Là tỉnh vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn, công tác lập quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được triển khai nghiêm túc, công phu, bài bản, đến nay quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đang được tỉnh chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện.
Trong ba khâu đột phá (nhiệm kỳ 2021-2025), ngành nông nghiệp được giao chủ trì, phối hợp với các sở ngành, địa phương triển khai thực hiện hai khâu đột phá đó là: tạo sinh kế, nâng cao vật chất, tinh thần cho người dân; phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị.
Tỉnh phát triển nông nghiệp theo hai trục chính. Trục thứ nhất, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm với các nhóm cây lương thực, thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày. Nghiên cứu chuyển đổi một phần diện tích trồng ngô tại bốn huyện phía bắc sang trồng cây khác có giá trị cao hơn. Trục thứ hai là ưu tiên thúc đẩy phát triển một số chuỗi sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc hữu chất lượng cao theo chuỗi giá trị.
Để thực hiện thắng lợi nghị quyết, tỉnh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, kế hoạch thực hiện cụ thể. Cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính từ tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện đi vào cuộc sống, tạo ra giá trị, thu nhập cho người dân và nhận được sự đồng thuận của đại bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.
Tuy nhiên, tỉnh vẫn gặp những khó khăn, thách thức như điều kiện tự nhiên, địa hình, khí hậu phức tạp; biến đổi khí hậu đang tác động ngày một nhanh hơn; thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt trầm trọng, nhất là đối với bốn huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn; cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ, đầu tư lớn.
Giao thông khó khăn, hiện chỉ có duy nhất một tuyến đường bộ kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của đất nước. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, chuyển đổi số vào sản xuất còn nhiều hạn chế; chưa tạo ra được sự bứt phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp đối với cây trồng, vật nuôi đặc trưng, đặc sản.
Năm 2024, Hà Giang đặt ra mục tiêu huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tập trung thực hiện 3 đột phá và 5 nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là các dự án trọng điểm như đường cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang và các tuyến đường giao thông liên kết vùng.
Tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm.