Nhằm tăng cường giám sát, đánh giá thực hiện chương trình, nâng cao năng lực xây dựng nông thôn mới, truyền thông về xây dựng nông thôn mới; đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua Cả nước xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hà Giang đã có nhiều giải pháp quan trọng. Trong đó có giải pháp làm mới, sáng tạo cách thức truyền thông phong phú, hiệu quả hơn.
Điển hình như Hội thi “Tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023” do Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Giang phối hợp với UBND huyện Bắc Quang tổ chức tại xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang ngày 27/9.
Tại Hội thi, mỗi tiết mục được các đội thi xây dựng công phu, bài bản, phong phú từ nội dung đến cách thể hiện, trang phục trình diễn. Các thông điệp tuyên truyền được lồng ghép khéo léo, nhấn mạnh vào kết quả triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương, sự tích cực của các chủ thể xây dựng nông thôn mới với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Với hình thức sân khấu hóa trong tuyên truyền, những thông tin, thông điệp về phong trào xây dựng nông thôn mới trở nên gần gũi, dễ hiểu hơn với người dân.
Nội dung của Hội thi cũng được thiết kế rất đa dạng, phong phú. Ngoài những tiết mục chào hỏi ấn tượng mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc vùng biên, các đội thi sẽ tham gia phần thi tìm hiểu về chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong Chương trình mục tiêu quốc giá xây dựng nông thôn mới và phần thi đoán ý đồng đội...
Loại hình tuyên truyền bằng các tiểu phẩm, bài hát, bài ca không mới nhưng lại có nét mới khi áp dụng vào lĩnh vực dân vận. Các đội dự thi không chuyên nghiệp nhưng mang đến nhiều tiểu phẩm chất lượng, tạo hiệu quả tuyên truyền cao. Từ diễn viên, cách bày trí sân khấu, đến đạo cụ… mang đậm bản sắc văn hoá Cao nguyên đá đều được các đội chuẩn bị rất chu đáo.
Theo ông Đỗ Tấn Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Giang, Hội thi "Tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023" nhằm cổ vũ tinh thần của nhân dân về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giúp cho cán bộ, công chức và nhân dân nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Các tác phẩm đến từ các thôn của xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang đã tạo nên không khí sôi động, vui tươi. Từ đó giúp người dân hiểu rõ vai trò của cộng đồng là chủ thể xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, phát huy nội lực là yếu tố quyết định thành công của chương trình, tự tin đứng lên làm chủ; tự giác tham gia và sáng tạo trong tổ chức thực hiện, sau khi hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tiếp tục duy trì giữ vững và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Với nhiều giải pháp thiết thực và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng sự chung sức, đồng lòng của người dân, mặc dù là tỉnh khó khăn nhất cả nước nhưng sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hà Giang đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.
Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận. Nhiều mô hình mới, cách làm hay, tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất hiện, mang ý nghĩa động viên, cổ vũ rất lớn, góp phần tạo nên những thành công trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hà Giang.
Trong đó, hệ thống dân vận, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tăng cường tuyên truyền sâu rộng trên phương tiện truyền thông đại chúng; vận động nhân dân tham gia phong trào "Hà Giang chung sức xây dựng nông thôn mới", chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vệ sinh cảnh quan môi trường và các tiêu chí khác, gắn với thực hiện phong trào, cuộc vận động của địa phương.
Đặc biệt, việc thay đổi cách thức tuyên truyền nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả việc tập hợp, thu hút đông đảo tập thể, cá nhân ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tham gia đóng góp, vận động nguồn lực, tự nguyện hiến đất, ngày công lao động, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.
Qua hội thi, mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân sẽ trở thành một tuyên truyền viên xuất sắc, tích cực và am hiểu, cùng chung tay với các cấp, ngành tham gia xây dựng nông thôn mới. Từ đó, phát hiện được nhiều gương điển hình, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo để tuyên truyền, nhân rộng, góp phần thi đua thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội.
Hà Giang xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có điểu khởi đầu, không có điểm kết thúc. Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Hà Giang phấn đấu đưa 35 xã và huyện Bắc Quang, Quang Bình về đích huyện nông thôn mới; 6 xã nông thôn mới nâng cao; 02 xã nông thôn mới kiểu mẫu và bình quân cả tỉnh đạt trên 16 tiêu chí/xã vào năm 2025. Vì vậy, công tác tuyên truyền có ý nghĩa rất quan trọng góp phần hoàn thành mục tiêu đề ra.
Quỳnh Nga