Chưa bàn đến hiệu quả của quy định xử phạt tiền về hành vi lăng mạ, chì chiết vợ nhưng nhiều cặp vợ chồng lại cho rằng, quy định này khiến họ rơi vào tình trạng dở khóc dở cười.

“Thế là há miệng mắc quai !”

Chị Hoàng Minh Ngọc, kế toán tại công ty Cổ phần Hưng Nhân (Hoàng Mai – Hà Nội) đã nói như vậy khi biết nghị định xử phạt bắt đầu có hiệu lực ngày 28/12.

{keywords}
ảnh minh họa

Theo chị Ngọc, chồng chị, bình thường là người rất hiền lành, ít nói, nhưng mỗi khi có chuyện bức xúc, anh thường tìm đến nhậu nhẹt với bạn bè, sau đó, trở về mắng nhiếc, thậm chí là đánh đập vợ con. Vì vậy, chị thường hay nhờ bà tổ trưởng dân phố, cũng là chỗ quen biết đến để nhắc nhở và giảng hòa giữa 2 vợ chồng. “Tuy nhiên, bây giờ thì chẳng dám như vậy nữa, vì trong gia đình, mình là người nắm giữ kinh tế” – chị Ngọc nói.

Vẫn theo chị Ngọc, hàng tháng, mỗi lần lĩnh lương được bao nhiêu tiền, chồng chị đều “giao nộp” hết cho vợ. Sau đó, mỗi tuần chị sẽ tự động bỏ vào ví chồng một số tiền nhất định để anh tiêu vặt. Còn lại, tất cả các khoản chi tiêu trong gia đình, chị là người đứng ra chi trả.

“Vì thế, nếu chồng có bị xử phạt về tội mắng chửi vợ thì người đứng ra trả tiền, chắc chắn sẽ không có ai khác ngoài vợ. Mà như thế thì khác nào, vợ phải trả tiền cho những câu mắng chửi của chồng. Nên nếu không muốn mất tiền, chỉ chỉ còn cách “ngậm tăm” mà nghe chồng chửi chứ chẳng dám nhờ đến chính quyền, hay tổ dân phố can thiệp như trước nữa” – chị Ngọc ấm ức nói.

Chị T. Quyên (Bạch Mai, Hà Nội) cho rằng, quy định phạt tiền chuyện vợ chồng chửi nhau là khó thực hiện bởi “chẳng ai dại bị ăn chửi lại mất tiền nộp phạt cho phường”.

“Chồng chửi vợ thì vợ ghi âm rồi mang ra phường để phường vào thu tiền chồng hay là hai vợ chồng chửi nhau, cùng rủ nhau ra phường nộp mỗi người 1 triệu? Trừ khi là vợ chồng ghét nhau, muốn bỏ nhau chứ dại gì mang ra phường đề đi nộp phạt chơi. Nếu quy định chồng đánh vợ thì có lẽ hợp lý hơn”, chị chia sẻ.

Cuộc sống vợ chồng khó tránh khỏi những lúc cơm không lành, canh không ngọt, những lúc này chồng chị Quyên cũng là người hay chửi. Nhưng theo chị, bỏ tiền ra nộp phạt cũng sẽ không hạn chế được thói xấu này của chồng mà chỉ tổn hại đến kinh tế gia đình.

Chị Ngọc Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho rằng việc đánh vào kinh tế để hạn chế chuyện vợ chồng chửi nhau là rất khó thực hiện. Chồng chị cũng là người khá ngoa ngoắt khi bực tức, nhưng chị cũng sẽ chẳng dại móc tiền túi ra nộp phạt vì thói xấu này của chồng. “Chồng mình nghe xong mới bảo tiền sữa của con đấy, bu nó mang lên phương mà nộp phạt. Đấy, của chồng, công vợ. Một người chửi, bị phạt tiền thì cả nhà đều thiệt”, chị nói.

Theo chị, có thể thay phạt tiền bằng hình thức phạt công ích hoặc phạt tù sẽ hiệu quả hơn.

“Bỏ ra 1 triệu mà được chửi vợ thoải mái thì đơn giản quá !”

Cùng chung sự ấm ức như chị Ngọc, chị Hoài Anh (làm lễ tân tại công ty Thẩm định giá xây dựng – Cầu Giấy – Hà Nội) cũng cho biết, 2 vợ chồng chị đã giận dỗi nhau suốt từ 3 ngày nay, mà nguyên nhân là do cái nghị định xử phạt trên.

{keywords}
ảnh minh họa

Chị Anh kể: “Sáng hôm đó, tình cờ lên mạng, đọc được bài báo nói về việc chồng chửi mắng vợ sẽ bị phạt 1 triệu đồng, mình thấy vui vui, nên gửi luôn cho chồng đọc. Ai dè, anh ấy đọc xong, phán một câu xanh rờn bảo, “thế này thì đơn giản quá, bỏ ra có 1 triệu mà được chửi vợ thoải mái”.

