Hà Giang- vùng "phên giậu" vững chắc của Tổ quốc

Hà Giang có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh với diện tích tự nhiên gần 8 nghìn km2, dân số trên 900 nghìn người, gồm 19 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 88% dân số. 

Là nơi địa đầu của Tổ quốc với truyền thống lịch sử hào hùng về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; có địa hình hùng vĩ, tươi đẹp với nhiều tiềm năng, nhất là về phát triển du lịch như Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, dòng sông Nho Quế, núi đôi Quản Bạ, một trong tứ đại đỉnh đèo - đèo Mã Pí Lèng…

hagiang.png
Hà Giang hoàn toàn có thể phát triển nhanh, xanh, bền vững, là "phên giậu" vững chắc của Tổ quốc.

Về tiềm năng nông nghiệp, Hà Giang có diện tích đất rừng lớn với tỉ lệ che phủ rừng đạt gần 59%, có tiềm năng về mua bán tín chỉ carbon; có tính đa dạng sinh học cao với gần 1.500 loài thực vật; hơn 460 loài động vật với trên 100 loài động vật trong sách đỏ và trên 100 loài thực vật quý hiếm. 

Tỉnh có nguồn dược liệu đa dạng, phong phú (trên 1.100 loài cây thuốc, trong đó có nhiều loại cây thuốc quý). Có hệ thống sông, suối dày đặc; diện tích hồ gần 8.900 ha.

Về tiềm năng công nghiệp, tỉnh nhiều sông thuận lợi cho phát triển thủy điện; tài nguyên khoáng sản đa dạng, một số khoáng sản có trữ lượng tương đối lớn như quặng sắt, quặng chì, kẽm, quặng mangan, quặng antimon…

Về tiềm năng du lịch, Hà Giang có thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, môi trường trong lành, nhiều địa điểm đã được biết đến nhiều trong nước, quốc tế  như cao nguyên đá Đồng Văn - công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của đất nước; sông Nho Quế, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, cổng Trời, núi đôi Quản Bạ, Mã Pì Lèng - một trong "tứ đại đỉnh đèo" đẹp nhất của Việt Nam, cột cờ Lũng Cú... Hà Giang là điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á 2023 do World Travel Awards bình chọn. 

Gìn giữ, phát huy bản sắc và các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đặc trưng của các dân tộc Hà Giang
Đổi mới công tác quản lý và phát triển văn hóa, bảo đảm yêu cầu phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị; chú trọng triển khai tổ chức thực hiện Đề cương văn hóa Việt Nam và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển văn hóa với tinh thần “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, dân tộc, khoa học, đại chúng; nghiên cứu phát triển văn hóa số, công nghiệp văn hóa; gìn giữ, phát huy bản sắc và các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đặc trưng của các dân tộc Hà Giang, thay đổi và tiến tới xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp.

Hà Giang nay đã thay đổi tích cực về vị thế và diện mạo

Trong thời gian qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực hiện 08 lời căn dặn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người lên thăm Hà Giang năm 1961.

Nhờ đó, Hà Giang nay đã thay đổi tích cực về vị thế và diện mạo, đạt được nhiều kết quả nổi bật, quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hợp tác quốc tế; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, góp phần vào thành tựu chung của đất nước.

Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế của Tỉnh năm 2022 đạt tốc độ tăng trưởng 7,62%, quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người đều tăng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,8%, du lịch và dịch vụ phục hồi tốt, lượng khách du lịch năm 2022 bằng 2,4 lần so với năm 2021;...

Năm 2022, tỉnh đạt và vượt 29/36 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu. GRDP tăng 7,62% (vượt mục tiêu đề ra là 7,5%); GRDP bình quân đầu người tăng 3,66 triệu đồng. Thu ngân sách Nhà nước vượt 32,7% dự toán. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 18,5%.

Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch tích cực, năng suất, chất lượng được nâng lên; các cây trồng chủ lực (như cam, chè...) phát triển theo hướng tiêu chuẩn, chất lượng cao. Giá trị sản phẩm trồng trọt bình quân/ha đất canh tác năm 2022 ước đạt 59,5 triệu đồng/ha, tăng 3,3 triệu đồng/ha so với năm 2021.

Công nghiệp tăng trưởng tốt; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 16,8%; có thêm 6 dự án thủy điện đi vào hoạt động. Dịch vụ, du lịch phục hồi tốt; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng gần 20,6%; đón 2,2 triệu lượt khách du lịch, gấp 2,4 lần năm 2021. Cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện.

Năm 2023 có nhiều điểm sáng

Trong những tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh có nhiều điểm sáng. GRDP quý I tăng trưởng dương (đạt 2,65%). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng gần 18,3% so với cùng kỳ.

Nông nghiệp tiếp tục khởi sắc. Dịch vụ, du lịch tiếp tục phục hồi; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng tăng gần 17,2%, tổng lượng khách du lịch tăng 26% so với cùng kỳ.

Công tác lập quy hoạch được triển khai đảm bảo tiến độ. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông từng bước được hoàn thiện, dự án cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang được khởi công.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động được quan tâm; chính sách cho đồng bào dân tộc, giảm nghèo được triển khai đồng bộ; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,4%/năm trong giai đoạn 2021-2022. Hà Giang là một trong 3 tỉnh được Trung ương bố trí nguồn vốn lớn nhất để để triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Thùy Chi và nhóm PV, BTV