- Khi chuyển đến BV Bạch Mai, cả 7 bệnh nhân đều trong tình trạng rất nặng, có trường hợp mất thị lực, ngừng tuần hoàn.
Chiều nay, BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách TT Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, cả 7 bệnh nhân đều ngộ độc rượu methanol, trong đó trường hợp cao nhất lên tới 500 mg/dL, trong khi ở mức 20 mg/dL đã là rất nặng, phải lọc máu.
Cả 7 bệnh nhân đều uống rượu tại Hà Nội. Trong đó 2 người ngộ độc do uống cồn y tế, một ca chủ ý uống rượu pha cồn công nghiệp và 5 ca do uống rượu trôi nổi không rõ nguồn gốc.
7 bệnh nhân được chuyển đến BV Bạch Mai trong tình trạng rất nặng, trong máu nhiều axit, tụt huyết áp, giảm thị lực, có người mất thị lực, hôn mê, ngừng tuần hoàn.
Sau khi nỗ lực cấp cứu, 1 bệnh nhân đang hồi phục tốt, có người đang đà hồi phục, 3 trường hợp khác nhiều khả năng để lại di chứng sau hôn mê kéo dài.
Vợ bệnh nhân Lê Văn T. (48 tuổi, Vĩnh Phúc) cho biết, ngày 25/2 vừa qua, chồng chị từ Hà Nội về nhà không có dấu hiệu gì đặc biệt, nhưng đến sáng hôm sau khi ngủ dậy thấy đau đầu, mắt không nhìn thấy gì rồi lịm dần, được chuyển vào BV 105 Sơn Tây, Hà Nội cấp cứu với hàm lượng methanol lên tới gần 50mg/dL.
BS Nguyên cho biết, những ca uống cồn y tế vì hiểu nhầm tai hại rằng dùng được trong y tế cũng uống được, những ca còn lại ngộ độc do uống nhầm rượu methanol.
Đáng tiếc, đến nay vẫn chưa thể phân biệt được rượu chứa cồn công nghiệp methanol và rượu tự nấu khiến con số nhập viện vì ngộ độc loại hoá chất này ngày càng tăng.
Theo BS Nguyên, methanol khi vào cơ thể sẽ chuyển hoá thành chất độc hơn. Khi vào sẽ ngấm từ từ, không phát tác luôn, nhanh thì 1-2 ngày, nếu uống lượng nhỏ có thể tích tụ 1-2 tuần sau mới có biểu hiện ngộ độc.
“Những trường hợp 1-2 tuần sau mới nhập viện thì đã quá muộn do hôn mê sâu, tổn thương não, hoại tử não – nặng hơn ở cả tai biến mạch máu não, nguy cơ tử vong rất cao” - BS Nguyên nói.
Với những trường hợp hôn mê kéo dài, nguy cơ để lại các di chứng gây mù loà, điếc rất lớn.
Thúy Hạnh