Cụ thể, điểm số PCI của tỉnh Hà Giang năm 2022 là 64,39 điểm, đứng vị trí thứ 41/63 tỉnh/thành phố; đứng thứ 7/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, sau các tỉnh: Bắc Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Kạn.
Đây là kết quả tốt nhất mà tỉnh Hà Giang đạt được trong những năm qua.
Để cải thiện được chỉ số như trên, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như xây dựng kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính; thường xuyên đối thoại, lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp để giải quyết kịp thời những vướng mắc…
Đối với Chỉ số “Thúc đẩy thực hành xanh”, Hà Giang xếp thứ 4 trong những tỉnh trên mức trung vị. Xếp thứ 29/32 tỉnh/thành phố về chỉ số “Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường”. Xếp thứ 18 tại bảng Chỉ số “Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của BĐKH”. Có thể thấy, thời gian qua, chính quyền tỉnh đã thực hiện các dịch vụ, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi. Đồng thời triển khai các giải pháp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, như tổ chức các đợt tuyên truyền giáo dục người dân về các vấn đề môi trường, khuyến khích người dân áp dụng các biện pháp thân thiện với môi trường; siết chặt các quy định môi trường về xả thải, cấp phép xả thải đối với doanh nghiệp.
Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI là kết quả của nỗ lực hợp tác liên tục và bền bỉ kể từ năm 2005 tới nay giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam. Khảo sát PCI là kênh chuyển tải hiệu quả ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường kinh doanh tại các địa phương.
Báo cáo đánh giá dựa vào việc điều tra thường niên trên 8.000 doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong nước, trên 2.000 doanh nghiệp mới thành lập, gần 1.300 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các dự liệu khác liên quan.
Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: Chi phí gia nhập thị trường thấp; Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; Chi phí không chính thức thấp; Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; Môi trường cạnh tranh bình đẳng; Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; Chính sách đào tạo lao động tốt; Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì.
Dù đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức trong năm 2023, nhưng hy vọng PCI năm 2023 của tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục vươn lên xếp hạng tốt hơn.