Còn một số khó khăn cần tháo gỡ

Thời gian qua, các chương trình, chính sách phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Hà Giang đã đem lại kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân tại địa phương. Hiện đã có nhiều sản phẩm của khu vực này đã được đưa vào hệ thống phân phối hiện đại. 

Tuy nhiên, một số sản phẩm của tỉnh có quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, năng suất thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế để phát triển trở thành hàng hóa đặc trưng. Nhiều sản phẩm đặc hữu có chất lượng tốt, nhưng chủ yếu vẫn tiêu thụ ở dạng thô hoặc mới qua sơ chế, dẫn đến giá trị sản phẩm không cao, khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Các hình thức liên doanh, liên kết hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp chưa cao, chưa bền vững. Công tác ứng dụng thương mại điện tử trong quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm trong doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do chưa quy hoạch được vùng sản xuất tập trung quy mô lớn.

W-anhminhoa-2.png
Thưởng thức chè San Tuyết Hà Giang

Bên cạnh đó, nhận thức về sản xuất hàng hóa, trình độ canh tác, liên kết sản xuất của người dân còn hạn chế (chủ yếu sản xuất những thứ mình có, chưa chú trọng đến những sản phẩm thị trường cần); Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật chưa tác động mạnh vào sản xuất.

Một số hợp tác xã, đơn vị sản xuất, kinh doanh chưa thể hiện rõ trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm (chưa tuân thủ các hướng dẫn về quy trình sản xuất, thu hái, bảo quản...) dẫn đến chất lượng không đảm bảo, ảnh hưởng đến công tác xúc tiến thương mại và giữ vững thương hiệu cho sản phẩm.

Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, thiếu nguồn vốn, nguồn nhân lực nên chưa mạnh dạn ứng dụng Công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh (đa phần các doanh nghiệp, đơn vị không có nhân viên quản trị mạng, dữ liệu công nghệ thông tin, quản trị các sản phẩm, gian hàng của mình trên sàn giao dịch, dẫn đến khó khăn, hạn chế trong việc tiếp nhận các thông tin, đơn hàng và giải quyết đơn hàng cho khách hàng).

Hầu hết các hộ nông dân đều thiếu năng lực tiếp cận thị trường, sản xuất theo kinh nghiệm và dựa vào những tính toán chủ quan về thị trường.

Hàng nông sản của tỉnh mới chỉ tham gia được vào các khâu: trồng trọt, thu gom, sơ chế và xuất khẩu sản phẩm thô, là những khâu có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị hàng nông sản. Ở những khâu có giá trị gia tăng cao như: nghiên cứu và phát triển, chế biến, phân phối (bán lẻ) và marketing… Hà Giang vẫn chưa tham gia được hoặc mức độ tham gia còn rất thấp.

Các khâu thu gom, chế biến, tiêu thụ nông sản chưa hoàn chỉnh và thiếu bền vững, nhiều cấp trung gian. Nông dân chủ yếu bán nông sản cho các thương lái, đại lý thu mua. Mặt khác, do khâu thu gom và chế biến chưa được thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật nên chất lượng nông sản chưa cao, giá thành thấp.

V.v...V.v...

Phát triển bền vững các sản phẩm OCOP chủ lực theo hướng hàng hóa

Nhằm phát triển bền vững các sản phẩm chủ lực theo hướng hàng hóa, thời gian qua Hà Giang đã đề ra các chính sách thúc đẩy. Bên cạnh đó, tỉnh đã từng bước tạo ra những đột phá nhằm phát triển ổn định và bền vững đối với các sản phẩm OCOP theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm.

Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã tạo ra các sản phẩm đặc thù mang tính thương hiệu của địa phương. Ngoài ra, Chương trình OCOP đã khai thác được các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong tỉnh nhằm chuyển hướng sản xuất từ chiều rộng sang chiều sâu, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực có chất lượng cao, góp phần nâng cao hiệu quả của quá trình sản xuất và phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa.

Ông Hoàng Gia Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang - cho biết: Hiện nay, các sản phẩm mang tính đặc thù của tỉnh như: Mật ong Bạc hà Mèo Vạc, cam sành, bò vàng, hồng không hạt Quản Bạ, lợn đen Lũng Pù huyện Mèo Vạc, rượu Mã Pì Lèng hạ thổ… đã được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý.

Bên cạnh đó, để phát triển bền vững các sản phẩm đặc trưng, UBND tỉnh cũng đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh phối hợp xúc tiến đầu tư khoa học kỹ thuật nhằm không ngừng nâng cao chất lượng của sản phẩm và liên kết mở rộng sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm đặc thù của tỉnh…

Nhóm PV