Xong rồi, anh ta còn được đà phân tích các kiểu, nào là, có 1 triệu mà được chửi thoải mái thì khác nào nói danh dự của người phụ nữ quá rẻ mạt; nào là, sau nghị định này, chắc nhiều đàn ông sẽ tiết kiệm tiền để những lúc bực tức có thể tha hồ xả lên đầu vợ mà cũng chỉ mất có 1 triệu đồng, rẻ hơn hẳn so với việc rủ bạn bè đi nhậu nhẹt; rồi thì, nếu anh có lỡ lời to tiếng với em, anh sẽ tự bỏ ra 1 triệu để nộp cho em, còn em thì không được giận dỗi hay cãi lại nữa nhé...”.

“Mình nghe vậy thì ức chế, thế là vợ chồng cãi nhau, rồi giận nhau đến nay là 3 ngày rồi mà vẫn chưa ai chịu làm lành” – chị Hoài Anh tâm sự.

“Chì chiết vợ bị phạt, thế nếu vợ ngoại tình thì ngồi cười à?”

Anh Nguyễn Trung Đức – kỹ sư xây dựng Hà Nội, bức xúc nói.

Theo anh Đức, nghị định xử phạt trong trường hợp chồng mắng chửi, chì chiết vợ như trên đã nói là không chặt chẽ. Bởi trong nhiều trường hợp, người vợ làm những chuyện không đúng, chẳng lẽ chồng cứ phải im lặng, hay cười với vợ thì mới là phải?

“Đành rằng, về lý thuyết, nghị định xử phạt tiền về hành vi lăng mạ, chì chiết vợ mang một ý nghĩa rất nhân văn, nhằm giúp cho những người vợ trong gia đình thoát khỏi cảnh bạo hành bằng tinh thần của chồng. Nhưng, nhưng trong thực tế, không phải cái nào cũng có thể rập khuôn rồi đè ra để xử phạt được” – anh Đức nói.

Minh Minh - Kim Minh

Khó thực thi

Theo Chuyên gia tâm lý học Trịnh Trung Hòa, quy định xử phạt này khó thực thi. Tâm lý người Việt thường không muốn “vạch áo cho người xem lưng”, hay một số nơi còn quan niệm vợ bị chồng mắng, chửi mà còn đi báo với cơ quan chức năng là “hư” bởi suy nghĩ “xấu chàng hổ ai”. Chuyện chửi nhau không có bằng chứng nên khó thực thi.

Chuyên gia Trịnh Trung Hòa nêu dẫn chứng thực tế cho thấy có người chồng đánh vợ nhiều lần nhưng không làm ra tiền, chỉ có uống rượu, say sưa suốt ngày. Trong trường hợp đó, nếu theo quy định này mà đưa ra cơ quan chức năng thì người chồng cũng không có tiền nộp phạt, người vợ lại phải lấy bỏ tiền túi ra nộp phạt.

Chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng, Nghị định này là phù hợp các chuẩn mực, rất đáng được hoan nghênh, xét về lâu dài là cần thiết. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cần có lộ trình để thực hiện. Bên cạnh phạt tiền cung cần tính đến các hình thức khác, chả nhẽ ở đâu cũng lắp camera để ghi lại việc chồng chửi vợ hay vợ chửi chồng.

Theo chuyên gia Trịnh Hòa Bình, dư luận xã hội phải đóng vai trò hết sức quan trọng, lên án việc chửi vợ hoặc chồng, đánh nhau trong gia đình để ngăn chặn và chấm dứt hành vi đó, để mỗi cá nhân thực hiện đúng quy định.

Sẽ có thông tư hướng dẫn xử phạt

Đại tá Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế Bộ Công an, cho biết sắp tới, Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII - Bộ Công an) sẽ xây dựng thông tư hướng dẫn việc xử phạt theo Nghị định 167. Ông Quân khẳng định hầu hết các quy định xử phạt trong nghị định này không hề mới mà đã được Chính phủ quy định khá lâu.

Theo ông Quân, các chế tài được nêu trong Nghị định 167 đều rất văn minh. Nếu lực lượng chức năng địa phương xử lý nghiêm sẽ dần giúp hình thành những thói quen tốt trong người dân. Nguyên tắc khi xây dựng luật là phải bảo đảm đầy đủ các hành vi vi phạm đều có xử lý. Nếu không, khi sự việc xảy ra như vợ chồng, hàng xóm cãi, chửi nhau và có đơn thư kèm theo bằng chứng gửi đến cơ quan công an mà không có chế tài, xử lý thì lại bị cho là pháp luật có kẽ hở.
  Thu Thủy (TH)