẩn OCOP, huyện tích cực đẩy mạnh xây dựng thương hiệu; hỗ trợ xúc tiến thương mại, tổ chức rà soát các sản phẩm có thế mạnh, tiềm năng của địa phương, để tập trung xây dựng thương hiệu, bao bì phát triển thành sản phẩm OCOP như: Mật ong Bạc hà, phở Sâm khoai, bánh đá, đậu xị Phó Bảng, cà phê Tam giác mạch, bạch trà, hồng trà, chè xanh Lũng Phìn… 

Hiện nay 2 sản phẩm của Đồng Văn là mật ong Bạc hà Hà An Thành Ma Tủng và bánh đá Phố Bảng đạt OCOP 3 sao cấp huyện. 

Đặc sản bánh đá Phố Bảng

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 về phát triển thương mại trên địa bàn, thời gian qua, huyện Đồng Văn tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại, trong đó đặc biệt chú trọng việc tăng cường thực hiện phát triển giao dịch thương mại điện tử. 

Trên cơ sở đó, UBND huyện Đồng Văn rà soát, lựa chọn danh mục sản phẩm và doanh nghiệp, HTX có sản phẩm tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử; đồng thời phối hợp với Sở Công thương tổ chức lớp tập huấn vận hành gian hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử cho 7 HTX trên địa bàn nhằm nâng cao kỹ năng sử dụng gian hàng thương mại điện tử để quảng bá, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm nông sản địa phương. Đồng thời xây dựng 1 website chuyên quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của huyện đến với đông đảo người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử. Nhờ đó, đến nay, nhiều nông sản của huyện như mật ong Bạc hà, thịt khô, miến, gạo… đã và đang được tiêu thụ hiệu quả trên các sàn thương mại điện tử, được đông đảo người tiêu dùng trong cả nước biết đến.

Yên Minh