Thành phố Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế… của cả nước với tốc độ gia tăng dân số cơ học nhanh nên công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội cũng khó khăn hơn so với các địa phương khác. Từ thực tiễn đó, thành phố Hà Nội luôn coi trọng công tác bảo đảm an ninh - quốc phòng, đồng thời củng cố nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, có sức chiến đấu cao. 

Tháng 5 năm ngoái, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thực hiện hiệu quả “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

Cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng đoạn Hà Nội, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh

Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TƯ ngày 25-10-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” từ năm 2013 đến nay trên địa bàn thành phố Hà Nội, bằng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện với các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể phù hợp với cấp ủy Đảng các cấp, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 28-NQ/TƯ (khóa XI). 

Cùng với đó là phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, tích cực tham gia bảo vệ Tổ quốc, giữ vững độc lập chủ quyền, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến sâu rộng đến các cấp, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu, nhận thức về mục tiêu, quan điểm, phương châm chỉ đạo và tầm quan trọng trong thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Qua đó đã tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng, nhận thức, hành động trong toàn Đảng bộ và nhân dân Thủ đô về tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp.

Về mục tiêu, phương châm chỉ đạo trong thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra.

Cùng với đó là bảo vệ vững chắc thành quả sự nghiệp đổi mới, bảo đảm tuyệt đối an toàn các hoạt động, các sự kiện lớn của đất nước và Thủ đô; giữ vững ổn định an ninh chính trị trong mọi tình huống. Đồng thời, tiếp tục củng cố, phát huy sức mạnh quốc phòng toàn dân; xây dựng nền quốc phòng - an ninh theo hướng toàn dân, toàn diện, đủ sức ngăn chặn, đẩy lùi mọi âm mưu, hành động chống đối, phá hoại của các thế lực thù địch.

Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới do Thành ủy Hà Nội tổ chức mới đây, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị Hà Nội quán triệt sâu sắc quan điểm: "Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần và bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên".

Từ đó, tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ Đảng viên về yêu cầu xây dựng bảo vệ đất nước, chủ động đấu tranh phòng ngừa, làm thất bại diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, tấn công trấn áp các loại tội phạm và tập trung xây dựng khu vực phòng thủ ngang tầm với nhiệm vụ và sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội. 

Chủ tịch nước cũng đề nghị Hà Nội chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang thành phố vững mạnh, toàn diện với cơ cấu số lượng hợp lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; giỏi về chiến thuật, nghiệp vụ, đáp ứng tốt yêu cầu sẵn sàng chiến đấu cao, bảo vệ vững chắc, không để Thủ đô bị bất ngờ trong mọi tình huống.

Hải Vân