Hà Giang không chỉ được du khách yêu mến bởi những danh lam thắng cảnh hoang sơ, thơ mộng, kỳ vĩ mà đây còn là nơi hội tụ của nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống, lịch sử lâu đời. Tại Hà Giang Nông nghiệp hiện vẫn là ngành kinh tế quan trọng, giữ vai trò trụ đỡ trong nền kinh tế.

Trong sản xuất nông nghiệp, với những điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng, lượng mưa, những năm qua, tỉnh tập trung phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao và tổ chức sản xuất thành các sản phẩm hàng hóa đặc sản như: Cam Sành, chè Shan tuyết, Thảo quả, Hồng không hạt, Tam giác mạch, mật ong Bạc hà, lợn đen Lũng Pù, bò Vàng…

Những đặc điểm tự nhiên, phương thức canh tác độc đáo trong nông nghiệp để tạo nên các sản phẩm nông nghiệp đặc thù cùng với sự đa dạng về văn hóa ẩm thực… là những chất liệu để Hà Giang nâng tầm du lịch nông nghiệp.

Các sản phẩm nông nghiệp của đồng bào các dân tộc thiểu số Hà Giang thời gian qua đã được hình thành và phát triển với các mô hình sản phẩm độc đáo như: sản phẩm du lịch Ruộng bậc thang ở huyện Hoàng Su Phì; hoa Tam giác mạch ở 4 huyện vùng Cao nguyên đá; khám phá cây chè Shan tuyết cổ thụ trên đỉnh Tây Côn Lĩnh; trải nghiệm những vườn cam Sành ở Bắc Quang… Các sản phẩm du lịch nông nghiệp được khai thác đã đem đến nhiều cung bậc cảm xúc cho du khách, giúp họ có được trải nghiệm khác biệt; nhiều sản phẩm nông nghiệp cũng được kết nối, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ qua loại hình du lịch này.

381671907 642880391371293 8372916056946435188 n.jpg

Tỉnh cũng công nhận 5 tuyến du lịch, trong đó có kết nối các sản phẩm du lịch cộng đồng, như: Tuyến du lịch vòng cung phía Tây Hà Giang đi Cao nguyên đá Đồng Văn đến lòng hồ Bắc Mê; tuyến du lịch kết nối 4 huyện Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; tuyến du lịch tâm linh lịch sử “Thăm chiến trường xưa”... Các điểm du lịch nông thôn, cộng đồng sau khi được đầu tư và đi vào hoạt động cơ bản khai thác hiệu quả, thu hút được lượng khách lớn; bình quân năm, các điểm du lịch thu hút từ 2 – 45 nghìn lượt khách.

Được biết, Hà Giang đang hướng tới xây dựng mô hình du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN (hiện có 5 hộ tại thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ đã được chứng nhận giải thưởng ASEAN về homestay). Một số mô hình đang được đầu tư theo hướng chất lượng cao, hình thành hệ thống khu nghỉ dưỡng mini gắn với du lịch cộng đồng, như mô hình du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì), hay mô hình thu hút đầu tư hình thành tổ hợp dịch vụ du lịch cộng đồng tại thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc)…

Để phát triển ngành Du lịch nói chung và sản phẩm du lịch nông nghiệp nói riêng, Hà Giang đã ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách để triển khai, thực hiện, điển hình trong đó có Nghị quyết số 11 năm 2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch số 43 năm 2022 của UBND tỉnh về phát triển sản phẩm du lịch giai đoạn 2022 – 2025; Nghị quyết số 10 năm 2023 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đến năm 2028 trên địa bàn tỉnh.

Với những chủ trương, chính sách của tỉnh, loại hình du lịch nông nghiệp đang từng bước phát triển, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách đến Hà Giang. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển du lịch nông nghiệp còn nhiều hạn chế cần khắc phục, đó là: Phần lớn các hoạt động du lịch nông nghiệp và du lịch nông nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; quy hoạch và kết cấu hạ tầng về du lịch chưa thực sự đồng bộ; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa đủ sức cạnh tranh với thị trường du lịch ngày một phát triển của các tỉnh trong khu vực; nguồn thu nhập của người dân địa phương từ loại hình du lịch nông nghiệp còn hạn chế, phần lớn chi tiêu của du khách đối với du lịch nông nghiệp chỉ dừng lại ở sử dụng dịch vụ lưu trú, mua vé tham quan, ăn uống mà chưa có nhiều dịch vụ bổ trợ…

Thực tế cho thấy, để phát huy hiệu quả của loại hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm cần sự phối hợp của các ngành liên quan như xây dựng lịch gieo trồng các loại cây lương thực chủ yếu, phương thức canh tác để tạo nên sản phẩm nông nghiệp an toàn cho tiêu dùng và khách du lịch….

Yên Minh